Nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc

Thứ bảy, 06/01/2024 15:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 26/10/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 141 thành lập Vùng 5 Duyên hải (tiền thân của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân ngày nay). Ngay sau khi thành lập, Vùng 5 Hải quân đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng, tích cực huấn luyện, rèn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đầu năm 1979, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia, Vùng 5 Hải quân đã phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong Quân chủng Hải quân tiến hành Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (từ ngày 06/01 đến 10/01/1979). Đây là chiến dịch đổ bộ đường biển đầu tiên của quân đội ta.

Trong đội hình hiệp đồng quân binh chủng cũng như độc lập tác chiến, Vùng 5 Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đội hình đổ bộ, vận chuyển quân thực hành đổ bộ và tổ chức lực lượng, phương tiện tiến công đánh chiếm các mục tiêu được phân công, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch, giải phóng đất đai và 21 đảo thuộc vùng biển của Campuchia; tiêu diệt hơn 1.200 tên địch; bắt gần 1.700 tù hàng binh; bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu, ca nô chiến đấu; thu và phá hủy hàng trăm phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của địch... Tổng kết chiến dịch, nhiều tập thể, cá nhân của Vùng 5 Hải quân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương và các danh hiệu cao quý khác.

Cuộc đổ bộ đường biển Tà Lơn do lực lượng Hải quân làm nòng cốt tiến hành, trong đó, Vùng 5 Hải quân đóng vai trò rất quan trọng. Thắng lợi của Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân; là thắng lợi của nghệ thuật quân sự nói chung và nghệ thuật quân sự Hải quân nói riêng. Đó là chiến thắng của bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, sự mưu trí, sáng tạo của bộ đội Hải quân; là minh chứng rõ nét về đường lối, quan điểm đối ngoại và tư tưởng chỉ đạo “giúp bạn là tự giúp mình” của Đảng, Nhà nước ta.

Phát huy ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Chiến dịch đổ bổ đường biển Tà Lơn, vận dụng sáng tạo, sát thực, cụ thể vào tình hình đơn vị. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, quyết tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu tiểu”. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu là một trong những nhiệm vụ căn bản, thường xuyên được quan tâm, coi trọng. Trong đó, đơn vị tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Các biên đội tàu của Vùng 5 Hải quân huấn luyện trên biển 

Trước hết, Vùng đẩy mạnh quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Trong đó, tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân chủng, chỉ thị, mệnh lệnh của trên về công tác huấn luyện, SSCĐ. Hằng năm, Đảng ủy Vùng và cấp uỷ các cấp đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, xác định cụ thể chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng SSCĐ sát với tổ chức biên chế, lực lượng phương tiện, trang bị đơn vị, đặc điểm tình hình vùng biển, nhất là khi Vùng có sự phát triển về lực lượng.

Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới hình thức, phương pháp quán triệt, giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Ưu tiên giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về tình hình nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; coi trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện, luyện tập, SSCĐ, nhất là các lực lượng trực tiếp quản lý, sử dụng VKTBKT mới, hiện đại; các bộ phận hoạt động nhỏ, lẻ, dài ngày trên biển, đảo.

Hai là, thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho huấn luyện, SSCĐ. Trước khi bước vào huấn luyện, Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động làm tốt các mặt công tác chuẩn bị về vật tư, cơ sở vật chất, hội trường, thao trường, bãi tập, mô hình học cụ, tài liệu, giáo án, sổ sách đăng ký quản lý huấn luyện; tổ chức tốt Lễ ra quân huấn luyện và phát động phong trào thi đua tạo khí thế sôi nổi ngay từ ngày đầu, tuần đầu huấn luyện.

Vùng bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, tình hình vùng biển, địa bàn đóng quân, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới hệ thống văn kiện, kế hoạch, phương án tác chiến ngắn hạn, dài hạn phù hợp với tổ chức biên chế và vũ khí, trang bị hiện có.

Ba là, tập trung đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện, nâng cao chất lượng công tác SSCĐ. Hằng năm, trước khi tổ chức huấn luyện, Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng hệ thống kế hoạch, hướng dẫn, tiến trình biểu huấn luyện; soạn và phê duyệt giáo án chặt chẽ theo phân cấp; đăng ký thống kê, báo cáo huấn luyện đúng quy định.

Quá trình huấn luyện, Vùng thực hiện giảm thời lượng huấn luyện lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành. Kết hợp huấn luyện nội dung mới với truyền thụ kinh nghiệm, bảo đảm sát phương án, đối tượng tác chiến, thực tiễn chiến trường và vũ khí, trang bị được biên chế. Tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết xấu, huấn luyện thể lực. Sau khi huấn luyện thành thục các nội dung, đơn vị huấn luyện đổi vị trí, đổi số để mỗi cán bộ, chiến sĩ có thể biết và đảm nhiệm thêm một số vị trí khác trong tác chiến nhằm từng bước đưa bộ đội sát thực tế thực hiện nhiệm vụ.

Vùng tăng cường tổ chức diễn tập theo các phương án; phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong quản lý, điều hành huấn luyện; duy trì nghiêm chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện. Sau từng khoa, mục, giai đoạn huấn luyện, Vùng tổ chức hội thi, hội thao ở các cấp, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong huấn luyện.

Cùng với đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện, Vùng chú trọng nâng cao chất lượng công tác SSCĐ. Trong đó, đơn vị tập trung quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, hướng dẫn của trên về công tác SSCĐ. Chủ động phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các đơn vị, lực lượng liên quan, nhất là lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân… quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo được phân công.

Chỉ đạo lực lượng tuần tra, tuần tiễu và trinh sát, nắm chắc tình hình trên không, trên biển. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực SSCĐ theo quy định; tổ chức cho các lực lượng thực hành thuần thục các bước chuyển trạng thái SSCĐ, tập trung vào lực lượng Hải quân đánh bộ, đơn vị tàu, pháo phòng không.

Bốn là, phát huy nội lực, làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần phục vụ nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Vùng chủ động bảo đảm đầy đủ, đồng bộ VKTBKT, tàu, xe phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Thực hiện nền nếp, hiệu quả các chế độ, quy định công tác kỹ thuật; kết hợp bảo quản, bảo dưỡng với quản lý, khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị, phương tiện, tàu, xe... theo nội dung Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; chú trọng hướng dẫn các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe bộ đội; xây dựng các phương án bảo đảm hậu cần cho lực lượng làm nhiệm vụ dài ngày trên biển; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân huấn luyện đổ bộ 

Năm là, đẩy mạnh phong trào thi đua trong huấn luyện, nhiệm vụ SSCĐ. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Vùng đã bám sát thực tiễn tình hình nhiệm vụ, công tác Thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng, triển khai tích cực, toàn diện, đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến trên nhiều mặt. Riêng trong công tác huấn luyện, SSCĐ, Vùng phát động phong trào thi đua hằng năm, kết hợp với các đợt thi đua cao điểm, đột kích trong diễn tập, bắn đạn thật, tuần tra, tuần tiễu, trinh sát, tuần tra chung. Mặt khác, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cổ động trong huấn luyện; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt kết quả cao trong huấn luyện. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phong trào thi đua huấn luyện giỏi với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân chủng Hải quân và Vùng 5 Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đòi hỏi công tác quân sự, quốc phòng nói chung, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ nói riêng phải được nâng cao hơn nữa và ngày càng đi vào thực chất. Phát huy truyền thống 45 năm Chiến thắng Chiến dịch đổ bổ đường biển Tà Lơn cùng kết quả đã đạt được, Vùng 5 Hải quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc./.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Duy Tỷ - Tư lệnh Vùng 5 Hải quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực