Góp phần làm cho diện mạo nông thôn Quảng Ninh khởi sắc rõ nét
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân các dân tộc trong tỉnh, được thành lập từ năm 1978 có chức năng tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển và trong hành trình Quảng Ninh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, vai trò của người nông dân đã thể hiện ấn tượng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế địa phương với phát triển kinh tế gia đình, nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác và gắn với phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới hiện đại đại, góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh.
|
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhiều hộ nông dân làm giàu, phát triển kinh tế.
|
Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực to lớn đầu tư cho nông thôn cả về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tạo cơ hội, động lực để nông dân tích lũy kinh tế, tư duy, kiến thức, trình độ, tự tin phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân và xã hội. Nông dân Quảng Ninh hôm nay tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, hàm lượng khoa học công nghệ cao, những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh sạch, làm chủ mô hình nông nghiệp đô thị. Đặc biệt, nông dân Quảng Ninh năng động kết hợp nông nghiệp và du lịch, chuyển đổi, phát triển mô hình ruộng vườn ao đầm của mình thành nơi trải nghiệm sinh thái, điểm đến của đông đảo du khách, đẩy giá trị kinh tế của mô hình sản xuất lên cao.
Với thành quả đó, vai trò của Hội Nông dân các cấp đã được khẳng định thông qua việc khuyến khích hội viên phát triển các mô hình kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của địa phương; vận động hội viên chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng từ coi trọng sản lượng sang chất lượng; sản xuất những sản phẩm thị trường cần; dẫn dắt nông dân đi đến những mô hình kinh tế liên kết, sản xuất theo tổ, nhóm. Hội Nông dân tỉnh đồng hành cùng nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, đưa nông sản trở thành thành hàng hóa có mặt trong các siêu thị lớn, tiêu thụ tại các kênh thương mại điện tử... góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Những kết quả đó đã góp phần quan trọng làm cho diện mạo nông thôn tỉnh Quảng Ninh thay đổi rõ rệt, khởi sắc rõ nét. Nổi bật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nhất là tại các khu vực miền núi, biên giới, biển đảo. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%, số hộ khá và giàu tăng nhanh. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội bằng những cách làm sáng tạo, trúng, đúng, hiệu quả, đã khơi dậy và phát huy vai trò nông dân, lấy nông dân làm lực lượng nòng cốt chung tay cùng tỉnh xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2018-2023, tỉnh bước vào giai đoạn nước rút xây dựng nông thôn mới. Nông dân đã khẳng định vai trò chủ thể nông thôn mới, trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp cả chục tỷ đồng, gần 41.400 ngày công lao động, hiến trên 192.000m2 đất để làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 295km kênh mương nội đồng, 333km đường giao thông, 122 cầu cống. Hội Nông dân tỉnh đã huy động gần 600 triệu đồng giúp đỡ người dân xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) phát triển kinh tế; trên 400 triệu đồng hỗ trợ 88 hộ dân huyện Bình Liêu xây nhà tiêu hợp vệ sinh... Cùng với đó, người nông dân đã tham gia tích cực bảo vệ đường biên mốc giới, hình thành các tổ an ninh tự quản phối hợp với lực lượng chuyên môn đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở vùng nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số…
|
Các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và tiềm năng phát triển đã góp phần nâng cao giá trị nông sản Quảng Ninh.
|
Từ sự chung tay của tổ chức Hội và nông dân, đến hết năm 2022 đã có 54/98 xã (chiếm 55,1%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 26/98 xã (chiếm 26,5%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% địa phương cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, lần thứ XV đề ra.
Khơi dậy truyền thống và khát vọng xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh
Càng gần đến ngày kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023), khí thế thi đua sôi nổi càng lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội và hội viên nông dân toàn tỉnh với những hoạt động, chương trình, công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả và mang ý nghĩa sâu sắc, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi hướng về ngày trọng đại của Tỉnh.
Phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Tỉnh và Đại hội Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được Hội Nông dân tỉnh phát động ngay từ những ngày đầu tháng 12 năm 2022 với nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, cơ sở; chủ động phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm hay trong đợt thi đua đặc biệt.
Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho cán bộ, hội viên, nông dân về giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp. Nhiều công trình, phần việc, chương trình hoạt động mang ý nghĩa đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hội viên nông dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh. Nổi bật như triển khai công trình cấp tỉnh “Trồng 16 ha rừng lim xanh tại huyện Ba Chẽ” với gần 15 ha cây lát hoa và vận động hỗ trợ giống cây dược liệu để trồng xen canh cây lim xanh tại xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ với diện tích 7,3 ha, góp phần thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ gắn với trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái.
|
Hội Nông dân tổ chức hội nghị đầu bờ, trao đổi kinh nghiệm cho hội viên nông dân thúc đẩy phát triển sản xuất.
|
Tập trung triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ phong trào thi đua xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, đã có 47.231 hộ được công nhận đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện và cấp cơ sở, 577 hộ được UBND và Hội Nông dân cùng cấp tặng giấy khen, Hội Nông dân tỉnh công nhận 2.618 hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh; 130 hộ được UBND tỉnh tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 10 hộ nông dân nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2020 - 2022. Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức chương trình tôn vinh 35 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023 để ghi nhận, tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất; động viên, khích lệ sự sáng tạo của người nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, các phong trào thi đua như: “Chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, về chương trình sáng tạo, khởi nghiệp gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển hợp tác xã và phát triển du lịch nông thôn; các hoạt động như xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, các mô hình có sự liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được đẩy mạnh.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội", mô hình “Nông dân tự quản về an ninh trật tự khu vực biên giới”. Hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được tăng cường và sử dụng có hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 85,133 tỷ đồng, dư nợ tín dụng ủy thác qua các ngân hàng đạt trên 2.360 tỷ đồng.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân các cấp, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân; tổ chức các chương trình như: Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với hội viên nông dân, góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)... Chú trọng xây dựng, nhân rộng, tôn vinh các mô hình tập thể và cá nhân tiêu biểu, những gương điển hình tiên tiến, đột phá sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất, công tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian qua.
Từ thực tiễn hoạt động của các phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy trong cán bộ, hội viên nông dân lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, dân tộc, đất nước; phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong các cấp Hội và hội viên nông dân trong tỉnh. Qua đó, tạo động lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thi đua trong nông dân, hướng đến hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh./.