(ĐCSVN) - Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn nhiều xã, huyện đã có nhiều khởi sắc rõ nét.
Khó khăn ban đầu
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, trước khi thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nông nghiệp và nông thôn luôn trong tình trạng không ổn định, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp bị thay đổi do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh. Sản xuất nông nghiệp phát triển chênh lệch ở các vùng, miền; sức cạnh tranh sản phẩm thấp. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn ít được quan tâm, nhiều nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn chưa đồng bộ, thiếu tính chiến lược. Nông dân chiếm tới 50% dân số toàn tỉnh nhưng đời sống vật chất và tinh thần còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao (7,68%), đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng xa trung tâm. Mối quan hệ liên minh công nông trong phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn còn chưa rõ nét. Thêm vào đó, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ rộng lớn như: trung tâm công nghiệp khai khoáng, du lịch, kinh tế biên mậu với Trung Quốc,… trong khi cung cấp nông sản trên địa bàn mới đạt 60% nhu cầu.
Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc
Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, từ năm 2011-2013, bộ mặt nông thôn Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc rõ nét. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất vùng nông thôn được chú trọng đầu tư xây dựng. Cụ thể, đã nhựa hóa, bê tông hóa 72% đường giao thông xã, liên xã; cứng hóa 1.555 km đường liên thôn.
|
Đường giao thông nội đồng nhiều xã tại Quảng Ninh đã được bê tông hóa (Ảnh: Bùi Thủy) |
Song song với đó, điện lưới quốc gia đã được cung cấp tới 96% các thôn, bản (đặc biệt, đưa điện lưới ra đảo Cô Tô được thực hiện vào năm 2013 với quy mô 25 km đường cáp ngầm vượt biển với kinh phí đầu tư trên 1,1 nghìn tỷ đồng). 100% xã có cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ các hoạt động văn hóa truyền thống, tiêu thụ sản phẩm và sinh hoạt của người dân hằng ngày.
Mặt khác, tỉnh đã xây dựng được 93 công trình thủy lợi (25 công trình hồ đập, 68 công trình kênh mương các loại). Đến nay, 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã chủ động được tưới tiêu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.
Sản xuất nông nghiệp đã từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa với quy mô sản xuất tập trung, tiêu thụ sản phẩm theo cơ chế thị trường. Đến nay, tỉnh đã xây dựng xong các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm tập trung, hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Thu nhập bình quân từ xấp xỉ 11 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên xấp xỉ 17 triệu đồng/người/năm (năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 của tỉnh là 7,68%, đến hết năm 2013 còn 2,42%. Năm 2013, toàn tỉnh có 34 xã đã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (tăng 12 xã so với kế hoạch).
Không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Để đạt được những kết quả nêu trên, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng huy động sức người sức của, tạo đà cho người dân tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất; đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
Cụ thể, hàng năm dành 45% tổng nguồn vốn phân bổ hỗ trợ sản xuất, tập trung vào các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại giống mới có giá trị cao; xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay. Bên cạnh đó, chú trọng công tác xác định các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh, địa phương nhằm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; đảm bảo lượng sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Tỉnh đã quy hoạch các vùng trồng trọt, vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn 14 huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng cơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thêm vào đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chương trình nông thôn mới. Đặc biệt là chuyển đổi nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến xã trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống sinh hoạt, xây dựng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhằm tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, nâng cao mức sống của người dân nông thôn, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp và cơ chế chính sách (về nguồn lực tài chính, thuế, khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực) nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn, khắc phục nhanh tập quán canh tác nhỏ lẻ theo phong trào. Trong đó, các doanh nghiệp cần tham gia hơn nữa vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về đường giao thông, thủy lợi,…phục vụ cho sản xuất các vùng quy hoạch sản phẩm tập trung, khu vực nông thôn, đặc biệt là những vùng khó khăn. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là tuyến xã trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, có kế hoạch đào tạo lại đội ngũ cán bộ. Chăm lo đến đời sống tinh thần của người dân tại các khu dân cư trên cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao theo phong tục tập quán gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của từng vùng, miền, từng dân tộc. Hài hòa giữa phát triển sản xuất, tăng thu nhập với việc xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, nâng cao dân trí vùng nông thôn./.