Qua 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã đạt được những kết quả, góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển theo chuỗi giá trị. Theo thống kê, hiện tỉnh Quảng Ninh có tổng số 502 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó đã có trên 269 sản phẩm đạt xếp hạng từ 3-5 sao, với sự tham gia của 189 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ được người dân trong tỉnh yêu thích, chọn mua mà còn được bán tại các tỉnh lân cận và xuất khẩu.
Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP bảo đảm bền vững, hiệu quả, nhiều sản phẩm OCOP đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch thương mại điện tử, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng. Hiện số lượng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh đạt 3 sao trở lên đã đưa lên sản thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn là 177/267 sản phẩm. Trong đó, sản phẩm đã lên sàn Postmart.vn là 90 sản phẩm, đạt 34%, sản phẩm đã lên sàn Voso.vn là 159 sản phẩm đạt 60%. Đến thời điểm hiện tại còn một số sản phẩm OCOP không đưa lên sàn, do sản phẩm sản xuất hạn bán trong ngày hoặc số lượng ít nên không có nhu cầu bán trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, nhiều sàn thương mại điện tử lớn hiện nay như: Tiki, Lazada, Sendo… cũng đã phối hợp cùng Sở Công Thương Quảng ninh tổ chức nhiều buổi giới thiệu, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã cách đưa sản phẩm lên sàn. Việc các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu.
|
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham dự Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022 tại Hà Nội. (Ảnh: baoquangninh.com.vn)
|
Để tăng mức độ phổ biến, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, thời gian qua, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh và các địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối, tuần xúc tiến, hội chợ… Thông qua các kỳ hội chợ, tuần xúc tiến thương mại được tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã giúp các chủ thể OCOP không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến mà còn giúp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Tại các kỳ hội chợ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các nhà cung cấp cũng đã thiết lập mã QR để khách hàng thanh toán điện tử mà không cần dùng tiền mặt. Ngoài giao hàng nhanh, sàn cũng cung cấp đầy đủ dịch vụ bởi VNPT Post và về sau có thể là Viettel Post... giúp đa dạng nguồn giao. Nhờ tiện ích mới, thời gian tới, doanh nghiệp có thể quản lý được đơn hàng trên mọi phương tiện từ máy tính cho tới thiết bị di động thông minh.
Mặc dù, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP nhưng còn có một số sản phẩm OCOP của Quảng Ninh vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến; tỷ lệ vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ của một số sản phẩm OCOP chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù, quy mô nhiều sản phẩm còn nhỏ…Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý; đồng thời tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 29 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, hướng tới đối tượng khách hàng tiêu dùng hàng ngày, tại địa phương. Một số điểm cũng đang dần được đầu tư quy mô lớn hướng đến nhóm khách hàng du lịch.
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh thực hiện triệt để với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo” với nhiều hoạt động như: Các chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt - Trung... hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như Lào, Campuchia, Thái Lan... Đáng chú ý là sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, các đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường.