Phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới

Thứ năm, 20/12/2018 15:53

(ĐCSVN) - Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đánh thắng mọi kẻ thù. Trải qua 74 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, đã góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong Chính cương vắn tắt tháng 2/1930, Luận cương chính trị tháng 10/1930, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền và giữ chính quyền. Vì vậy, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; Hàng loạt tổ chức vũ trang được thành lập trong những năm 1940 - 1945, như: Đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), đội du kích Pắc Bó (Cao Bằng), đội du kích Ba Tơ (Trung kỳ), du kích Nam Kỳ, Cứu Quốc quân. Do sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam vào thời điểm đó đòi hỏi phải có đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Hoàng Lâm làm đội trưởng, đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh. Lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong nửa cuối tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và từ năm 1950 đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được lấy làm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trải qua 74 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ khí phách anh hùng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Đó là những chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" phải cùng một lúc đối phó với cả "giặc đói", "giặc dốt", "giặc ngoại xâm". Với tinh thần vừa xây dựng vừa sẵn sàng chiến đấu. Vệ Quốc quân và lực lượng tự vệ thực hiện tốt nhiệm vụ chống giặc ngoài thù trong, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân trong những năm đầu của chính quyền cách mạng. Ngày 19/12/1946, với tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã đã tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài. Quân đội ta đã giành thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc, phá sản chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp phát triển sang thời kỳ mới. Tiếp đó Quân đội ta cùng toàn dân đánh bại âm mưu "bình định" và "phản công" của địch (1948 - 1952); giành thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về "đình chỉ chiến sự ở Việt Nam", lập lại hoà bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám. Miền Bắc được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ 1954 - 1975, chúng ta phải tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh với tên đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc là đế quốc Mỹ giàu có nhất thế giới, có lực lượng quân sự vào loại nhất, nhì của thế giới. Ngạn ngữ có câu: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Chính trong sự không tương xứng về lực lượng đó, phẩm chất anh hùng cách mạng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được thể hiện kiên cường nhất. Lần lượt đánh thắng "chiến tranh đặc biệt" (1961 - 1965); "Chiến tranh cục bộ" và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 - 1968); "Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh" và cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ 2 vào miền Bắc của đế quốc Mỹ (1969 - 1972) và cùng toàn dân tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1973 - 1975), Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết lên trang sử hào hùng, oanh liệt của thời đại Hồ Chí Minh. Hơn một triệu quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền địch bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hơn 20 năm với 5 đời Tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông được thu về một mối. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra đã từng thừa nhận: chúng ta thua Việt Nam không phải vì vũ khí mà vì văn hoá, trí tuệ của con người Việt Nam.

Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, nhiệm vụ của quân đội được Trung ương Đảng nêu rõ: Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta,…bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất... Tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật chủ nghĩa xã hội. 

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ, chiến sỹ trong quân đội đã khắc phục khó khăn, gian khổ, tham gia xây dựng và khôi phục đất nước từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh. Quân đội ta đã cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia. Trong bối cảnh Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp mổi mới từ năm 1986 đến nay, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, nhất là vào thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến các quốc gia trên thế giới. Với sự ra đời của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã khẳng định quân đội ta không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà cũng rất anh hùng trên mặt trận khoa học, kỹ thuật.

Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, mau lẹ và khó lường. Đây cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Đại hội lần thứ XII của Đảng. Dưới sự lãnh đạo Đảng mà trực tiếp là Quân uỷ Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, chúng ta tin tưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng qua 74 năm, sẽ có nhiều đóng góp xứng đáng, đắc lực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa để góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững chắc tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

 TS. Bùi Thế Đức

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình

 văn học, nghệ thuật Trung ương 

                                                                                                                                                    

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực