Khôi phục hoạt động du lịch, đón khách tham quan
Cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản, ảnh hưởng lớn, tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ngành dịch vụ - du lịch.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ khu vực Thành phố Hạ Long thiệt hại liên quan đến đến vỡ kính, vỡ ngói mái nhà biệt thự, gió lùa làm sập, hỏng trần, hỏng đồ đạc trong phòng nghỉ, khu vực sảnh đón tiếp, nhà hàng, quầy bar, khu vực phụ trợ…; đổ cây xanh, cột đèn trong khuôn viên; hệ thống điện, điều hòa, nước của nhiều cơ sở bị thiệt hại nặng. Thiệt hại tập trung ở các loại cơ sở lưu trú từ cao cấp 4-5 sao đến các cơ sở quy mô nhỏ, nhà nghỉ. Thiệt hại nặng nhất là ở địa bàn Thành phố Hạ Long và một số địa phương ven biển: Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô.
|
Khách du lịch đến Quảng Ninh sau bão Yagi. |
Đặc biệt sau cơn bão, một lượng chất thải, rác thải trên biển đã trôi dạt phủ kín mặt vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các bãi tắm trên địa bàn đã không chỉ ảnh hưởng đến việc khôi phục hoạt động du lịch…
Để sớm khôi phục lại các hoạt động, ngay sau bão số 3, ngành du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả và phục vụ du khách trở lại, sau ít ngày đã đón hàng nghìn khách du lịch tới vịnh Hạ Long.
Tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 11/12 huyện, thị xã, thành phố có khu, điểm du lịch được công nhận đã sẵn sàng đón khách trở lại sau khi nhanh chóng dọn dẹp, củng cố. Trong đó như 2 khu du lịch Bình Liêu, Cô Tô là vừa khắc phục ảnh hưởng bão vừa đón khách. 67/87 điểm du lịch sẵn sàng đón khách trở lại.
Thành phố Hạ Long có 39 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao với 8.572 buồng phòng, trong đó có 5.196 phòng sẵn sàng đón khách (chiếm 60% tổng số phòng). Có 36 khách sạn vừa sửa chữa, vừa đón khách (chiếm 85%). Khối cơ sở lưu trú du lịch từ 1-3 sao và đạt tiêu chuẩn vẫn sẵn sàng đón khách với khoảng 580 khách sạn, gồm 8.540 phòng.
|
Tàu du lịch trên vịnh Hạ Long sẵn sàng đón tiếp phục vụ du khách. |
Bên cạnh đó, hệ thống các nhà hàng lớn, kiên cố tại khu vực Bãi Cháy và khu vực Hòn Gai vẫn hoạt động bình thường. Nhiều cửa hàng lưu niệm, cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch đã sẵn sàng mở cửa trở lại; nhiều quán cafe, ăn đêm hoạt động bình thường.
Tại các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí, 100% cơ sở lưu trú sẵn sàng đón khách; 30% cơ sở lưu trú với 60% tổng số phòng toàn huyện Cô Tô sẵn sàng đón khách; một số cơ sở trong bờ tại Vân Đồn cũng đã sẵn sàng phục vụ…
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và 2 Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Hạ Long, ít nhiều đều bị hư hại nhưng đã sớm vận hành trở lại. Các tàu du lịch nhanh chóng chỉnh trang lại cơ sở vật chất, sẵn sàng hoạt động 315/359 tàu tại cả 2 cảng, chiếm 88%, gồm cả tàu tham quan, tàu nhà hàng và tàu lưu trú, nghỉ đêm.
Mặc dù chưa phải là tất cả nhưng một số điểm đến trong hành trình tham quan Vịnh Hạ Long cũng nhanh chóng được kiểm tra, rà quét luồng để sẵn sàng đón khách, gồm cả các điểm tham quan và điểm ngủ đêm trên vịnh. Và từ ngày 13/9, tàu du lịch đã được cấp lệnh tiếp tục đưa khách tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long…
Kiên định mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch
Ngay sau bão, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ - du lịch, kịp thời nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp du lịch để chỉ đạo tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành kinh tế mũi nhọn nhanh chóng phục hồi. Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp dich vụ du lịch đã khẩn trương bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả của bão, “chạy đua” với thời gian để đưa hoạt động sớm trở lại phục vụ mùa khách du lịch tàu biển. Cùng với tỉnh tổ chức chiến dịch 3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long, Thành phố Hạ Long đã phát động chiến dịch 7 ngày cao điểm toàn thành phố tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường… để trong thời gian sớm nhất Hạ Long lấy lại hình ảnh của thành phố Di sản, thành phố du lịch.
Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tập trung cao độ tổ chức dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, sửa chữa cơ sở vật chất bị hư hỏng, chỉ tổ chức hoạt động dịch vụ ở những khu vực thực sự đảm bảo an toàn. Đồng thời duy trì tốt việc phục vụ các đoàn khách đã đặt trước và các đoàn khách mới; đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả, vệ sinh ATTP. Đặc biệt, phối hợp, liên kết cùng chính quyền để chuyển tải thông điệp Quảng Ninh đã và luôn sẵn sàng phục vụ du khách; khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn; tiếp tục tổ chức, tham gia các chương trình kích cầu du lịch, các roadshow, liên hoan ẩm thực… để thu hút khách du lịch trở lại.
Ngành Du lịch tiếp tục đề nghị tỉnh xem xét, đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng, hệ thống doanh nghiệp nói chung, bị thiệt hại sau bão. Cụ thể, cơ cấu lại thời gian vay, nợ; miễn, giảm lãi vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị thiệt hại; giảm tiền thuê đất, thuế đất, mặt nước; giãn thuế dịch vụ; tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, phí vệ sinh môi trường hoặc xem xét gia hạn thời gian quyết toán các loại thuế.
Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định đã sẵn sàng phục vụ khách du lịch ngay khi bão qua, là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Du lịch Quảng Ninh vẫn sẽ là một trong những trụ cột tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh quyết tâm giữ kịch bản đón 19 triệu lượt khách du lịch năm 2024, trong đó có 3,5 triệu lượt khách Quốc tế; doanh thu du lịch dự kiến đạt 46.460 tỷ đồng./.