Phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh giàu bản sắc

Thứ hai, 14/10/2024 15:52
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phát triển văn hóa, con người là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đặc biệt, xác định là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự tăng trưởng nhanh, bền vững của tỉnh.

Với 43 thành phần dân tộc, Quảng Ninh sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ, quý giá bao gồm 637 di sản văn hóa vật thể (trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt; 56 di tích quốc gia; 100 di tích cấp tỉnh; 466 di tích được kiểm kê phân loại) và 362 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Quảng Ninh cũng là nơi duy nhất có nhà vua sau khi thắng giặc ngoại xâm từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo.

Trên nền tảng những giá trị văn hóa được hình thành và vun đắp, những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh cũng được đặt ra từ những năm đầu thời kỳ đổi mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường phát triển của tỉnh. Từ đó, không ngừng được nuôi dưỡng, bồi đắp, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học (TX Quảng Yên),.

Từ nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc của địa phương. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền” là một trong 3 khâu đột phá giai đoạn 2020-2030. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”...

Trên cơ sở chỉ đạo sát sao của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã cụ thể nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề chi tiết cả về ý nghĩa thực tiễn, vai trò thực hiện, mục tiêu, sản phẩm... Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, cùng với việc ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, đã tiếp tục thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa, con người.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng, phản ánh sinh động thực tiễn đời sống, góp phần bồi đắp thêm giá trị văn hóa truyền thống các vùng miền, dân tộc trên địa bàn tỉnh. 1.542/1.542 thôn, khu phố xây dựng hương ước, quy ước. Nhiều mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh được hình thành và duy trì hiệu quả. Thông qua tuyên truyền, vận động thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, người dân đã dần xóa bỏ những hủ tục, nếp sống sinh hoạt lạc hậu; tiếp thu có chọn lọc luồng văn hóa mới phù hợp với bản sắc vùng miền, địa phương.

9 tháng năm 2024, Quảng Ninh đạt tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên 40,8%, tỷ lệ gia đình thể thao là 24%. Kết quả này có được từ vai trò quan trọng của cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được duy trì tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Các sự kiện, hoạt động thể thao phát triển mạnh mẽ, đa dạng, thường xuyên. Nổi bật là 12 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức từ đầu năm 2024 đến nay (chưa kể các giải thể thao do cấp huyện, cấp xã tổ chức). Qua đó, đem lại những giá trị văn hóa, tinh thần, thể chất rõ nét đối với đại bộ phận nhân dân, góp phần nâng cao sức khoẻ và mức hưởng thụ văn hóa, phòng chống bệnh tật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Nhiều tiêu chí phát triển văn hóa, con người khác năm 2024 (Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 8/3/2024 của UBND tỉnh) cũng được hoàn thành sớm: 100% học sinh phổ thông các cấp học được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, di sản văn hóa; 100% ĐVTN, học sinh, sinh viên được tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đạt 57,2 giường bệnh, 15 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95,5% dân số... Những nỗ lực và kết quả ấn tượng trên khẳng định thêm quan điểm nhất quán của Quảng Ninh: Tất cả mọi sự phát triển đều hướng đến nhân dân, đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở cũng thường xuyên được nâng cấp, phát huy được hiệu quả sau đầu tư, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng, phát triển các câu lạc bộ về lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn. Toàn tỉnh có 13/13 huyện, thị xã, thành phố được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất trung tâm văn hóa - thể thao; 103/177 xã, phường, thị trấn đã thành lập trung tâm văn hóa, thể thao; 1.450/1.452 thôn, khu có nhà văn hóa; 100% thôn, khu khu phố xây dựng hương ước, quy ước.

Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đồng thời, hoàn thành xếp hạng cho 12 di tích; đến nay, toàn tỉnh có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng và 466 di tích kiểm kê.

Có thể thấy, kể từ khi Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” được triển khai sâu rộng, đã giúp huy động được nguồn lực to lớn, sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó đạt được nhiều kết quả tích cực./.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực