Các anh vẫn sống mãi trong lòng đồng bào Pa Cô

Thứ năm, 29/10/2020 15:06
(ĐSCVN) - Những ngày này đi đến các bản làng đồng bào Pa Cô, Vân Kiều nơi núi rừng Khe Sanh (Quảng Trị), đâu đâu chúng tôi cũng chứng kiến không khí trầm lắng khác thường. Dường như, sự hy sinh của 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (KT-QP337) đã để lại sự hụt hẩng, tiếc thương trong lòng mỗi người dân nơi đây.

Và cũng bởi, đối với đồng bào nơi đây, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP337 không khác gì người thân và là ân nhân của gia đình họ.

Bộ đội Đoàn 337 giúp thôn Tri, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa làm đường giao thông.

Đã hơn 10 ngày từ khi 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP337 gặp nạn, sáng nào ông Hồ Chiến ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cũng dậy từ rất sớm. Ông đứng bần thần mắt hướng về doanh tại Đoàn KT-QP337 như đang kiếm tìm một niềm hy vọng trong sự chờ đợi xa xăm. Dường như trong tâm trí người đàn ông dân tộc Pa Cô, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP337, trong đó có Thượng tá Lê Văn Quế, Chủ nhiệm Hậu cần – Kỹ thuật đơn vị vẫn còn ở đâu đây.

 Tìm hiểu chúng tôi được biết, gia đình ông Hồ Chiến vốn là hộ nghèo của thôn Cợp. Gia đình với 7 nhân khẩu, cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào việc phát nương làm rẫy nên hầu như thiếu đói quanh năm. Thực hiện phong trào “Đỡ đầu, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế”, Phòng Hậu cần – Kỹ thuật, Đoàn KT-QP337 đã nhận giúp gia đình ông Hồ Chiến vươn lên thoát nghèo. Ngoài việc hỗ trợ, tặng gia đình một số cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, cán bộ, chiến sĩ Phòng Hậu cần – Kỹ thuật còn giúp ngày công làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm… Thượng tá Lê Văn Quế thường xuyên có mặt hướng dẫn, giúp đỡ gia đình về cách nuôi nhốt gia súc gia cầm, kỹ thuật trồng lúa nước, giữ vệ sinh trong sinh hoạt... Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Phòng Hậu cần – Kỹ thuật, đến này gia đình ông Hồ Chiến đã từng bước giảm bớt khó khăn. Và cũng theo thời gian, cán bộ, chiến sĩ Phòng Hậu cần – Kỹ thuật không khác gì người thân trong gia đình ông Hồ Chiến.

Đội sản xuất 3 hỗ trợ, chăm sóc 3 chị em Hồ Thị Huê có điều kiện được ăn học đầy đủ.

Còn với ba chị em Hồ Thị Huê ở thộn Cợp, xã Hướng Lập từ khi nhận tin Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Ngọc Quyết, trợ lý Quân lực cùng 21 cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP337 hy sinh, không còn buồn ăn, buồn nói nữa. Bởi các em đã mất đi người “cha” thứ hai của mình. Nhận thông tin Thiếu tá Phạm Ngọc Quyết cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP337 gặp nạn không quản ngại nguy hiểm, ba chị em Huê vượt hơn 30 km đường rừng trong điều kiện mưa lũ tìm đến Đoàn KT-QP337. Suốt những ngày các lực lượng nỗ lực tìm kiếm các anh, ba chị em Huê cặp mắt đỏ hoe, gào thét trong tuyệt vọng. Được biết, năm 2013, khi nghe tin ba em nhỏ mồ côi gặp khó khăn khi hòa nhập cuộc sống tại nơi đây, sống bơ vơ giữa rừng sâu, cán bộ, nhân viên Ðội sản xuất 3 đón về nuôi nấng, trong đó có Thiếu tá Phạm Ngọc Quyết. Và anh luôn coi 3 chị em Huê như những người con của mình. Anh tận tình chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ và kèm cặp học hành. Với bàn tay chăm bẵm của những người “cha” tại Đội sản xuất 3 này, trong đó có Thiếu tá, QNCN Phạm Ngọc Quyết, 3 chị em Huê giờ đã trưởng thành.

 Ngày 22/10, lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tổ chức tại Nhà thi đấu TP Đông Hà, trong dòng người thành kính đến viếng các liệt sĩ, không khó để bắt gặp những bà con người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, sống ở địa bàn Đoàn KT-QP337 đóng quân. Để đến được nơi tổ chức tang lễ, họ đã vượt hơn 100 cây số, qua điệp trùng núi đồi và vô số điểm sạt lở. Trong bầu không khí xúc động, họ kể với nhau câu chuyện, suốt ngày 17/7/2020, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP337 vượt mưa gió, lũ lụt ứng cứu bà con vùng sạt lở đất tại xã Hướng Việt, cách đoàn tầm 30 km. Tối ấy, chiếc xe chở các cán bộ, chiến sĩ vẫn còn đỗ trước sân vì lời hẹn: “Nếu dân bản cần, chúng tôi ngay lập tức có mặt”. Không ai ngờ, chỉ 2 tiếng đồng hồ sau đó, chiếc xe chỉ còn là một khối sắt rúm ró, ngập dưới đất đá. Nhiều dãy nhà bị san phẳng và không có một phép màu nào cho 22 người lính. Nhiệm vụ giúp dân phòng, chống mưa lũ cũng chính là nhiệm vụ cuối cùng của 22 cán bộ, chiến sĩ.

 Bây giờ mỗi khi đi qua doanh trại Đoàn KT-QP337, nhiều người dân sống ở phía Bắc huyện Hướng Hóa cay cay nơi khóe mắt. Ai cũng quay quắt nhớ lại hình ảnh một doanh trại vững chãi, sạch đẹp, khiến dân bản ấm lòng mỗi khi nhìn thấy. Năm 1999, Sư đoàn 337, Quân khu 4 hành quân từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào huyện Hướng Hóa để thực hiện nhiệm vụ mới. Từ đây, Sư đoàn mang tên gọi mới là Đoàn KT-QP337. Bấy giờ, ai cũng kỳ vọng một sư đoàn lừng danh trong thời chiến sẽ bám trụ thành công, làm khởi sắc mảnh đất hoang vu phía Bắc huyện Hướng Hóa. Không phụ lòng người, các cán bộ, chiến sĩ đã vượt mọi khó khăn, bắt đầu “trận đánh” đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Bàn tay người lính vốn quen với súng đạn nay cầm cuốc đào đất, vun mỗi gốc cây, ươm từng hạt giống… Họ học tiếng Bru – Vân Kiều, uống với dân bản bát rượu làm từ men lá, lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, dân tin. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ đã giúp đỡ dân bản bằng những hành động cụ thể, từ việc nhỏ như vận động trồng cây cà phê, lúa nước,cách bón phân, cải tạo vườn đồi… đến xây dựng các công trình thủy lợi, trường học, mở đường, đưa nước sạch về bản… Hơn 20 năm trôi qua, “Bộ đội 337” đã giúp cuộc sống người dân thực sự bước sang trang mới, no ấm và đủ đầy hơn xưa. Ít ai biết, thành quả đó được đổi trả bằng rất nhiều sự hy sinh. 

 Cũng như những cư dân miền sơn cước khác, bà con ở các xã trong Khu KT-QP Khe Sanh như: Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập… ngại nói những lời hoa mỹ. Sự tri ân lớn nhất của họ thường được thể hiện bằng hai chữ “cảm ơn”, còn lòng yêu thương, tôn trọng gói gọn trong từ “quý”. Các anh đã anh dũng hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân và đã trở về với đất mẹ nhưng hình ảnh những người “Bộ đội Cụ Hồ” 337 luôn tận tụy với dân vẫn sống mãi trong lòng đồng bào nơi đây./.

Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực