(ĐCSVN) - Vào ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long chính thức trở thành Di sản thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam được vinh danh. 20 năm qua thực sự là một chặng đường gắn liền với những thành tựu to lớn, đáng tự hào trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản của tỉnh Quảng Ninh.
Vai trò của Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ban, ngành của Trung ương, sự phối hợp, hỗ trợ của UNESCO và các tổ chức quốc tế khác, tỉnh Quảng Ninh đã có những nỗ lực với nhiều giải pháp tích cực để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản vịnh Hạ Long, trong đó quyết định thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long(VHL) của tỉnh Quảng Ninh được xem là chiến lược hiệu quả đưa công tác quản lý di sản đi vào nề nếp, ổn định.
Từ đây, cơ chế chính sách phục vụ quản lý, bảo tồn Di sản được rà soát, đề xuất bổ sung; các giá trị của VHL được tập trung nghiên cứu, bảo tồn; công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn Di sản; tình hình an ninh – trật tự trên vịnh được chú trọng triển khai và cơ bản đảm bảo; công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan Di sản được thực hiện bằng nhiều giải pháp; đầu tư tu bổ tôn tạo hạ tầng trên vịnh Hạ Long có trọng tâm, trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan di sản; tuyên truyền, quảng bá về Di sản được đẩy mạnh, theo hướng chuyên nghiệp hơn; quan hệ đối ngoại tiếp tục được duy trì và mở rộng.
Đến nay, vịnh Hạ Long đã có một nền tảng cơ chế chính sách, chiến lược quản lý căn bản, đó là Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002, Quy chế quản lý vịnh Hạ Long cùng hàng loạt các nghị quyết, chương trình chuyên đề về Hạ Long như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 30/11/2002 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nghị quyết 68/2012/HĐND ngày 12/12/2012 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long, Kế hoạch quản lý Di sản giai đoạn 2011-2015…
|
Vịnh Hạ Long đang ngày càng phát huy đuợc giá trị Di sản của tòan nhân loại. (Ảnh: Vietnamtourism.gov.vn) |
Nỗ lực bảo vệ Di sản
Tuy nhiên, Vịnh Hạ Long vốn là một Di sản đặc thù và vô cùng nhạy cảm. Chính vì vậy môi trường sinh thái và cảnh quan có nguy cơ bị tác động mạnh bởi sự phát triển các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ vịnh Hạ Long, sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện vận chuyển khách du lịch, tàu vận tải, tàu nghỉ đêm trên vịnh. Đây cũng chính là những vấn đề mà Ủy ban Di sản thế giới (DSTG) quan ngại về công tác bảo tồn vịnh Hạ Long tại các kỳ họp gần đây như 31,33,35 và 37.
Trước và sau khi có khuyến nghị của Ủy ban DSTG, Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan của tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn Di sản trên cơ sở tuân thủ nghiêm Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972 và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Trọng tâm tập trung vào việc triển khai Đề án di dời làng chài trên vịnh Hạ Long; ban hành Nghị quyết về hạn chế tối đa phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời trên vịnh; xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư thêm 3 trạm xử lý nước thải; kiểm soát môi trường trên vịnh và vùng phụ cận; tăng cường kiểm tra giám sát các vi phạm về bảo vệ môi trường trên vịnh; rà soát, điều chỉnh, ban hành các văn bản về quản lý hoạt động tàu du lịch, khách du lịch (QĐ 3636); mở rộng thêm tuyến điểm du lịch khu vực Bái Tử Long nhằm giảm tải trong vùng lõi; Quy hoạch các khu bảo tồn, các vùng cấm khai thác thủy sản; phân vùng, phân tuyến khai thác thủy sản trên vịnh Hạ Long…
Những nỗ lực, giải pháp này đã được chuyên gia của Tổ chức IUCN đánh giá cao trong chuyến làm việc, khảo sát tại vịnh Hạ Long để kiểm tra tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban DSTG. Và sau kỳ họp 38, vịnh Hạ Long không phải tiếp tục giải trình khuyến nghị của UNESCO.
Phát huy giá trị nhân loại của Di sản.
Không chỉ có quản lý, bảo tồn mà tỉnh Quảng Ninh còn đặc biệt quan tâm đến khai thác, phát huy giá trị VHL. Trải qua 20 năm. Các dịch vụ du lịch đặc trưng trên vịnh Hạ Long đã được hình thành, phát triển tạo thành những sản phẩm hấp dẫn riêng của vịnh Hạ Long, được nhiều khách du lịch lựa chọn, đặc biệt là khách nước ngoài. Từ 1996 đến nay, vịnh Hạ Long đã đón trên 28,6 triệu lượt khách, trong đó trên 14,5 triệu lượt khách Việt Nam và 14,1 triệu lượt khách nước ngoài, doanh thu từ phí tham quan hơn 1.250 tỷ đồng.
Có thể nhìn nhận, đánh giá rằng, mặc dù việc khai thác, phát triển du lịch phần nào còn hạn chế, chủ yếu phát triển trên diện rộng, thu hút về số lượng; chất lượng dịch vụ, hạ tầng du lịch trên vịnh hiện nay thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, chưa xứng tầm với một di sản, kỳ quan thiên nhiên thê giới nhưng 20 năm qua thực sự là một chặng đường gắn liền với những thành tựu to lớn, đáng tự hào trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản của tỉnh Quảng Ninh.
Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, bảo đảm môi trường sinh thái, đẩy mạnh hoạt động quảng bá vịnh Hạ Long ra nước ngoài, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với di sản, đề xuất văn bản quy định riêng về quản lý Di sản thiên nhiên, trong đó có vịnh Hạ Long ở cấp quốc gia đủ mạnh để ứng xử với một Di sản, kỳ quan đặc biệt như vịnh Hạ Long. Đồng thời xây dựng Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch Việt Nam, điểm đến hàng đầu trong khu vực và quốc tế, trên cơ sở bám sát Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.