Đổi mới tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ

Thứ năm, 16/06/2022 14:38
(ĐCSVN) – Theo Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia, bên cạnh nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ; hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh để lại thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động truyền thông và trao thưởng cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tại nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam”.

Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng ngày thế giới nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn 4/4/2022.

Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: HNV)

Theo số liệu báo cáo tại hội nghị, năm 2018, trước khi ban hành chương trình hành động bom mìn quốc gia, mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất của cả nước. Giai đoạn 2010-2020, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, đã xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, toàn quốc đã khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất, tăng 35% so với giai đoạn trước; bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc đã được công bố; hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan được hỗ trợ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống; hơn 3 triệu người dân và học sinh được giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ.

Qua 10 năm thực hiện chương trình hành động quốc gia, Việt Nam đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ nước ngoài gần 100 triệu USD để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

 Thiếu tướng Trần Trung Hòa phát biểu tại hội nghị (Ảnh: PV)

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Trung Hòa nhấn mạnh, bên cạnh nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ; hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bị ảnh hưởng thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thời gian qua, công tác tuyên truyền được các bộ, ngành, các tỉnh, thành trong cả nước, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thực hiện bằng nhiều hình thức, hoạt động thiết thực.

 Dịp này, Thiếu tướng Trần Trung Hòa mong muốn Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất những giải pháp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về nhiệm vụ phòng, tránh, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, kết hợp giữa tuyên truyền và đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp để chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả bom mìn sau chiến tranh, những khó khăn, thách thức của Việt Nam và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, tạo sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để có thêm nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tổ chức trao thưởng cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tại nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam”. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong vòng 1 tháng (từ ngày 4/4 đến ngày 4/5/2022). Kết quả chung cuộc, đã thu hút được hơn 1,3 triệu người tham gia, tăng hơn 80% so với năm 2021. Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các cá nhân có thành tích cao trong cuộc thi.

Trao thưởng cho các cá nhân đạt giải cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tại nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam” (Ảnh: HNV) 

Chia sẻ niềm vui được nhận giải thưởng lần này, thí sinh Lê Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị: Cuộc thi đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia dự thi nhất là ở những vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, góp phần nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn do hậu quả chiến tranh để lại ở nước ta; đồng thời giúp xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu và sống an toàn trên các vùng đất còn bị ô nhiễm bởi bom, mìn, vật nổ. Cuộc thi cũng cho thấy vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau, khẳng định tính đúng đắn trong đổi mới hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại.

Theo điều tra khảo sát bom mìn, trước khi ban hành Chương trình hành động bom mìn quốc gia thì mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam năm 2018 là 6,1 triệu ha đất đai. Giai đoạn 2010-2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn, vật nổ được 485.000 ha với ngân sách 12.614 tỷ đồng gồm cả của Nhà nước và viện trợ nước ngoài.

Giai đoạn 2010-2020, công tác rà phá bom mìn, vật nổ đạt được những kết quả ấn tượng: xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình triển khai thực hiện; đã khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất, công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ gần 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục cho hơn 3 triệu người dân và học sinh.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động bom mìn quốc gia, đã huy động gần 13.000 tỷ đồng để góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Với những thành tích đạt được, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể và 13 cá nhân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 14 tập thể và 14 cá nhân trong đó có 4 tổ chức quốc tế.

(Nguồn: Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia). 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực