Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Thứ ba, 31/10/2023 14:57
(ĐCSVN) - Sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc đã làm nên một vùng đất văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trở thành tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển du lịch.

Huyện Bình Liêu có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó nhiều nhất là người dân tộc Tày (trên 51%). Trải qua hàng trăm năm, cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ... với tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán và những lễ hội riêng đã tạo nên một Bình Liêu đa sắc màu văn hóa.

Nét đặc sắc của Bình Liêu không phải nơi nào cũng có được chính là không gian lưu trữ của những làn điệu mượt mà, đằm thắm, như làn điệu hát then của người Tày, hát pả dung của nười Dao Thanh Phán, điệu soóng cọ của người Sán Chỉ... đã được người dân chắt chiu, gìn giữ và lưu truyền qua biết bao nhiêu thế hệ.

Những nét văn hóa truyền thống đặc sắc trở thành tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển du lịch. 

Đặc biệt, nghi lễ then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Năm 2019, Di sản Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo thống kê của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu có 4 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; 4 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 1 loại hình lễ hội truyền thống; 11 di sản loại hình nghề thủ công truyền thống; 22 di sản thuộc tri thức dân gian.

Những điểm đến của Bình Liêu thu hút khách Du lịch. 

Chính sự đa dạng, phong phú về văn hoá đã mang lại cho huyện Bình Liêu một nguồn tài nguyên giá trị về văn hoá vật thể, phi vật thể đặc sắc cần bảo tồn và phát triển. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Cụ thể hóa Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong những năm qua, Bình Liêu đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.

Đến nay, huyện Bình Liêu có 3 di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử, văn hóa đình Lục Nà, di tích - danh thắng thác Khe Vằn, di tích - danh thắng Ruộng bậc thang xã Lục Hồn. Cùng với đó, nhiều phong tục tập quán, lễ hội được giữ gìn và lưu truyền như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, Ngày Hội Kiêng gió của dân tộc Dao.

Những năm gần đây, các Hội hoa sở, Hội mùa vàng, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu được tổ chức, gắn chủ trương phát triển du lịch của huyện với chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc cũng góp phần quảng bá, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa của mảnh đất biên giới vùng Đông Bắc. Khai thác tốt các tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã trở thành hướng đi đúng đắn của Bình Liêu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch thế mạnh, như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá - trải nghiệm, du lịch biên giới... không ngừng khẳng định thương hiệu của một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Xác định việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 29/6/2016 về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016-2020.

Bình Liêu cũng xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Huyện đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”... nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, xây dựng thành “bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh: Cụ thể các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa, con người đã góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thực hiện xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Liêu nói riêng, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh nói chung.

Với việc bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc gắn với du lịch, huyện Bình Liêu đã giữ gìn được các di sản văn hoá dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống từ những nét đẹp truyền thống của chính dân tộc mình./.

M.Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực