Giá trị trường tồn về bảo vệ Tổ quốc trong học thuyết của Lênin

Thứ bảy, 22/04/2023 08:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Lịch sử dần trôi xa, song những giá trị học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN của Lênin còn mãi với thời gian. Ngày nay, bảo vệ, bổ sung phát triển học thuyết Bảo vệ Tổ quốc của V.I.Lênin là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị để biến học thuyết đó thành sức mạnh hiện thực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng BQP kiểm tra công tác huấn luyện tại Học viện Biên phòng

Ngay sau khi Chính quyền Xô viết được thiết lập, Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Nga ra đời. Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bolshevik Nga, toàn thể dân tộc Nga bắt tay vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Từ đây, học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN được xây dựng, bổ sung và phát triển. Đây là một trong những đóng góp to lớn, mang tính thời đại của Lênin vào kho tàng lý luận của nhân loại.

Nhìn lại lịch sử chúng ta nhận thấy, từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp, Tổ quốc luôn gắn với chế độ chính trị nhất định. Trong quá trình đó, C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đã làm rõ được bản chất giai cấp của Tổ quốc và tính chất phản động trong quan điểm của các nhà tư tưởng tư sản về vấn đề này. Hai ông đã chỉ rõ rằng: Dưới chế độ bóc lột “Công nhân không có Tổ quốc. Người ta không thể cướp cái mà họ không có”. Như vậy, trong xã hội tư bản, giai cấp công nhân không có Tổ quốc. Song, tuyệt nhiên họ không thờ ơ trước vận mệnh của đất nước mình. Muốn có Tổ quốc XHCN “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”.

Những tư tưởng đó của C.Mác - Ph.Ăngghen là cơ sở để V.I.Lênin cùng Đảng Bolshevik Nga tiến hành cách mạng vô sản. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, Tổ quốc XHCN đầu tiên trên thế giới ra đời, trong đó giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga là những người làm chủ của Tổ quốc. Điều đó minh chứng rằng chủ nghĩa xã hội không chỉ là một học thuyết, một hệ tư tưởng vô sản, hệ tư tưởng đó đã trở thành một hiện thực cách mạng, ra đời, tồn tại, hiện hữu và gắn chặt với đất nước, dân tộc Nga Xô viết.

Từ thực tế Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.I.Lênin đã nhận ra rằng “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” và “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ” . Vì vậy, phải bảo vệ Tổ quốc như thế nào? và bằng cách nào? đang đặt ra đối với V.I.Lênin và Đảng Bolshevik Nga trước âm mưu của giai cấp tư sản phản động trong nước và quốc tế.

Kế thừa tư tưởng vũ trang quần chúng bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa của C.Mác - Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã tổng kết, bổ sung, phát triển xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Một mặt, V.I.Lênin đã lên án và phê phán khẩu hiệu “Bảo vệ tổ quốc” mà các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đưa ra nhằm biện hộ cho cuộc chiến tranh đế quốc; lôi kéo giai cấp công nhân tham gia; ủng hộ quan điểm bảo vệ Tổ quốc của giai cấp tư sản; chia rẽ vô sản các nước, triệt tiêu, tiến tới thủ tiêu Nhà nước Xô viết non trẻ. Mặt khác, V.I.Lênin đã tỏ rõ quan điểm không thể đưa vận mệnh chủ nghĩa xã hội, của Chính quyền Xô viết ở Nga ra đánh liều bằng cách lao vào cuộc chiến tranh đế quốc.

Từ thực tế, V.I.Lênin đã khẳng định rất rõ: “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành bảo vệ Tổ quốc, những cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tư cách là Tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hoà Xô viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội” . Quan điểm trên của V.I.Lênin một lần nữa khẳng định rõ hơn mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa mặt chính trị - xã hội với mặt tự nhiên lịch sử của Tổ quốc. Đồng thời, khẳng định tính quyết định của mặt chính trị - xã hội đối với Tổ quốc nói chung và Tổ quốc XHCN nói riêng. Với ý nghĩa đó V.I.Lênin đã khái quát: “Tổ quốc nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hoá và xã hội” từ đó bảo vệ Tổ quốc XHCN trước tiên là bảo vệ đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất, và triệt để nhất những nhân tố chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội mà điểm mấu chốt là bảo vệ chính quyền Xô viết, bảo vệ Đảng Bolshevik, bảo vệ chế độ dân chủ vô sản.

Với tư tưởng đó, V.I.Lênin và Đảng Bolshevik Nga đã lãnh đạo, tổ chức sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Trong đó, thường xuyên chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Hồng quân vững mạnh, tăng cường khả năng quốc phòng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới. V.I.Lênin chỉ rõ: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơi là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nhân dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”  nếu không thì: Chúng ta không thể tồn tại được.

Tiếc rằng, học thuyết của V.I.Lênin về bảo vệ Tổ quốc XHCN không được thực hiện trọn vẹn trong hoà bình và xây dựng đất nước sau này ở ngay trên quê hương của Người. Các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã xa rời các nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng bảo vệ Tổ quốc của V.I.Lênin, không thấy hết được tính chất quyết định của việc bảo vệ mặt chính trị - xã hội mà đã quá nhấn mạnh đến bảo vệ mặt tự nhiên lịch sử của Tổ  quốc. Do đó, đã bị lôi cuốn vào việc chạy đua vũ trang, xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng an ninh vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, khi kinh tế khủng hoảng lại đổ lỗi cho nguyên do từ chính trị, từ đó vội vàng “cải tổ”, “cải cách”. Điều đáng nói là trong mỗi bước “cải tổ”, “cải cách” đã không bảo vệ và xây dựng tính chất XHCN của chế độ và Tổ quốc XHCN. Đáng tiếc hơn, tính chất đó ngày một mờ nhạt dần và mất đi; lần lượt xa rời, tiến tới rũ bỏ những thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội trên mọi mặt như: chấp nhận đa nguyên chính trị, phủ nhận tiến tới từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, vai trò quản lý của chính quyền Xô viết và một thực tế tất yếu thành quả Cách mạng XHCN, Tổ quốc XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị tan vỡ.

Trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết của V.I. Lênin vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam, trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn xác định đúng đắn quan điểm, đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, luôn coi là một nội dung quan trọng trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng. Sự kế thừa đúng đắn đó góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng CNXH đạt nhiều thành tựu quan trọng, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày một nâng cao. Qua nhiều nhiệm kỳ, tư duy, quan điểm của Đảng được phát triển theo hướng toàn diện, sâu sắc hơn, biểu thị quyết tâm cao trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiện nay, lợi dụng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản và bọn cơ hội chính trị, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin thường xuyên tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc, tấn công quyết liệt vào hệ thống tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết của V.I.Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói riêng. Các thế lực thù địch thực hiện mục tiêu đó bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình” gắn với “Phi chính trị hóa quân đội”.

Thấm nhuần tư tưởng bảo vệ Tổ quốc của V.I.Lênin, Đảng, Nhà nước ta đã tăng cường sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước, trong quá trình đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng mà hiện nay các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tiến hành tổng kết đã khẳng định những vấn đề Đảng ta đã đặt ra, đó là: kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước; đồng thời, luôn nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp nối học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN của V.I.Lênin và Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Lịch sử dần trôi xa, song những giá trị học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN của Lênin còn mãi với thời gian. Ngày nay, bảo vệ, bổ sung phát triển học thuyết bảo vệ Tổ quốc của V.I.Lênin là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị để biến học thuyết đó thành sức mạnh hiện thực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

1 C.Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr.623.

2 C.Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr.623 - 624.

3 V.I.Lênin, toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ, M.1977, tr.145.

4 V.I.Lênin, toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ,  M 1977, tr.102

5 V.I.Lênin, toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, M.1978, tr.368 -369

Mai Viết Nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực