|
Xã hội hoá y tế nhằm phục vụ tốt nhân dân (Ảnh: N.H) |
Đối với lĩnh vực y tế, nhờ thực hiện xã hội hoá mà trong những năm qua nhiều bệnh viện đã huy động được sự đóng góp của các tổ chức khác nhau để trang bị những trang thiết bị hiện đại, nhằm triển khai những kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh và người hưởng lợi chính là những người bệnh.
Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện chủ trương xã hội hoá, chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng được nâng lên, bởi hiện nay không chỉ có tuyến trên mới triển khai các kỹ thuật cao, mà các bệnh viện tuyến dưới, thậm chí tuyến quận, huyện cũng đã làm chủ nhiều kỹ thuật tương đương tuyến trên. Thành công này vùa giúp giảm tải cho tuyến trên vừa góp phần giúp người dân được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao ngay tại tuyến dưới...
Với sự kêu gọi đầu tư từ nguồn lực bên ngoài, BV quận Thủ Đức đã thành công thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, thu hút người bệnh. Đây cũng là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật tim với kỹ thuật khó.
Thực tế trong công tác khám chữa bệnh thời gian qua cho thấy, khi thực hiện xã hội hoá, người hưởng lợi đầu tiên là bệnh nhân và làm giảm được tỷ lệ chuyển tuyến.
Trung tâm xạ trị- (BV Ung bướu Nghệ An), chỉ hơn 1 năm hoạt động đã xạ trị được 26.500 lượt bệnh nhân, điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn bệnh nhân ung thư ở khu vực bắc Trung Bộ không phải chuyển tuyến ra Hà Nội hay vào TP Hồ Chí Minh để xạ trị.
Tại đây, Trung tâm có thể xạ trị cho 250 bệnh nhân mỗi ngày nhờ 2 hệ thống máy xạ trị gia tốc được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá có thể xạ trị được các bệnh ung thư và giảm nhiều tác dụng phụ cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sau khi được xã hội hoá cánh tay robot dùng để sinh thiết, chẩn đoán các khối u gan, thận, phổi và là thiết bị dẫn đường đốt sóng cao tần điều trị cho các bệnh nhân có khối u nằm sâu trong cơ thể, tỷ lệ chuyển tuyến từ 10% trước đây, nay chỉ còn dưới 1%. Thiết bị này được BVĐK tỉnh Phú Thọ đầu tư bằng nguồn vốn vay ngân hàng.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Cơ chế xã hội hoá và tự chủ là 2 cơ chế hết sức cởi mở của Chính phủ, của nhà nước để cho phát triển y tế của Việt Nam trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Đó là một chủ trương rất tốt.
Tuy nhiên sự thuận lợi khác nhau ở từng cấp độ, từng hạng, từng tuyến của các bênh viện. Ví dụ BV tuyến huyện khó làm xã hội hoá vì không hấp dẫn, lên tuyến tỉnh có khá hơn, nhưng ở tuyến trung ương, đặc biệt là BV hạng đặc biệt rất thuận lợi. Cho nên áp lực khác nhau, hiệu quả cũng khác nhau, do đó mức hấp dẫn khác nhau.
Các chuyên gia khẳng định, y tế phát triển đã cứu chữa được nhiều người khỏi các bệnh hiểm nghèo đi cùng với đó là các kỹ thuật, thiết bị và thuốc mới cần được đầu tư.
“Chúng ta cứ lấy dẫn chứng trong suốt hơn 10 năm qua, hầu hết các thiết bị y tế hiện đại, mới đều cơ bản từ nguồn liên doanh, liên kết, từ nguồn xã hội hoá. Nhờ chủ trương xã hội hoá mà ngày càng phát triển, tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, các loại thuốc hiện đại để theo kịp sự phát triển, tiến bộ của khoa học kỹ thuật và người dân là người được hưởng lợi đầu tiên trong khi ngân sách của chúng ta còn hạn chế”- ông Nguyễn Văn Tiên- Nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay
Nếu như trước đây, mỗi năm người Việt chi phí khoảng 2- 3 tỷ USD, thì hiện nay với sự phát triển của y tế kỹ thuật cao trong nước, rất ít người Việt chọn phương án ra nước ngoài chữa bệnh, thậm chí nhiều người bệnh nước ngoài còn chọn Việt Nam làm điểm đến khám chữa bệnh.
Chủ trương xã hội hoá đã góp phần giúp ngành y tế nước ta tiến kịp sự phát triển của y tế trong khu vực, thậm chí một số lĩnh vực như tim mạch, ung bướu và ghép tạng đã ngang tầm thế giới, đặc biệt là giúp người dân được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao, hiện đại ngay trong nước
Hơn 20 năm xã hội hoá đã góp phần làm y tế kỹ thuật cao phát triển, cứu chữa được nhiều người bệnh hiểm nghèo, cùng với đó là các thiết bị, thuốc mới, kỹ thuật được đầu tư từ trung ương về tuyến dưới.
Do đó, cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, chúng ta cần phải thấy rằng không chỉ vì một vài những lỗi xảy ra mặc dù rất nghiêm trọng mà có thể đình chỉ, ngừng quá trình thực hiện xã hội hoá tại các bệnh viện, nhưng cần sửa đổi lại luật, có đội ngũ nghiêm túc thực hiện quy định đó, để đảm bảo vận hành trơn tru, thận lợi đúng luật nhằm phục vụ tốt cho nhân dân...