Quản lý tốt hơn nhờ tuyển chọn được người tài qua thi cử

Thứ bảy, 22/03/2014 09:56

Một năm sau ngày trúng tuyển kỳ thi lãnh đạo, quản lý cấp sở và được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu của Ban quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), bà Phạm Thùy Dương cho hay: Các giải pháp trong bản đề án của bà đã từng bước góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý để vừa khai thác bền vững vừa bảo tồn tốt hơn những giá trị di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

 

 Tàu du lịch đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long ( Ảnh: báo Quảng Ninh).


Bà Dương là một trong hai thí sinh đầu tiên vượt qua kỳ thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành thí điểm của Quảng Ninh hồi tháng 1/2013. Điều làm bà Dương tâm đắc nhất trong suốt một năm ở cương vị Trưởng Ban quản lý Vịnh là cùng với tập thể cơ quan đã giúp tỉnh Quảng Ninh thuyết phục được các chuyên gia giám sát IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) do UNESCO cử đến Hạ Long để đánh giá công tác bảo tồn Vịnh Hạ Long, rằng công tác quản lý, bảo tồn di sản này đang được làm tốt và đề nghị Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đưa Vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách khuyến nghị vào kỳ họp năm 2014. Tại các kỳ họp 33 và 35, Ủy ban Di sản thế giới đã đưa Vịnh Hạ Long vào danh sách khuyến nghị về những vấn đề tác động xấu đến di sản này như: Vấn đề phát triển công nghiệp, ô nhiễm môi trường, gia tăng du lịch, phá vỡ đa dạng sinh học…

Sau cuộc khảo sát thực địa hồi tháng 11/2013, ông Paul Dingwall, chuyên gia của IUCN đánh giá cao công tác bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên và thực hiện tích cực các biện pháp quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh. Vị chuyên gia này khẳng định: Những khuyến nghị của UNESCO về những vấn đề tác động xấu đến di sản Vịnh Hạ Long là không đúng, tỉnh Quảng Ninh đã có những hành động cụ thể để bảo tồn Vịnh Hạ Long như: Cấm các hoạt động vận chuyển gây ô nhiễm vịnh, triển khai các dự án xử lý nước thải, sắp xếp công tác quản lý vịnh... Đặc biệt, ông đánh giá rất cao Dự án di dời làng chài trên Vịnh Hạ Long và cho rằng đây là dự án tốt nhất trong các dự án di dời làng chài tại các di sản khác trên thế giới.

Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Thùy Dương cho biết: Bản đề án đưa bà lên cương vị lãnh đạo, quản lý Vịnh Hạ Long đã cập đến rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long. Tuy nhiên khi áp dụng, bà Dương nhận định được những yêu cầu cấp bách của từng vấn đề, nguồn lực thực tế, nên bà cùng Ban quản lý Vịnh tập trung chỉ đạo thực hiện được một số vấn đề cơ bản trọng tâm, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đó là, tham mưu với tỉnh trong việc chỉnh sửa, bổ sung Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long trên cơ sở Quy chế cũ được ban hành vào năm 2007 với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý. Kế đến, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long; mở rộng liên kết vùng trong công tác quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long thông qua việc ký kết Quy chế phối hợp với UBND huyện Cát Hải (Thành phố Hải Phòng) trong quản lý, bảo tồn vùng Vịnh Hạ Long và Vịnh Cát Bà. Điều này đã góp phần quản lý hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm trên Vịnh Hạ Long.

Để giúp Vịnh xanh, sạch hơn, Ban quản lý Vịnh chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh thông qua việc điều tra khảo sát, đánh giá nguồn xả thải xuống Vịnh, nguy cơ gây ô nhiễm Vịnh Hạ Long, dự báo tình trạng môi trường vùng Vịnh; xây dựng phương án thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh đưa về bờ xử lý, trong đó có đề xuất đầu tư nguồn lực để thu gom rác vận chuyển về bờ; kêu gọi nguồn tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường trên Vịnh Hạ Long với việc phối hợp trường Đại học Osaka (Nhật Bản) triển khai Dự án cơ sở Jica - Pha 2 (2013 – 2016) tổng kinh phí thực hiện 60 triệu Yên. Ban quản lý Vịnh đã triển khai phương án củng cố, tăng cường công tác cứu hộ cứu nạn tại các tuyến, điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long nhằm tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh cho khách tham quan; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của Vịnh để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang thương hiệu Hạ Long, trong đó có bảo tồn và phát huy sản phẩm du lịch văn hóa làng chài.

Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá di sản theo hướng chất lượng, hiệu quả, có chiều sâu, khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long; kết nối với mạng lưới Di sản biển thế giới; củng cố, sắp xếp lại cơ sở vật chất, đội ngũ hướng dẫn viên tại các cảng bến làm công tác đón tiếp, giới thiệu tổng quan về Vịnh Hạ Long, giới thiệu tuyến, điểm, sản phẩm du lịch...

Việc tiếp theo của nữ Trưởng ban này trong năm 2014 là hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự của Ban quản lý Vịnh Hạ Long và không ngừng nghiên cứu tìm giải pháp cụ thể để việc quản lý, bảo tồn phải đi đôi với khai thác di sản phục vụ du lịch theo hướng bền vững.

Việc quản lý một di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vẫn luôn là một việc khó. Quảng Ninh đã quyết định đúng đắn khi tiến hành tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch để tìm ra người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài gánh vách trách nhiệm. Hiệu quả của cách làm mới trong công tác cán bộ của Quảng Ninh bước đầu đã đem lại hiệu quả thông qua những con người, những việc làm cụ thể. Quảng Ninh đang duy trì và từng bước mở rộng thi tuyển ở một số vị trí, chức danh quan trọng khác. Tới đây là kỳ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 4/2014./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực