|
Phong trào xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh trong 5 năm qua đã được phát triển rộng khắp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận (Ảnh:Quảng Ninh cung cấp) |
Với mục tiêu cụ thể, kế thừa thành quả đổi mới, sáng tạo của nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh đã phát động nhiều phong trào thi đua, tạo nên những bứt phá ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực.
Nổi bật nhất là phong trào thi đua “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa” được triển khai từ năm 2000 đến nay, đã trở thành phong trào ‘riêng có” của Quảng Ninh. Trong đó, phong trào “Doanh nghiệp giỏi” là môi trường, động lực để các doanh nghiệp phấn đấu phát triển toàn diện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, thu nhập, chế độ chính sách, cho người lao động. Thông qua phong trào đã có gần 7.600 công trình, phần việc do công đoàn tham gia quản lý với tổng giá trị trên 78.400 tỷ đồng. Tiêu biểu như: “Cụm công trình Khu nhà ở tập thể Vĩnh Xuân” - Công ty Than Mạo Khê; Công trình “Cải tạo tổng thể công nghệ xử lý cấp hạt mịn trong các nhà máy tuyển” - Công ty Tuyển than Cửa Ông; Công trình Trụ sở Liên cơ quan số 3; hệ thống nghiền khô phối liệu sản xuất sản phẩm trang trí và máy dập ngói tự động của Công ty CP Gốm Đất Việt...
5 năm qua, phong trào “Cơ quan, đơn vị văn hóa” với những tiêu chí cụ thể, phù hợp, đã tập trung vào việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở. Thông qua phong trào thi đua “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, Đơn vị văn hóa” đã có gần 18.500 sáng kiến cải tiến, làm lợi trên 653 tỷ đồng, các tác giả sáng kiến được khen thưởng 31,6 tỷ đồng. 5 năm qua đã có gần 5.600 lượt doanh nghiệp giỏi, cơ quan, đơn vị văn hóa được cấp huyện, cấp tỉnh tuyên dương, khen thưởng.
Cùng với phong trào thi đua “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa”, trong thời gian qua, phong trào “Công nhân tiên tiến tiêu biểu”cũng được phát triển rộng khắp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhờ có phong trào này được phát động rộng khắp đã góp phần thúc đẩy công nhân viên chức, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát huy sức sáng tạo, nâng cao năng suất lao động. Nhiều công nhân đã có những sáng kiến có giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. 5 năm qua đã có 1.651 công nhân lao động trực tiếp vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cấp công đoàn đã phối hợp biểu dương, khen thưởng trên 14.300 công nhân trực tiếp tiêu biểu, trong đó có 421 “Công nhân tiên tiến tiêu biểu” cấp tỉnh, gần 1.300 lượt tập thể, tổ đội xuất sắc.
Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và phải trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực chính trị - xã hội, ở tất cả các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, cấp ủy các cấp của Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để “khéo” tập hợp, “khéo” vận động, tập trung vào giải quyết những việc khó, những việc mới phát sinh;. Qua các năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có sự chuyển biến cả về chất lượng và số lượng, trong 5 năm qua đã có 7.192 điển hình Dân vận khéo các cấp.
Bên cạnh đó, phong trào “Thi đua quyết thắng” của Lực lượng vũ trang và phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng Công an được kết hợp chặt chẽ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp không có tội phạm về tệ nạn xã hội” tạo sức lan tỏa rộng khắp. Ngoài ra lực lượng vũ trang của tỉnh còn tổ chức các phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao” trong lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và phong trào thi đua “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Qua đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự ngay từ cơ sở, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với việc triển khai sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm huy động nguồn lực, chung tay thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, lấy người nông dân làm chủ thể, nhà nước hỗ trợ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Trong 05 năm, ngân sách bố trí 2.674 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, toàn tỉnh có 89/98 xã (91%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), vượt mục tiêu đặt ra; hết năm 2020 bình quân các xã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu, không có xã dưới 15 tiêu chí; có 07/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Đông Triều là địa phương đầu tiên miền Bắc và huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới); là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Riêng Chương trình 135, Quảng Ninh đã giành được thành tựu lớn trong việc triển khai đề án 196 - Một đề án chứa đựng tính sáng tạo, quyết tâm chính trị lớn của toàn tỉnh, đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 01 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra. Trong 05 năm, tỉnh đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất.
Chương trình mỗi xã phường một sản phảm (OCOP) được triển khai bài bản, hiệu quả, thu hút nhiều tổ chức kinh tế, người dân tham gia, quy mô, số lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP” của Quảng Ninh đã được triển khai thành Chương trình cấp Quốc gia với 171 đơn vị tham gia; Trong khi cả nước có trên 700 sản phẩm OCOP, thì Quảng Ninh đã có tới 461 sản phẩm; Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả rõ rệt; tạo việc làm mới, tăng thu nhập, phát triển sản xuất là một giải pháp thoát nghèo bền vững và được Trung ương cho triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc và được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong phong trào OCOP).
Với những nỗ lực không ngừng trong các phong trào thi đua, trong 5 qua, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 14.974 tập thể cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua, Chiến sĩ thi đua; 538 tập thể cá nhân được nhận Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 04 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 225 tập thể cá nhân được tặng Huân chương Lao động và Huân chương Độc lập các hạng.