Quảng Ninh: Khẳng định những đóng góp quan trọng của khu công nghiệp, khu kinh tế

Thứ hai, 18/08/2014 14:22
(ĐCSVN) - Theo Ban Quản lý khu Kinh tế Quảng Ninh, tính đến ngày 15/7/2014, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đạt 6.440,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đạt 6.425,9 tỷ đồng, gấp 17,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường từ Khu tái định cư xã Vạn Yên
đến Khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Đầu năm 2014, tuy nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, biến động nhưng một số nhà đầu tư vẫn tiếp tục mở rộng quy mô thực hiện dự án. Các dự án mới cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng được hướng dẫn triển khai thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện dự án trong các Khu công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 90,21 triệu USD, bằng 68,78% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản ổn định, duy trì mức tăng trưởng khá, mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 674,107 triệu USD. Nộp ngân sách ước đạt 1.826,69 tỷ đồng, đóng góp 10,61% vào nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh (bằng 24% số thu nội địa của tỉnh).

Đến thời điểm 15/7/2014, trên địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế có 229 dự án đầu tư ngoài ngân sách có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.302,39 triệu USD và 33.670,17 tỷ đồng, gồm 46 dự án FDI và 183 dự án có vốn đầu tư trong nước. Trong đó, 74 dự án tại các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 924,35 triệu USD và 16.315,3 tỷ đồng; 74 dự án tại khu kinh tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 131,39 triệu USD và 10.371,6 tỷ đồng; 81 dự án tại các khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 246,65 triệu USD và 6.983,27 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, các dự án hoạt động trên địa bàn khu công nghiệp đã tạo mới 1.951 việc làm cho người lao động trong nước. Trong thời gian tới, khi dự án Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô của Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Quảng Ninh và giai đoạn II dự án Nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo mới thêm 4.000 việc làm.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư hạ tầng khu kinh tế đang được tiếp tục triển khai. Trong đó, dự án xây dựng hạ tầng Khu tái định cư xã Hạ Long, huyện Vân Đồn với tổng mức đầu tư 417,677 tỷ đồng (được chia làm hai gói thầu xây lắp: xây lắp hạ tầng và xây lắp trạm xử lý nước thải). Khối lượng hoàn thành ước đạt 85 tỷ đồng (tương đương 41% giá trị hợp đồng). Hiện đã đủ điều kiện bố trí tái định cư cho gần 200 hộ. Đồng thời, Dự án đường từ Khu tái định cư xã Vạn Yên đến Khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu với tổng mức đầu tư 429,223 tỷ đồng, chia làm 3 gói thầu xây lắp. Hiện, vốn đã cấp cho dự án đến nay là 285,935 tỷ đồng. Vốn đã giải ngân lũy kế đến thời điểm 30/6/2014 là 207,791 tỷ đồng.

Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2013; tiếp tục khẳng định những đóng góp quan trọng của khu công nghiệp, khu kinh tế trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đạt được những kết quả trên, Đảng ủy cơ quan Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh vào công tác lãnh đạo. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đã chủ động rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý nhà nước khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án đầu tư; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” với phương châm xuyên suốt “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành, địa phương liên quan.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá về những tiềm năng, lợi thế của khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh. Tích cực xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào khu công nghiệp, khu kinh tế như: dự án Sản xuất giấy cao cấp Duplex của Tập đoàn Sambo (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Việt Hưng với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp phức hợp – Cảng biển tại khu vực phía Nam xã Tiền Phong; Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái biển với đẳng cấp 5 sao tại Đảo Soi Nhụ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 35 triệu USD,…

Hoàn thiện nội dung bộ tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư bằng 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, Trung, Nhật Bản và Hàn Quốc. Quảng bá, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: hội nghị, hội thảo, làm việc với các đối tác nước ngoài. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nội dung và tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế “Kinh nghiệm và cơ hội”. Hội nghị đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, góp phần trao đổi, học tập kinh nghiệm về phát triển đặc khu kinh tế, quảng bá về tiềm năng phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế và xúc tiến, thu hút đầu tư. Những kết quả nêu trên đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ghi nhận, thông qua việc Tập thể Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích năm 2013.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện, công tác đầu tư tại tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế; các dự án hạ tầng quan trọng triển khai còn chậm. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư tuy được chú trọng nhưng chưa đạt được kết quả theo kế hoạch đã đề ra, chưa thu hút được nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là những dự án của nhà đầu tư Nhật Bản. Phần lớn các đoàn đầu tư đến tìm hiểu chỉ dừng ở bước nghiên cứu và khảo sát thực địa; một số dự án động lực mới chỉ dừng ở giai đoạn quy hoạch hoặc đang xin chủ trương đầu tư nên chưa tạo được sức lan tỏa.

Nhằm phát huy tiềm năng của tỉnh, khắc phục những khó khăn còn tồn tại, theo Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh Phạm Thanh Thủy, trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dứt điểm việc lập quy hoạch tại các khu kinh tế. Kịp thời tham mưu cho tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đôn đốc các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp khẩn trương hoàn thành đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng (đường nội bộ, hệ thống xử lý nước thải tập trung, cung cấp điện,…) và mặt bằng nước sạch theo quy hoạch được duyệt để đưa vào sử dụng.

Thêm vào đó, phối hợp tham mưu UBND tỉnh đầu tư hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, phương án cấp điện dự phòng trong trường hợp sự cố, đảm bảo cung cấp điện ổn định và hoạt động sản xuất bình thường của doanh nghiệp.

Mặt khác, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy hoạch. Đồng thời rà soát, thu hồi các dự án đầu tư chậm, kéo dài gây lãng phí tài nguyên để giao cho các nhà đầu tư có năng lực đầu tư thực sự. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, đặc biệt chú trọng triển khai, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, xóa bỏ các thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian chời đợi của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, tham mưu tổ chức các cuộc đối thoại chuyên đề giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ban và quản lý nhà nước để kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, góp phần nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước, tạo dựng mối quan hệ thân thiện giữa các cấp lãnh đạo và các ngành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực