Chính sách đặc thù phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh

Thứ sáu, 23/04/2021 14:54
(ĐCSVN)- Ngày 22/4/2021, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh vừa họp và thông qua Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 247.000ha rừng trồng.
(Sở TTTT Quảng Ninh cung cấp)

Việc ban hành chính sách với một loạt cơ chế ưu đãi cho người trồng rừng, như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ... sẽ mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển của ngành Lâm nghiệp của tỉnh.

Theo kết quả điều tra đánh giá hiện trạng, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 247.000ha rừng trồng (chiếm 67% tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh). Mặc dù diện tích rừng trồng khá lớn, nhưng chất lượng rừng còn hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp do có tới 74% là cây keo, bạch đàn (rừng cây mọc nhanh).

Rào cản lớn nhất khiến cho cho tỷ lệ rừng gỗ lớn, cây bản địa còn rất thấp (trên 20%), chủ yếu là do người dân không có nguồn lực để chuyển đổi từ trồng keo, bạch đàn sang trồng cây gỗ lớn. Bởi phần lớn chủ rừng đều là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, nên không có vốn để kéo dài chu kỳ trồng rừng gỗ lớn từ 10-20 năm. Vì vậy, các sản phẩm gỗ khai thác từ rừng hiện chủ yếu dùng làm nguyên liệu phục vụ chế biến thô (sản xuất dăm mảnh, ván bóc), gây ra sự lãng phí tài nguyên trong quá trình sử dụng rừng và đất rừng để phát triển KT-XH.

Bên cạnh việc cần thiết gia tăng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn, để đáp ứng được mục tiêu chuyển dịch và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yêu cầu đặt ra là toàn tỉnh phải chuyển gần 20.000ha rừng sản xuất sang mục đích phòng hộ, đặc dụng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách quy hoạch 3 loại rừng đang chậm tiến độ đề ra do phát sinh nhiều vướng mắc giữa cơ quan quản lý với chủ rừng có diện tích rừng, đất rừng phải chuyển loại, trong đó vướng mắc lớn nhất là các chủ rừng chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Trong khi việc trồng cây gỗ lớn và chuyển rừng trồng sang rừng đặc dụng, phòng hộ, còn gặp khó khăn thì những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là hiện tượng khô hạn đã làm một số hồ nước trọng điểm phục vụ sinh hoạt và sản xuất bị rơi vào mực nước chết, như: Hồ Yên Lập (TP Hạ Long), hồ Cao Vân (TP Cẩm Phả), hồ Khe Chè (TX Đông Triều). Việc củng cố diện tích rừng phòng hộ và thực hiện trồng cây bản địa gỗ lớn được xem là một giải pháp quan trọng để tăng khả năng giữ nước, hạn chế xói mòn, bồi tụ trong lưu vực của các hồ, đập.

Từ Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, rào cản lớn nhất về nguồn lực phát triển rừng sẽ được tháo gỡ. Theo đó, các chủ rừng sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi qua các ngân hàng. Cụ thể, hằng năm, trên cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn của các địa phương, UBND tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách, ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Ninh để cho vay và UBND tỉnh cũng sẽ hỗ trợ người dân lãi suất vay vốn từ ngân hàng thương mại. Thời gian cho vay kéo dài trong 25 năm. Cách làm này sẽ giúp các chủ rừng có thêm sự chủ động và quyết tâm trong đầu tư sản xuất mà vẫn đảm bảo sinh kế bền vững.

Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, NHCSXH tỉnh đã cho vay với số tiền trên 772 tỷ đồng cho 15.762 lượt khách hàng vay vốn trồng rừng, đến nay không có nợ quá hạn. Mặc dù vậy, đây vẫn là con số rất khiêm tốn vì bình quân dư nợ của 1 hộ mới đạt gần 50 triệu đồng. Vì vậy, việc tỉnh bố trí ngân sách ủy thác sẽ giúp cho ngân hàng có thêm nguồn lực và giúp cho các hộ dân có thể vay tới 200 triệu đồng/hộ để trồng rừng gỗ lớn. Điều này đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh tới những hộ trồng rừng, đặc biệt là các hộ gia đình dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Do trồng rừng gỗ lớn và chuyển đổi loại rừng cần phải thực hiện trong một thời gian dài, đối tượng bị tác động chính là người dân, nên bước đầu, chính sách sẽ được triển khai để trồng gỗ lớn ở TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Việc chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ sẽ thực hiện tại lưu vực hồ Yên Lập (TP Hạ Long) và lưu vực Nhà máy nước Diễn Vọng (TP Cẩm Phả). Đây là những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả tỉnh và có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các loài cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Định kỳ hằng năm, trên cơ sở kết quả đạt được, UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh để xem xét, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, hiện Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành triển khai xây dựng hướng dẫn thực hiện; phối hợp với các địa phương tổng hợp số liệu về diện tích trồng rừng gỗ lớn và chuyển loại rừng, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đánh giá thêm về tác động của chính sách, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trong giai đoạn 2020-2030, toàn tỉnh đặt mục tiêu tập trung trồng mới 24.000ha rừng gỗ lớn, cây bản địa, thực hiện tốt về quy hoạch 3 loại rừng. Với sự quan tâm của tỉnh, chính sách mới này sẽ giải quyết hài hòa những vướng mắc đang gặp phải trong quy hoạch 3 loại rừng, nâng cao diện tích rừng gỗ lớn và đảm bảo an ninh nguồn nước của tỉnh. Từ đó, đảm bảo mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực