Du lịch Quảng Ninh hồi sinh sau “bão COVID-19”

Chủ nhật, 31/10/2021 16:08
(ĐCSVN)- Là một trong những tỉnh có tiềm năng du lịch vào bậc nhất của cả nước, tuy nhiên qua 04 đợt dịch, cũng như nhiều địa phương trong cả nước Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề, các hoạt động du lịch hầu như bị ngưng trệ nhưng với quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Quảng Ninh đã nỗ lực vượt “bão COVID-19” thành công, tạo đà để du lịch hồi sinh. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam xin giới thiệu loạt bài:Du lịch Quảng Ninh hồi sinh sau “bão COVID-19”

 

Bài 1: Khẳng định thương hiệu du lịch “Made in Quảng Ninh”

(ĐCSVN)- Với lợi thế thiên nhiên ban tặng, du lịch Quảng Ninh đã sớm được định hình và phát triển nhanh chóng theo hướng chuyên nghiệp.Xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng Quảng Ninh đã biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thế mạnh để du lịch cất cánh, trở thành một trong những tỉnh có ngành du lịch phát triển vào bậc nhất trong cả nước.

Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng với rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng (Ảnh : Sở TTTT Quảng Ninh cung cấp) 

Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, không chỉ có sự đa dạng văn hóa với đặc sắc của 22 thành phần dân tộc chiếm gần một nửa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Quảng Ninh còn được thiên nhiên ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh và gần 600 di tích lịch sử được xếp hạng,trong đó có  5 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt Quảng Ninh có di sản văn hóa tâm linh Yên Tử và kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long khiến Quảng Ninh trở thành một trong những điểm đến hàng đầu  của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó tỉnh còn có hệ thống hạ tầng hiện đại, các đường cao tốc từ Hải Phòng, Hạ Long kết nối đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, có đường cao tốc đi sân bay quốc tế Vân Đồn…Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi để du lịch Quảng Ninh cất cánh và phát triển tất cả các loại hình từ nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá tới tâm linh….

Thấy được tiềm năng và lợi thế sẵn có qua nhiều nhiệm kỳ Quảng Ninh đã sớm xác định và đặt mục tiêu phát triển kinh tế trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu góp phần quan trọng để Quảng Ninh trở thành nền kinh tế trọng điểm của phía Bắc. Chính vì vậy những năm gần đây Quảng Ninh không chỉ quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng mà tỉnh đã chú trọng đầu tư về chiều sâu đó là tập trung phát triển về đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng các tour, điểm du lịch, an toàn, hấp dẫn, xanh, sạch đẹp... không chỉ là điểm hẹn của du khách trong nước mà cả khách quốc tế. Và Quảng Ninh bước đầu đã  thành công khi xây dựng được thương hiệu “made in Quảng Ninh” trở thành một điểm sáng, một niềm tự hào của Việt Nam khiến cho nhiều du khách đã từng đến đây luôn muốn và hẹn ngày trở lại.

Theo thống kê trừ 2 năm do ảnh hưởng của COVID-19 còn lại du lịch quảng Ninh năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2015, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 21,78 triệu lượt khách, tăng 12,4%; tổng doanh thu trực tiếp từ lĩnh vực du lịch đạt trên 17.885 tỷ đồng, tăng 66% so với giai đoạn 2010 đến 2012, thu xã hội qua hoạt động du lịch ước bằng 0,6 lần thu trực tiếp từ du lịch. Các thị trường khách quốc tế trọng điểm lưu trú tại Quảng Ninh ổn định, trong đó có một số thị trường tăng mạnh như: Anh tăng 37%, Mỹ tăng 25%, Tây Ban Nha tăng 24%. Tổng số nộp ngân sách từ hoạt động du lịch trong giai đoạn 2013 – 2015 đạt 2.780 tỷ đồng, trong đó năm 2015, thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngành du lịch đã có bước tiến phát triển vượt bậc, đóng góp trên 8% vào GDP của tỉnh.

Đặc biệt từ năm 2016 có thể nói là thời kỳ du lịch Quảng Ninh có bước chuyển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được cải thiện, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao, tạo sức hút với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cũng được ban hành, tạo tiền đề để "đánh thức" ngành du lịch, dịch vụ, vốn trước đây chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng quy hoạch. Thực hiện chủ trương quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,du lịch Quảng Ninh thực sự khởi sắc.

 Tận dụng lợi thế sẵn có bước đầu Quảng Ninh đã xây dựng được thương hiệu du lịch "Made in Quảng Ninh" (Ảnh :Sở TTTT Quảng Ninh cung cấp)

Không gian phát triển du lịch được tỉnh mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Đặc biệt với mô hình phát triển chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh” không gian và các điểm du lịch của tỉnh được mở rộng. Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu: Xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế….

Với tầm nhìn và sự sáng suốt trong hoạch định chiến lược,năm 2016 Quảng Ninh đón 8,3 triệu lượt khách;năm 2017, "nhắm đích" 8,9 triệu lượt khách du lịch, mang lại tổng thu từ khách du lịch khoảng 13.800 tỷ đồng;năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón được trên 12 triệu lượt khách, tăng 24%,tổng thu từ khách du lịch đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1%.

Đặc biệt năm 2019 tiếp tục được đánh giá là năm có tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Quảng Ninh cả về số lượng khách và doanh thu, đóng góp cho ngân sách tỉnh tăng đến 30% so với năm 2018. Năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đã đạt trên 14 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt. Thời gian lưu trú của du khách đã có những chuyển biến rõ rệt từ 2,16 ngày trong năm 2017 lên 2,74 ngày trong năm 2019.Mức chi tiêu bình quân cho một du khách cũng có thay đổi tích cực, tăng 9% so với năm 2018, đạt 2,1 triệu đồng/lượt khách. Những thay đổi trên đã góp phần đưa tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 29.487 tỷ đồng, bằng 125% so với năm 2018, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của ngành du lịch đạt 3.568 tỷ đồng tăng 30% so với năm 2018 (chiếm 10,7% tổng thu ngân sách nội địa của toàn tỉnh).

Những con số tăng trưởng hàng năm đã phần nào khẳng định được sự sáng suốt trong hoạch định chiến lược phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của tỉnh, đồng thời khẳng định những bước tiến vững chắc nhanh, mạnh của du lịch Quảng Ninh.Hàng năm du lịch Quảng Ninh cũng đóng góp khoảng 10-11% GDP của tỉnh.

Với đà tăng trưởng này việc Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 2030 đạt 30 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.Nhưng cũng như nhiều địa phương trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới năm 2020,2021  “Bão COVID-19” xuất hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch đề ra.

Dù rất cố gắng nhưng năm 2020 khách du lịch Quảng Ninh chỉ ước đạt hơn 8,8 triệu lượt, bằng 63% so với năm 2019. Tuy con số còn khiêm tốn nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, Quảng Ninh không chỉ có du lịch mà nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác đều bị đóng băng trong một thời gian dài, để đạt được con số này đã chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn của những người làm du lịch đất Quảng. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 năm 2020, Quảng Ninh phải “bế quan tỏa cảng”, “nội bất xuất ngoại bất nhập” trong thời gian dài, nhưng ngay sau khi dịch được khống chế, Quảng Ninh đã tận dụng cơ hội, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, tạo điều kiện để du lịch “hồi sinh”. 200 tỷ đồng dành cho hoạt động kích cầu năm 2020 là con số ấn tượng cho thấy quyết tâm của đảng bộ và chính quyền Quảng Ninh trong việc hồi sinh ngành công nghiệp không khói.

Đặc biệt trước sự đổ bộ của “siêu bão COVID -19” lần thứ 4 năm 2021 Quảng Ninh tuy không có nhiều ca như năm 2020 nhưng do các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, Chỉ thị 16 được áp dụng ở hầu hết các tỉnh nên Quảng Ninh chỉ dám đưa ra kế hoạch phấn đấu đón 10 triệu lượt khách. Và cho đến giờ phút này để đạt được mục tiêu đề ra cũng vô cùng khó khăn, là thách thức đối với những người làm du lịch. Để hoàn thành kế hoạch, đòi hỏi du lịch Quảng ninh những tháng cuối năm phải có sự bứt phá ngoạn mục, tăng tốc để về đích đúng kế hoạch.

Bài 2: Nỗ lực vượt “bão COVID-19”

 

Thanh Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực