Biện pháp phòng vệ thương mại giúp bảo vệ doanh nghiệp trong nước
Thứ bảy, 21/12/2024 16:30 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước.
|
10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 335,59 tỷ USD (ảnh minh hoạ) |
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc PVTM và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Riêng năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tiếp tục điều tra, rà soát 03 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2024; khởi xướng điều tra 03 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 02 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 08 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Kết quả triển khai các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam có dấu hiệu bán phá giá hoặc được nước ngoài trợ cấp đã giúp bảo vệ các doanh nghiệp nội địa yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo sự cạnh tranh sòng phẳng về giá bán giữ sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước với cùng một mặt hàng. Điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Song song với áp dụng các biện pháp PVTM đối với một số hàng hóa nhập khẩu, Cục phòng vệ thương mại cũng tích cực thực hiện các biện pháp kháng kiện đối với các nước khác khi họ áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
|
Kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm |
Đến nay, đã có 268 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (147 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (38 vụ việc) và chống trợ cấp (29 vụ việc). Tính riêng năm 2024, số vụ việc hàng hóa của Việt Nam bị áp dụng PVTM là 26 đến từ 12 thị trường.
Cuối mỗi quý trong năm, Cục Phòng vệ thương mại đều cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Nhờ vậy đã có tác dụng cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua. Qua đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp đã chủ động có phương án giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương (thông qua Cục Phòng vệ thương mại) đã chủ động phối kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu./.
Quang Tiến