Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI

Thứ tư, 12/04/2023 09:32
(ĐCSVN) - Báo cáo PCI 2022 cho thấy, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100.

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

6 năm liên tiếp xếp ở vị trí quán quân

Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2022 của các địa phương trên cả nước được công bố tại hội nghị, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu khi được 72,95 điểm trên thang điểm 100, tiếp tục ghi điểm với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Trong khảo sát PCI 2022, 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.

Tốp 30 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2022. 

Đặc biệt, 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt”. Như vậy, Quảng Ninh đã duy trì 6 năm liên tiếp xếp ở vị trí quán quân và 10 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội ; khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả; tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh Quảng Ninh dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

Đứng vị trí số 2 là Bắc Giang với 72,80 điểm. Các doanh nghiệp đã ghi điểm cho Bắc Giang nhờ các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh; lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Bắc Giang cũng ghi điểm ở chỉ số tính minh bạch và thiết chế pháp lý. 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp.

Tiếp theo là Hải Phòng với 70,76 điểm. Theo kết quả PCI 2022, 89% doanh nghiệp tại Thành phố Hải Phòng đánh giá “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% doanh nghiệp cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh.

Các đại biểu tham dự lễ công bố. 

Vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là Bà Rịa - Vũng Tàu với 70,26 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp mặt trong Top 5 về PCI.

Đồng Tháp đứng vị trí thứ 5 với 69,69 điểm trên thang điểm 100.

Đáng chú ý là trong Top 10 năm nay lại không hề có Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, Hà Nội đứng thứ 20, TP.HCM đứng thứ 27 trong danh sách 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022. Năm 2021, Hà Nội đứng thứ 10 và TP.HCM ở vị trí 14/63.

Các địa phương có PCI thấp có thể kể đến như: Cao Bằng với 59,58 điểm, tiếp tục ở vị trí thấp nhất, đứng thứ 63 nếu xếp hạng. Điện Biên ở vị trí 62, với 59,85 điểm và Bạc Liêu đứng thứ 61, với 60,36 điểm. Điện Biên và Bạc Liêu trong PCI 2021 ở vị trí tương ứng là 53 và 55.

Chinh phục đỉnh cao PCI trở thành thương hiệu của Quảng Ninh

Phát biểu tại lễ công bố, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự chia sẻ, tin tưởng và ghi nhận của các bộ, ngành trung ương, cộng đồng doanh nghiệp đối với Quảng Ninh khi duy trì được 10 năm liên tiếp (2013 - 2022) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và 6 năm liên tục (2017 - 2022) giữ vị trí đứng đầu Chỉ số PCI.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký, duy trì tính liên tục theo trật tự tuyến tính trên trục thời gian suốt 10 năm qua các chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp. Đối với Quảng Ninh, chỉ số PCI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, bởi trong suốt một thập kỷ qua cũng là giai đoạn tỉnh thực hiện thành công các đột phá, phát triển toàn diện, ổn định; trong đó liên tục trong 7 năm (2016 - 2022) có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, riêng năm 2022 tăng trưởng GRDP đạt 10,28%, quy mô GRDP của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc), tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong TOP đầu cả nước.

Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2022.  

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký khẳng định, hành trình chinh phục đỉnh cao PCI của Quảng Ninh đã trở thành thương hiệu của tỉnh về một “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”. Thứ hạng PCI cao đã giành được khiến mỗi cán bộ, công chức của tỉnh Quảng Ninh phải luôn đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực bền bỉ để vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để giữ đà phát triển cho những năm tới đã được chuyển hóa thành ý chí và quyết tâm chính trị ở mức cao nhất xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI”.

Với phương châm “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, Quảng Ninh hiểu rõ, giành được vị thế, thứ hạng PCI đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng PCI càng khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi năng lực quản trị phát triển bền vững địa phương ở tầm mức cao hơn. Trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Quảng Ninh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, xây dựng văn hóa giàu bản sắc.

“Quảng Ninh chân thành mời gọi, sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân; đi sâu tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, kéo giảm số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, phá sản; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; mang đến cơ hội thành công cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” - đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Báo cáo PCI 2022 là ấn phẩm thường niên năm thứ 18 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

PCI 2022 là "tập hợp tiếng nói" của 12 nghìn doanh nghiệp trong nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam thông qua 10 chỉ số thành phần gồm: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.

Hương Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực