(ĐCSVN) - Sáng 7/8, tại Quảng Ninh đã diễn ra phiên họp thường kỳ tỉnh kiểm điểm tình hình phát triển kinh tế- xã hội tháng 7/2015, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt mưa lớn từ 26/7 kéo dài tới 4/8 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh. Tổng thiệt hại trên toàn tỉnh khoảng trên 2.700 tỷ đồng, trong đó ngành Than thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Ba Chẽ, Móng Cái, Hoành Bồ. Ngay từ những ngày đầu của trận mưa lũ kéo dài, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt các biện pháp cứu nạn cứu hộ, phòng chống mưa lũ, khắc phục hậu quả với sự tham gia của tất cả các lực lượng, các cấp, các ngành. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục hiệu quả đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Tỉnh Quảng Ninh cũng được đông đảo cộng đồng, doanh nghiệp chung tay chia sẻ khó khăn, ủng hộ người dân vùng lũ lụt. Tính đến 17h ngày 6/8, đã có 339 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ trên 70 tỷ đồng, trong đó, 37,1 tỷ đã được chuyển về Quỹ cứu trợ của tỉnh.
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã khẳng định sự chủ động, cố gắng của các ngành, các địa phương trong việc tập trung cho công tác chống mưa lũ, khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống nhân dân trong suốt những ngày vừa qua. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Mặc dù mưa lũ đã kết thúc, nhưng công tác khắc phục hậu quả sẽ còn phải mất nhiều thời gian và công sức. Vì thế, để nhanh chóng khắc phục, ổn định đời sống nhân dân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị toàn hệ thống chính trị tập trung các lực lượng tiếp tục hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Các ngành Điện, Nước cần đảm bảo cung cấp nước sạch và điện đầy đủ cho người dân. Ngành Y tế lưu ý công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt. Đặc biệt, sau đợt này, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thực hiện “4 tại chỗ”, hướng dẫn kỹ năng tự xử lý tình huống khi gặp thiên tai, lũ lụt cho người dân.
|
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Về công tác hỗ trợ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần thống kê chính xác các thiệt hại tại địa phương, cụ thể đến từng hộ gia đình, theo hướng khách quan, minh bạch để thực hiện công tác hỗ trợ, thực hiện xong trước ngày 10/8. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng phương án hỗ trợ đối với những nhà ngập dưới 1m nhưng bị thiệt hại nặng về tài sản và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi. Các địa phương Cẩm Phả, Vân Đồn, Hạ Long cần rà soát, kiểm đếm chính xác số lượng các hộ gia đình cần tái định cư, nắm bắt nhu cầu của người dân và tính các phương án đền bù, hỗ trợ cho phù hợp. Liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư mới, chậm nhất 3 tháng phải có nhà tái định cư mới cho các hộ dân bị sập đổ nhà hoàn toàn.
Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp cùng các ngành, các địa phương lập đề án di dân tổng thể trên địa bàn tỉnh đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm theo đề xuất của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.
Về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong tháng 8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long yêu cầu các địa phương, các ngành nỗ lực thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định mọi hoạt động. Chính quyền cần đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cho các ngành kinh tế phục hồi nhanh nhất. Tập trung cao độ cho điều hành thu chi ngân sách nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay để bù hụt thu từ ngành Than. Thực hiện tiết kiệm chi, tỉnh kiên quyết không giải quyết chi ngoài dự toán trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách. Các ngành, địa phương còn nợ Quy hoạch cần nhanh chóng hoàn thiện để sớm triển khai . Đối với Quy hoạch đô thị, tỉnh bổ sung vào các quy hoạch thoát nước gắn với Đề án di dân, bố trí dân cư tránh xa vùng sạt lở đất đá. Đối với Quy hoạch Đầm nhà Mạc, tỉnh sẽ hướng xây dựng thành khu vực cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý đến các hoạt động chuẩn bị năm học mới, Đại hội thi đua yêu nước, Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của một số ngành cần chú trọng tới nội dung, thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, để giữ được nhịp tăng trưởng kinh tế-xã hội, các cấp, ngành, đơn vị cần chủ động đưa ra các giải pháp thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn đảm bảo các mục tiêu đã đề ra nhất là trong hoạt động thu ngân sách…