Quảng Ninh: Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6,29 triệu USD

Thứ ba, 12/08/2014 15:41

(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 45.400 tấn, đạt 51,6% so với kế hoạch; tăng 3,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác 29.900 tấn, đạt 55,4% kế hoạch, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Nuôi trồng 15.500 tấn, đạt 45,6% kế hoạch, tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm cũng tăng mạnh, ước đạt 6,29 triệu USD, bằng 146,7% so với cùng kỳ. Sản phẩm chế biến xuất khẩu ước đạt 731 tấn, bằng 171,1% so với cùng kỳ. Tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 20.100 ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi mặn lợ 16.730ha, diện tích nuôi nước ngọt 3.370ha; nuôi lồng bè 7.627 ô lồng. Đã thả 2.325 triệu con giống thủy sản các loại trên 20.100ha diện tích nuôi.

Về trồng trọt, vụ Đông Xuân 2013-2014, toàn tỉnh gieo trồng được 36.867,4 ha, đạt 100,4% kế hoạch, bằng 100,5% so với cùng kỳ (tăng 199ha). Trong đó, cây lúa 17.125 ha, đạt 99,5 kế hoạch; cây ngô 4.461,7 ha, tăng 1,2% so với kế hoạch; cây khoai lang 3.097,5 ha, tăng 11,4% so với kế hoạch; cây lạc đạt 2.239ha, đạt 98,6% kế hoạch,…

Theo báo cáo đánh giá sơ bộ của các địa phương vụ Đông Xuân 2013-2014, sản lượng lương thực ước khoảng 108.575 tấn, năng suất lúa ước đạt 53,3 tạ/ha, tương đương so với cùng kỳ. Diện tích lúa gieo thẳng toàn tỉnh đạt 5.800 ha, bằng 33,8% diện tích lúa xuân và bằng 89% so cùng kỳ, giảm 713 ha. Nguyên nhân do thời gian gieo sạ tập trung sau Tết gặp thời tiết rét đậm, rét hại, người dân chuyển sang gieo mạ để thuận tiện chăm sóc, một số diện tích gieo sạ gặp rét nên phải cấy lại.

Thêm vào đó, các giống lúa chất lượng cao như: hương thơm, TBR, RVT,…gieo cấy được 8.087 ha, chiếm 47% diện tích. Diện tích lúa lai, gồm các giống Bồi tạp 49, Bồi tạp Sơn thanh, Nhị ưu, Syn6,…đạt 1.900ha, bằng 12,3% diện tích lúa xuân.

Về cây ăn quả, diện tích cây vải, nhãn hiện có khoảng 3.788,9 ha, năng suất ước đạt 36-39 tạ/ha; tăng so với năm 2013 từ 6-9 tạ/ha. Đã hình thành được vùng na dai chất lượng cao tập trung ở các xã Việt Dân, Tân Việt, An Sinh, Bình Khê. Diện tích cây chè hiện có 1.210ha, trong đó chè kinh doanh 1.127,15 ha; năng suất đạt 60-70 tạ/ha.

Về chăn nuôi, số lượng đàn trâu trên địa bàn tỉnh hiện có 46.067 con, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Đàn bò gồm 17.928 con, giảm 0,31% so với cùng kỳ. Đàn lợn có 351.924 con, giảm 0,4% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 42.291,33 tấn (tăng 13,91% so với cùng kỳ). Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 33.873,9 tấn (tăng 13,28% so với cùng kỳ). Sản lượng thịt trâu 695,6 tấn (giảm 45,61% so cùng kỳ); sản lượng thịt bò 540,2 tấn (giảm 6,05% so cùng kỳ). Sản lượng sữa đạt 464,6 tấn; trứng gia cầm 53,346 triệu quả (tăng 11,03% so cùng kỳ). Hiện toàn tỉnh có 165 trang trại chăn nuôi, trong đó 13 trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT (số trang trại được cấp giấy chứng nhận tăng 50 trang trại so với năm 2013).

Về lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước trồng được 9.760ha rừng tập trung, đạt 85,2% kế hoạch, bằng 107% so với cùng kỳ. Trồng trên 322.000 cây phân tán các loại. Tính đến hết tháng 6/2014, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 53,1%, kế hoạch năm 2014 đạt 53,5%. Bên cạnh đó, tính đến ngày 15/6/2014, lực lượng Kiểm lâm đã bắt giữ và xử lý hành chính 123 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; giảm 22 vụ so với cùng kỳ. Tổ chức tịch thu 119,07 m3 gỗ các loại quy tròn, gỗ thông thường 99,38 m3; 2.844 kg động vật. Tổng giá trị thu hồi 2.323,32 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thời tiết bất thuận đã ảnh hưởng xấu đến gieo trồng, giá vật tư tăng, nông dân hạn chế đầu tư thâm canh nên sản lượng lương thực giảm. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, đồng thời việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn chậm. Quy hoạch sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung chưa được triển khai thực hiện dẫn đến quy mô và hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng vốn có của tỉnh. Công tác kiểm soát, sử dụng các loại thuốc Bảo vệ thực vật còn hạn chế; quản lý quá trình sản xuất nông sản sạch an toàn trên thị trường còn yếu. Song song với đó, việc chấp hành pháp luật thú y của người chăn nuôi chưa triệt để. Công tác giám sát tiêm phòng ở một số địa phương chưa sâu sát.

Lực lượng cán bộ làm công tác chăn nuôi thú y ở các địa phương còn nhiều hạn chế. Công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng còn yếu, dụng cụ kiểm tra còn thiếu và lạc hậu. Chưa có cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi công nghiệp tiên tiến. Đồng thời, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất lượng cây giống, con giống vẫn còn nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, việc sử dụng cơ giới hóa trong lâm nghiệp còn thấp, giá trị sản xuất thu nhập trên 1ha chưa cao, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu vẫn còn ở dạng thô; xuất khẩu dăm gỗ giảm do việc xúc tiến thương mại trong tiêu thụ lâm sản còn hạn chế. Vốn đầu tư cho chương trình, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng nhỏ, việc phân bổ chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thời vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Mặt khác, trình độ hiểu biết kỹ thuật của người nuôi thủy sản còn thấp. Một số vùng nuôi trồng thủy sản còn chịu ảnh hưởng bởi hoạt động của các ngành công nghiệp. Tàu đánh bắt xa bờ công nghệ khai thác lạc hậu; lực lượng lao động qua đào tạo ít. Cơ sở hậu cần, dịch vụ các cơ sở bến cá, cảng cá, cơ khí sửa chữa, tàu hậu cần dịch vụ cho khai thác thủy sản còn yếu và thiếu đồng bộ. Chế biến thủy sản xuất khẩu còn nặng về dịch vụ thương mại, chưa tập trung chế biến các sản phẩm đông lạnh xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Hệ thống cảng, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, kho bảo quản lạnh và nhà phân loại cá đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất,…

Nhằm khắc phục những khó khăn tồn tại, phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, về trồng trọt, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, nâng cao năng suất, chất lượng thông qua sử dụng các giống lúa, ngô mới năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh. Tăng cường thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến hộ nông dân, ngư dân thông qua các mô hình sản xuất. Chủ động trong công tác điều tra dự tính, dự báo, phát hiện cảnh báo sớm dịch hại, đề ra các phương án phòng chống dịch hại, tuyên truyền vận động người nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất. Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn như: mô hình sản xuất chè, rau an toàn, mô hình cánh đồng sinh thái,…Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Về chăn nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm theo hướng nuôi công nghiệp đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn thực phẩm; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, gắn với chế biến sản phẩm và xử lý chất thải. Khuyến khích chăn nuôi trang trại, nuôi công nghiệp gắn giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung; kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi; xây dựng khu sản xuất chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương.

Song song với đó, tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh động vật và thủy sản, quan tâm chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh ở lợn, dịch bệnh long móng lở mồm ở gia súc. Thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về công tác quản lý phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật; quản lý thuốc thú y và các hoạt động khác liên quan.

Về lâm nghiệp, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng hiện có; tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện việc kiểm soát chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng rừng, đất rừng. Tiếp tục, triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng hiện có; trồng rừng tập trung, trồng cây môi trường, cây phân tán; phát triển mạnh trồng rừng kinh tế chất lượng cao, chế biến lâm sản xuất khẩu, trồng dược liệu dưới tán rừng. Tăng cường các biện pháp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép.

Về thủy sản, phát triển mạnh nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; khuyến khích phát triển công tác hậu cần nghề cá, phát huy lợi thế của Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc bộ. Đồng thời đầu tư xâu dựng trung tâm giống thủy sản tại huyện Đầm Hà, nâng cấp một số cơ sở sản xuất giống hiện có; tăng cường quản lý chất lượng giống thức ăn và kiểm soát dịch bệnh thủy sản và hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản hợp lý. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, khuyến khích phát triển công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Thực hiện tốt công tác đăng kiểm tàu cá và cấp phép hoạt động nghề cá. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chất lượng con giống, vật tư đầu vào./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực