Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về QP-AN , cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách tích cực, chủ động

Thứ ba, 05/08/2014 13:51

(ĐCSVN) - Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 của quân và dân ta đã để lại nhiều bài học quý báu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ với lịch sử mà còn có ý nghĩa giá trị thiết thực với hiện nay và lâu dài sau này. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8 (1964-2014), Báo Quảng Ninh trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của PGS.TS Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh.

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8: Kết tinh sức mạnh truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Trước nguy cơ thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch đó, đêm ngày 31-7-1964, rạng sáng 1-8-1964, tàu khu trục Ma Đốc của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam và gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Với ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm trừng trị kẻ xâm phạm, ngày 2-8-1964, biên đội tàu phóng lôi: 333, 336, 339 xuất kích. Bất chấp sự chống trả của đối phương, cán bộ, chiến sĩ 3 tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng kiên cường đánh trả buộc tàu Ma Đốc phải tháo chạy ra khỏi hải phận vùng biển miền Bắc. Lợi dụng sự kiện này, đêm ngày 4-8-1964, chính quyền Mỹ dựng lên vụ “Vịnh Bắc Bộ” vu cáo cho Hải quân Việt Nam cố ý tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, để lấy cớ ngày 5-8-1964 dùng lực lượng không quân tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân Việt Nam từ Sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường đến Bãi Cháy, nhằm tiêu hao lượng tàu chiến đấu, quân cảng, kho tàng, nhiên liệu của Hải quân Việt Nam.

Trong trận đầu thử lửa, Hải quân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ các địa phương đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, đã bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống Trung uý giặc lái An-vơ-rét (là phi công đầu tiên bị bắt ở miền Bắc).

Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 là thắng lợi có ý nghĩa về chính trị, có tiếng vang lớn trên thế giới của quân và dân Việt Nam. Ngày 2 và 5-8-1964 mãi mãi trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc; mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất Việt Nam; là sự khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn quân, toàn dân ta nói chung. Đây còn là chiến thắng của sức mạnh tinh thần toàn dân tộc, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”; phát huy tổng lực sức mạnh của cả dân tộc đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần bằng các trang bị, vũ khí hiện có, khẳng định tính đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là cuộc đọ sức quyết liệt giữa lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển của quân và dân miền Bắc với sức mạnh của hải quân và không quân Mỹ.

Chiến thắng trận đầu là một đòn cảnh cáo đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tạo ra một tiếng vang lớn trên trường quốc tế, khẳng định ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Chiến thắng trận đầu là tiền đề và là cơ sở để Đảng ta xây dựng quyết tâm, động viên và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để giành nhiều thắng lợi lớn hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về QP-AN và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách tích cực, chủ động.

Đặc điểm tình hình và trạng thái bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay

Trên thế giới hiện nay, mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song chiến tranh cục bộ, xung đột do nguyên nhân sắc tộc, tôn giáo; chạy đua vũ trang; hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố; tranh chấp biên giới, lãnh thổ, biển đảo… tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong bối cảnh đó, các nước lớn gia tăng cạnh tranh, tập hợp lực lượng, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau nhằm mục đích chủ yếu là xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải, tranh giành các nguồn tài nguyên, mở rộng ảnh hưởng với xu hướng đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Qua các sự kiện đang diễn ra ở Ukraina, Trung Đông và gần đây, vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là minh chứng rõ ràng. Do đó, trong quan hệ quốc tế hiện nay, bên cạnh việc hợp tác, thoả hiệp thì luôn có sự tranh thủ lẫn nhau, cạnh tranh, đấu tranh quyết liệt, thậm chí thể hiện quá đà sức mạnh quân sự và chạy đua vũ trang.

Ở trong nước, tình hình an ninh, trật tự cũng diễn biến hết sức phức tạp. Nổi lên là xu thế “tự diễn biến”, “tự suy thoái”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; tác động của mặt trái hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng bộc lộ và diễn ra gay gắt. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng phân hoá giàu nghèo, khiếu kiện đông người có xu hướng gia tăng. Các thế lực thù địch lợi dụng tình hình trên và những vấn đề nhạy cảm (Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, xét xử các vụ án kinh tế lớn...) để kích động gây mất ổn định về an ninh, phá hoại nền kinh tế, thậm chí bôi nhọ các cấp lãnh đạo.

Tình hình trên đặt trạng thái bảo vệ Tổ quốc vào tình huống phải đối phó với những mối đe doạ mới cả từ bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là đe doạ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo; các thế lực thù địch âm mưu hoạt động “diễn biến hoà bình” với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bên trong là nguy cơ đe doạ sự ổn định chính trị - xã hội, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các mối đe doạ an ninh phi truyền thống như: Thiên tai, dịch bệnh, môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất an ninh năng lượng, an ninh tài chính tiền tệ, an ninh thông tin và an ninh mạng…

Như vậy, đặc điểm và trạng thái bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay đang đặt ra những vấn đề cấp thiết về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ an ninh kinh tế trước sự gia tăng hoạt động của các thế lực thù địch bên ngoài thông qua quan hệ hợp tác để tác động, dùng kinh tế để chuyển hoá chính trị. Vấn đề này càng trở nên rất có ý nghĩa đối với Quảng Ninh - một tỉnh biên giới có cả trên bộ, trên không và trên biển, với bờ biển dài, nhiều hải đảo, ở địa đầu tiền tiêu của Tổ quốc.

Quảng Ninh trước yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất An Bang - Hải Ninh xưa và Quảng Ninh ngày nay luôn gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, như trận Bạch Đằng Giang năm 938 của Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán; các trận đại thắng quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn năm 1258 và 1288…; đến thời kỳ lịch sử hiện đại là cuộc Tổng bãi công của hàng vạn thợ mỏ ngày 12-11-1936 mở ra thời kỳ đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam; là trận ra quân giành chiến thắng ngay từ trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 khi Mỹ dùng không quân phá hoại miền Bắc nước ta; là những cuộc phản công anh dũng trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979... Trong bang giao kinh tế, thương mại; từ 9 thế kỷ trước, thương cảng Vân Đồn đã góp phần vào sự phát triển của lịch sử dân tộc Đại Việt. Cách đây 20 năm, cửa khẩu quốc tế Móng Cái được lựa chọn thí điểm áp dụng chính sách mở cửa biên giới, đến nay là một trong những cửa khẩu có giá trị hàng hoá và lượt khách đi qua lớn nhất Việt Nam.

Quảng Ninh là vùng đất có nhiều điểm đặc thù, khác biệt, tạo ra lợi thế cạnh tranh để phát triển, nhưng theo đó là những thách thức đối với đảm bảo quốc phòng, an ninh: Thứ nhất, là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc. Do vậy, yêu cầu trước hết là phải xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác phát triển; đồng thời đặt ra các nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền lãnh thổ và an ninh tại tuyến đầu Tổ quốc. Thứ hai, Quảng Ninh có nhiều cảnh quan có một không hai, như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; đứng đầu cả nước trong thu hút khách du lịch quốc tế, đặt ra yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự, quản lý sự di chuyển của các thể nhân, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh, môi trường văn hoá… Thứ ba, Quảng Ninh có trữ lượng than đá chiếm hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. Nếu không được quản lý chặt chẽ, phát triển hợp lý sẽ kéo theo những hệ lụy về an ninh, trật tự, an sinh xã hội, huỷ hoại môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên… Thứ tư, con người, văn hoá, xã hội Quảng Ninh hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng nền văn minh sông Hồng, là nơi cư dân dễ dàng lập nghiệp, sinh sống an lành; nhưng cũng là nơi dễ ẩn náu, tiến hành hoạt động của nhiều loại tội phạm, đặt ra những thách thức lớn đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Thứ năm, Quảng Ninh là trung tâm văn hoá tâm linh, nơi khởi phát Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc của Phật giáo Việt Nam; nơi duy nhất có vị vua từ bỏ ngai vàng lên núi đi tu hoá Phật, để lại giá trị tư tưởng hoà nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo; đồng thời cũng là nơi các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng tôn giáo chống phá ta, tạo nên những phức tạp về an ninh trên lĩnh vực tôn giáo.

Bên cạnh đó, hiện Quảng Ninh đang phải đối mặt với: (1)- Mâu thuẫn: Giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; (2)- Thách thức: Thách thức phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững vừa phải góp phần đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; thách thức giữa tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; thách thức giữa phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao; (3)- Hạn chế, yếu kém: Tăng trưởng nóng, thu ngân sách nội địa chủ yếu còn dựa vào than; hàm lượng khoa học công nghệ ít, xuất khẩu thô là chủ yếu; đầu tư còn dàn trải; hạ tầng đồng bộ còn thiếu và yếu, chưa có đường cao tốc, sân bay; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; phát triển đô thị nóng, khai thác tài nguyên thiếu bền vững; khoảng cách giàu nghèo còn cao giữa đô thị và nông thôn; tiêu cực, tham nhũng lãng phí từng bước được khắc phục, đẩy lùi nhưng chưa thực sự bền vững.

Trong bối cảnh đó, nếu không có giải pháp đồng bộ, cơ bản, lâu dài, hiệu quả thì những mâu thuẫn sẽ càng bộc lộ, thách thức càng gay gắt và khó khăn càng tăng lên. Những giải pháp phải dựa trên cơ sở kết hợp sức mạnh của địa phương với sức mạnh của đất nước; một mặt phải gắn bó mật thiết trong thể thống nhất của vùng và của quốc gia; mặt khác phải tích cực, chủ động tiến ra bên ngoài, theo đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là tích cực, chủ động xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Thời gian tới, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh hiện nay của địa phương, để phát triển theo định hướng trên, Quảng Ninh phải dựa vào:

- Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: Quán triệt và vận dụng các quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng an ninh; quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội và trên từng địa bàn; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”; Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị ngày 22-9-2008 về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Theo đó, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Quảng Ninh vững chắc về quốc phòng, an ninh là vừa bảo đảm yêu cầu bảo vệ và tác chiến tại chỗ trên địa bàn tỉnh; vừa nằm trong thế trận liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trên cơ sở vừa mềm dẻo, linh hoạt, chấp nhận “luật chơi” chung để tranh thủ các cơ hội hợp tác cùng phát triển; nhưng phải đảm bảo thế trận bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; như lời Bác Hồ dạy: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

- Một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng:

Một là, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần - con người gắn với tiềm lực quân sự - an ninh: Đẩy mạnh công tác nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị, tư tưởng, kiến thức quốc phòng an ninh đồng thời xây dựng cơ chế huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho công tác quốc phòng an ninh; coi trọng xây dựng lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ theo phương hướng đã xác định đối với từng lực lượng và phù hợp với đặc thù từng địa bàn, từng địa phương. Tăng cường và chú trọng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, thực hiện chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài.

Hai là, tăng cường tiềm lực kinh tế, vật chất kỹ thuật: Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch (nhất là quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và quy hoạch xây dựng vùng tỉnh gắn với khu vực phòng thủ tỉnh và của cấp huyện, thị xã, thành phố) để xác định rõ đâu là kinh tế, đâu là quốc phòng và đâu là kinh tế kết hợp quốc phòng; từ đó có kế hoạch đầu tư từng bước và đồng bộ, lâu dài.

Ba là, xây dựng địa bàn cơ sở vững mạnh toàn diện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo: Các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế” để nhất thể hoá, sáp nhập, hợp nhất, tinh giản bộ máy, biên chế nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị. Xác định tinh thần thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động đời sống xã hội, đồng thời tăng cường dân chủ để phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, trong đó thúc đẩy dân chủ trong kinh tế (bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp), tăng cường dân chủ trong chính trị (tạo cơ chế để nhân dân thể hiện ý kiến, bầu cử trực tiếp người lãnh đạo mình). Bên cạnh đó, tập trung thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần làm giàu khu vực nông thôn, xoá đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa; trong mọi hoàn cảnh đều phải ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội ở mức cao nhất.

Bốn là, tạo sự đột phá về thể chế: Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính (vận hành các trung tâm dịch vụ hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử, đào tạo công dân điện tử…); xây dựng thể chế kinh tế đủ tầm quốc tế (như Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái) hướng ngoại với độ mở cao, giữ vai trò là cửa ngõ hợp tác quan trọng Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN; từng bước áp dụng các mô hình quản lý: “Lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công” cho việc xây dựng, vận hành các thiết chế kinh tế, văn hoá, giáo dục, phục vụ công cộng…

Năm là, huy động và kết hợp các nguồn lực (chú trọng hợp tác công - tư) để xây dựng các công trình hạ tầng động lực và có tính chất lưỡng dụng như đường cao tốc (Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long - Hải Phòng, sân bay Vân Đồn…); phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ khu vực biên giới, triển khai các dự án kinh tế xã hội vùng ven biển và một số đảo; đưa dân và quy hoạch bố trí dân cư ra khu vực biên giới, biển đảo (như đảo Trần), di dời các hộ dân làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống, đưa điện lưới quốc gia đến một số đảo thuộc khu kinh tế Vân Đồn, huyện đảo Cô Tô; xây dựng một số trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá để đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh trong thời bình, phục vụ quốc phòng an ninh khi xảy ra xung đột. Ưu tiên vốn vay đầu tư cho đóng tàu công suất lớn, phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, gắn với xây dựng lực lượng Dân quân biển.

Sáu là, phát triển xanh dựa vào không gian kinh tế xã hội “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, với Hạ Long là tâm để phát triển toàn diện. Tuyến phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội nhằm liên kết vùng ở cấp quốc gia bởi hệ thống đường thuỷ, đường bộ, đường sắt là chuỗi đô thị công nghiệp xanh và phát triển du lịch văn hoá lịch sử. Tuyến phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc nhằm kết nối khu vực ở cấp quốc tế bởi các cửa khẩu, cụm cảng hàng không và hàng hải quốc tế là chuỗi đô thị sinh thái dịch vụ tổng hợp cao cấp và kinh tế biển; hai mũi đột phá là khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.

Bảy là, thu hút mạnh nguồn vốn bên ngoài, nhất là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo tư tưởng: Nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược và lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Trong đó chú ý gia tăng mức độ đan xen lợi ích của nhiều đối tác từ các nước, để cùng bảo vệ cho ta khi có đối tượng can dự đến Việt Nam.

Tám là, vun đắp các mối quan hệ truyền thống, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng các quan hệ mới: Quan tâm phát triển quan hệ hợp tác địa phương trong khuôn khổ hợp tác hai hành lang một vành đai Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là hợp tác với tỉnh Quảng Tây. Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong khối ASEAN trên cơ sở tận dụng Móng Cái là cửa ngõ giữa Trung Quốc - ASEAN; chủ động trong hợp tác với các địa phương tại châu Âu, châu Mỹ và các khu vực khác. Coi trọng công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường các mô hình đối ngoại, hợp tác làm ăn giữa nhân dân xã, huyện biên giới hai nước Việt - Trung.

Với tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đổi mới, sáng tạo, chung sức, đồng lòng đưa tỉnh phát triển nhanh, hiện đại, bền vững; xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế một cách tích cực, chủ động; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

PGS.TS Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực