Quảng Ninh: Bức tranh kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định với nhiều điểm sáng

Thứ sáu, 18/11/2022 14:34
(ĐCSVN) - Vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, cùng rất nhiều yếu tố bất lợi, khó lường, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đến thời điểm này bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ninh tiếp tục duy trì ổn định với nhiều điểm sáng.

Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong điều kiện khó khăn chồng chất, nhất là đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh sau nghỉ Tết Nguyên đán; bên cạnh đó, những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng của tình hình thế giới, tình trạng cung cấp điện thiếu ổn định, giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao, đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, kế thừa kinh nghiệm và giải pháp mang tính khoa học, các quyết sách đúng trong phòng, chống dịch hơn 2 năm qua, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tỉnh đã ban hành 20 văn bản, thông báo chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trước các diễn biến mới của tình hình dịch COVID-19 và một số dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là tập trung thực hiện chiến lược vắc-xin “thần tốc” chủ động đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn; củng cố năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường; chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm… Đây là yếu tố mang tính quyết định để Quảng Ninh kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

 Bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ninh tiếp tục duy trì ổn định với nhiều điểm sáng 

Cùng với phòng chống dịch, ngay từ đầu năm, tỉnh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số.

Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2023 theo Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Đặc biệt, đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành Than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, nhất là kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để ngành Than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, bảo đảm không để thiếu than cho sản xuất điện và không để thiếu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong toàn quốc chủ động chỉ đạo thực hiện sớm chủ trương mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất để mở cửa du lịch; đồng thời xây dựng chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022, gắn với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh theo Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh.

Cùng với các địa phương trên cả nước, Quảng Ninh cũng đăng cai, tổ chức thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31, cùng một loạt sự kiện tầm quốc tế, quốc gia... Những sự kiện thể thao lớn đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Ninh.

Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã góp phần đưa Quảng Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên, giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm 2022 đạt 10,21%; tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 44.870 tỷ đồng, bằng 85% dự toán năm, 81,5% kịch bản, 119% cùng kỳ. Đặc biệt, 10 tháng năm 2022, lĩnh vực dịch vụ du lịch có sự bứt phá mạnh mẽ với 9,7 triệu lượt du khách đến Quảng Ninh, gấp 3,55 lần cùng kỳ, bằng 83,7% kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế 177.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 20.864 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, bằng 82,9% kịch bản tăng trưởng...

Quảng Ninh đón đoàn khách quốc tế lớn nhất kể từ sau đại dịch COVID-19 

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt trên 11% và thu NSNN trên 52.600 tỷ đồng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, tỉnh ưu tiên cho việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch, thúc đẩy thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; phát triển sản xuất kinh doanh đối với ngành Than, ngành Điện, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp thực hiện 6 kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý thuế kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, căn hộ du lịch, cho thuê mặt bằng kinh doanh; hoạt động vận tải; khai thác khoáng sản; xây dựng; kinh doanh xăng dầu và kinh doanh bất động sản...

Tiếp tục rà soát các dự án có sử dụng đất vốn ngoài ngân sách, nhất là dự án lấn biển để xác định đúng, đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, không để xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, thất thu NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách gắn với làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ngân sách, các cơ quan quản lý liên quan trong việc không triển khai và để chậm triển khai các dự án, nhất là dự án về y tế, giáo dục như mua sắm thiết bị, thuốc men, vật tư y tế... làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tăng cường giám sát, kiểm soát các khoản dự toán chi thường xuyên đã bố trí, phân bổ trong dự toán.

Cùng với đó, các địa phương phải tập trung cao độ đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 16-NQ/HĐND của HĐND tỉnh bảo đảm thực chất, hiệu quả; phấn đấu hoàn thành vững chắc mục tiêu 4 đơn vị cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh về đích nông thôn mới trong năm 2022, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực ngân sách tỉnh và nặng về tư tưởng đầu tư hạ tầng, xem nhẹ phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, con người...

Thùy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực