Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã xác định thực hiện 3 đột phá chiến lược (đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực) vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội.
Về các dự án hạ tầng, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, bám sát các kế hoạch chiến lược, gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã nhanh chóng bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông kết nối mang tính chất liên vùng với nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1, 2, 3; các cầu kết nối với TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương... Các dự án hạ tầng giao thông mới được lựa chọn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn được đánh giá sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của tỉnh, tạo bứt phá mới, diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả - an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
|
Các nhà thầu đang tập trung thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh, quyết tâm thông xe toàn tuyến trong năm 2021. (Nguồn: BQN) |
Quyết tâm đẩy nhanh các công trình dự án trọng điểm, nhất là đối với các dự án hạ tầng giao thông, ngày 2/9/2021, Quảng Ninh đã phát động đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm” hoàn thành 3 công trình trọng điểm: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1, đặt mục tiêu đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành các công trình này. Các đơn vị thi công các dự án đang huy động tối đa phương tiện, nhân lực thi công liên tục để về đích đúng hẹn theo cam kết với tỉnh.
Ngày 24/10/2021, tỉnh đồng loạt khởi công, khởi động 4 dự án trọng điểm, gồm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long; Sân golf Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). 4 dự án này không chỉ có mức đầu tư rất lớn (283.000 tỷ đồng), mà còn được nhận định là đã “nhắm trúng” vào trọng điểm chiến lược ưu tiên phát triển của Quảng Ninh, đó là: Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, tập trung cho chế biến, chế tạo và phát triển các lĩnh vực kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh”.
Quyết tâm đột phá trong công tác cải cách hành chính được tỉnh thể hiện rõ qua việc đưa nhiệm vụ giữ vững, nâng cao vị trí và cải thiện điểm số của các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và trở thành nội dung có tính chất bắt buộc trong thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các cấp chính quyền...
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh chính thức kết nối thành công với Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8/2020. Đến nay, mô hình Chính quyền điện tử tỉnh đã có nền tảng vững chắc là hoạt động hiệu quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Hiện Quảng Ninh nằm trong số ít các địa phương trong nước đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh; đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp… Theo thống kê, hiện có trên 70% số người dân, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng hiệu quả các dịch vụ, tiện ích của chính quyền điện tử.
Theo báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, 10 tháng năm 2021, tổng vốn ngoài ngân sách thu hút trên địa bàn tỉnh đạt trên 352.000 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 38 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 36.648,3 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 54 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký là 315.602 tỷ đồng. Cũng 10 tháng qua, toàn tỉnh có 1.694 đơn vị thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 75% kế hoạch; số vốn đăng ký đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng 50%; 327 doanh nghiệp giải thể, giảm 18%; 818 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17.200 doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký 290.000 tỷ đồng.
Trong phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Ninh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ; đào tạo nghề trình độ cao trong các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.