Ngay sau khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân qua kênh điện thoại di động về số lượng giao dịch đạt 60 - 80%, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%.
|
Khách hàng thanh toán qua mã QR tại chợ. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của UBND tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đã triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phấn đấu đến năm 2025, có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm…
Theo lãnh đạo TP Hạ Long, từ đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, TP Hạ Long đang phấn đấu tạo cho người dân ở khu vực đô thị thói quen thanh toán không tiền mặt; tạo sự minh bạch trong các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả.
Đáng chú ý, số hóa thanh toán đã diễn ra tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là TP. Hạ Long. Theo chương trình “Chợ công nghệ mới - Chợ 4.0” từ tháng 8 tại chợ Hạ Long I, khoảng 1.200 tiểu thương và khách hàng mua sắm tại đây đã thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR thông qua tài khoản Viettel Money (tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường...); thanh toán cho các tiểu thương khác trong chợ khi thực hiện các hoạt động mua bán với nhau. Ban Quản lý chợ sẽ thanh toán số các khoản phí thu tại chợ.
Cũng trong tháng 8, các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đã được mở miễn phí tại hơn 500 ki-ốt trong chợ Cái Dăm. Kể từ đây, các chủ hộ kinh doanh dễ dàng quản lý các giao dịch với khách hàng, giảm thiểu sai sót khi thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán nhanh chóng. Khách hàng khi tham quan, mua sắm tại chợ cũng được hướng dẫn cài đặt và thanh toán tiện lợi qua ứng dụng VNPT Money.
Hướng tới mô hình chợ 4.0, mỗi ki-ốt tại chợ sẽ trở thành cửa hàng kinh doanh 4.0, chấp nhận thanh toán qua QR-Code cho toàn bộ các giao dịch của khách hàng mua sắm tại cửa hàng. Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ nhận rộng mô hình “Chợ công nghệ mới – Chợ 4.0” tại các chợ trên địa bàn TP. Hạ Long và thí điểm mô hình tạ chợ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố còn lại.
Trước đó, trong tháng 7/2022, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thí điểm “Phố thông minh không dùng tiền mặt” tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu. Tại “Phố thông minh không dùng tiền mặt”, mỗi hộ kinh doanh được hướng dẫn cài đặt miễn phí ứng dụng Viettel Money và 1 mã QR code riêng phục vụ cho việc thanh toán. Hiện cơ bản các hộ kinh doanh đã tham gia, bước đầu khuyến khích các hoạt động giao dịch, thanh toán thông qua ứng dụng Viettel Money và các hình thức số khác, từng bước hướng tới 100% các giao dịch được chuyển dịch sang thanh toán số.
Trên cơ sở thí điểm, mô hình “Phố thông minh không dùng tiền mặt” sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh. Mô hình không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực, nhất là du lịch mà còn giúp tối ưu hóa dịch vụ, tạo môi trường du lịch văn minh, hiện đại trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.
Tại TP Cẩm Phả, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ về phát triển thương mại tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, thực hiện Kế hoạch số 116/KH-UBND của UBND tỉnh, TP đã chủ động ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 4/4/2022 về phát triển thương mại điện tử TP Cẩm Phả năm 2022. Trong đó, xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh từ thương mại điện tử.
Trong 9 tháng năm 2022, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn TP Cẩm Phả đã triển khai thu dịch vụ công đối với các giao dịch về dịch vụ, hàng hóa, như: Tiền điện, tiền nước, tiền học phí, viện phí, dịch vụ hành chính công và phối hợp chi trả an sinh xã hội (lương hưu, trợ cấp xã hội…) với tổng số lượt giao dịch là 811.775 trên tổng số tiền là 100.617 tỷ đồng; đã có 2 đơn vị đưa sản phẩm OCOP lên sàn Posmart.vn và 3 đơn vị đưa sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn.
Nhằm đẩy mạnh việc phát triển thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã tích cực phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cung cấp các giải pháp thanh toán tiền điện cho khách hàng sử dụng điện.
Trong đó, PC Quảng Ninh đặt biệt chú trọng phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trích nợ tự động qua tài khoản các Ngân hàng và ví điện tử. Theo đó, các kênh thanh toán điện tử như internet/mobile/SMS Banking, qua website, qua ví điện tử (Payoo, Momo, ViettelPay…), thanh toán bằng mã QRcode…đã tạo điều kiện cho khách hàng có thể thanh toán tiền điện, tiền chi phí các dịch vụ điện khác mọi lúc, mọi nơi.
Theo PC Quảng Ninh, 9 tháng năm 2022, số lượng khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt chiếm tỷ lệ 86 % trên tổng số khách hàng thanh toán, tăng so với cùng kỳ là gần 16%.
Có thể nói, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều chuyển biến tích cực tại Quảng Ninh, qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả đề án của Chính phủ, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường kết nối liên thông giữa các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ; phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai dịch vụ Mobile – Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán…