Khẳng định thương hiệu nông sản Quảng Ninh

Thứ hai, 30/10/2023 14:07
(ĐCSVN) – Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang dần khẳng định chất lượng và những điểm riêng biệt và tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh; góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn.

Kể từ khi Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được khởi động vào năm 2013, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ, đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, cách làm và bước đi phù hợp, để thương hiệu nông sản Quảng Ninh ngày càng chiếm được sự tin yêu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Sau 10 năm triển khai chương trình, đến nay Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 565 sản phẩm, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh ngày càng đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được khách hàng trong nước đón nhận.

 Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

với 565 sản phẩm

Toàn tỉnh có trên 95% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch. Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa. Đến nay có 385 sản phẩm OCOP tỉnh được đưa lên các sàn Postmart.vn, Voso.vn, Sendo, Tiki... Trên địa bàn tỉnh hiện có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ).

Việc các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu và mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh Quảng Ninh có khoảng 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP.

Ngoài ra, nhằm tạo dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh và phát triển du lịch bền vững, Quảng Ninh đã chọn giải pháp trọng tâm quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương.

Ngay từ đầu mùa du lịch năm 2023 bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tâm linh... nhiều điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh cũng thu hút đông du khách. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm OCOP đang tạo được ấn tượng với du khách trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP còn được chú trọng giới thiệu tại các lễ hội du lịch thường niên của các địa phương trong tỉnh và các sự kiện lớn như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Quảng Ninh; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh; các tuần xúc tiến sản phẩm du lịch trong và ngoài nước…

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Từ đó, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, tận dụng lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Để thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đưa sản phẩm OCOP

vào các trung tâm, điểm bán...

Được biết, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng 8 đến 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia; bảo đảm 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc; xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để nâng tầm thương hiệu nông sản, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, để phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, tích cực đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý và tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản bền vững.

Việc tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh tới các thị trường trong và ngoài nước được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong nước. Thời gian tới, để thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả sản phẩm OCOP, Quảng Ninh tiếp tục có nhiều cơ chế hỗ trợ để đưa sản phẩm OCOP vào các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm tại mỗi địa phương, đặc biệt ở các khu vực sân bay, khu du lịch. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và các địa phương đẩy mạnh kết nối chương trình, tuyến du lịch, nhằm đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các trung tâm, cửa hàng OCOP trên địa bàn; trải nghiệm ngay tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.

Để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất đối với cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.

Duy Bách

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực