Trong gần 1 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 17 của BCH Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” được triển khai sâu rộng, đã giúp huy động được nguồn lực to lớn, sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã diễn ra trên 20 cuộc thi, hoạt động triển lãm, trưng bày, hội diễn, công bố tác phẩm văn học, nghệ thuật về văn hóa, con người Quảng Ninh; hơn 100 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai quy định xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc, Carnaval, các sự kiện văn hóa thể thao quy mô quốc tế… không chỉ làm sôi động, phong phú đời sống tinh thần nhân dân, mà còn đóng góp tích cực vào thúc đẩy du lịch, phát triển KT-XH. Đồng thời, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh; Đề án Phát triển văn học nghệ thuật đến năm 2030; Chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo… đang được đẩy mạnh triển khai, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện.
|
Tuyến đường thôn 7, xã Quảng Chính (huyện Hải Hà) khang trang, sạch đẹp. |
Nhờ những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực nói trên, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh ngày càng nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham gia xây dựng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, đồng thời cũng chính là đối tượng thụ hưởng những thành quả của sự phát triển ấy.
Những kết quả toàn tỉnh đạt được đến thời điểm này không chỉ dừng lại ở các giải pháp lý thuyết, mà còn thể hiện mạnh mẽ khát vọng của cả cộng đồng trong việc chung tay, góp sức để xây dựng một Quảng Ninh giàu bản sắc, hiện đại, phát triển bền vững. Sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân chính là nguồn lực quý báu, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất cho sự phát triển lâu dài của tỉnh nhà. Vai trò chủ thể của người dân trước hết thể hiện ở việc phát huy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong các công việc, hoạt động tại địa phương; từ việc được thông tin về các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến quyền được bàn bạc, quyết định, thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương triển khai. Trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là việc ứng xử, giao tiếp, ăn ở, đi lại, cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ dần những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; bảo vệ ANTT, quản lý tài sản chung, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển phong trào TDTT, VHVN quần chúng...
Thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các chính sách văn hóa và dự án văn hóa của tỉnh và các địa phương; tổ chức các hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu sâu hơn về vai trò chủ thể trong xây dựng và bảo vệ văn hóa địa phương; phối hợp với các cơ quan quản lý văn hoá đề xuất các biện pháp khuyến khích các nghệ nhân dân gian, người có uy tín, và các điển hình văn hóa trong cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kiến thức về văn hóa truyền thống; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân tích cực thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…