Sẵn sàng vì nhiệm vụ gian khó

Thứ ba, 12/01/2021 14:20
(ĐCSVN) – Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nêu cao quyết tâm phải giữ gìn sức khỏe cho chính mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mối đe dọa dịch bệnh thường xuyên, những tình huống bất ổn về an ninh ở khu vực. Bởi, mỗi chiến sĩ “mũ nồi xanh” sẽ là một “mắt xích” quan trọng trong đội hình chung của Bệnh viện dã chiến để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ liên tục 24/7.

Đó là những câu chuyện mà chúng tôi biết được về các bác sĩ, điều dưỡng viên tình nguyện Quân đội Nhân dân Việt Nam tới Nam Sudan làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho quân nhân, chuyên gia của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Nhưng phải mãi đến những ngày đầu năm 2021 này, chúng tôi mới có dịp tiếp cận với hai điều dưỡng viên trẻ của Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần), hai quân nhân đầu tiên của lực lượng vũ trang Quân khu 5 sẵn sàng lên đường giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc.

Thượng úy QNCN Huỳnh Văn Khánh (bìa phải) và Đội cấp cứu đường không.

Đó là Thiếu úy, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trần Như Ngọc (khoa Cán bộ cao cấp) và Thượng úy, QNCN Huỳnh Văn Khánh (Khoa Hồi sức cấp cứu). Cả hai đang kỳ nghỉ phép ngắn ngày trong thời gian một năm huấn luyện quân sự, ngoại ngữ, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, chuyên môn y tế, kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh), chuẩn bị lên đường sang công tác tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Nam Sudan vào đầu năm 2021.

 Xác định việc gìn giữ hòa bình ở một vùng đất đang có xung đột, bất ổn chính trị chính là mang đến cho họ hòa bình, là cơm no, áo ấm và nụ cười, 2 chiến sĩ quân y Quân khu 5 chủ động nhập cuộc đầy tự tin. Trần Như Ngọc cho biết, lúc mới nhận nhiệm vụ, bản thân chị cũng có đôi chút lo lắng bởi Nam Sudan không chỉ là đất nước xa xôi, mà còn nguy hiểm vì đang có chiến sự. Nhưng rồi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, được biết, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đi làm nhiệm vụ ở châu Phi nói chung, trong đó có Nam Sudan, đều có chuyên môn vững, tinh thần trách nhiệm cao và nhiều người đã hoàn thành tốt chuyến công tác một năm, vinh quang trở về quê hương, có người còn tình nguyện trở lại Nam Sudan phục vụ tiếp. Do đó, chị dần yên tâm và cảm thấy vinh dự vì được lựa chọn. Là quân nhân, bản thân chị luôn xác định sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

 “Những ngày này, cùng với trau dồi nghiệp vụ, kiến thức, chúng tôi còn được đào tạo kỹ năng làm việc, kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt, ứng xử trong môi trường làm việc đa quốc gia, đa văn hóa, nắm chắc phong tục tập quán của người dân địa phương. Đồng thời nêu cao quyết tâm phải giữ gìn sức khỏe cho chính mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mối đe dọa dịch bệnh thường xuyên, những tình huống bất ổn về an ninh ở khu vực. Bởi, mỗi chiến sĩ “mũ nồi xanh” sẽ là một “mắt xích” quan trọng trong đội hình chung của Bệnh viện dã chiến để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ liên tục 24/7”- Thiếu úy, QNCN Trần Như Ngọc cho biết thêm.

 Trong khi đó, Thượng úy, QNCN Huỳnh Văn Khánh chia sẻ, trong lịch sử, dân tộc ta đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Giờ đây, chúng ta chứng tỏ với quốc tế thấy rằng,Việt Nam đang đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc bảo vệ hòa bình thế giới. Thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, các y bác sĩ đi trước đã tạo nên những hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Bản thân các anh là lớp người kế tục càng quyết tâm phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh chị em sẽ đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với nhau, trở thành những đại sứ hòa bình của Việt Nam, góp phần tô thắm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè thế giới”- Huỳnh Văn Khánh hồ hởi cho biết.

 Được biết, nữ quân nhân Trần Như Ngọc tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành điều dưỡng đa khoa Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng, đã có bằng IELTS 6.0, về Bệnh viện Quân y 17 công tác từ năm 2019, luôn nêu cao tinh thần phục vụ người bệnh, tham gia sôi nổi các hoạt động ngoại khóa do đơn vị tổ chức. Lên đường đảm nhận nhiệm vụ đầy vinh quang nhưng cũng nguy hiểm khó khăn, Ngọc được bố trí làm ở Phòng khám, Khánh ở Đội cấp cứu đường không. Thuộc hàng “em út” của Bệnh viện dã chiến cả về tuổi đời lẫn tuổi quân (Ngọc sinh năm 1997), nhưng càng vì thế, Ngọc càng quyết tâm rèn luyện bản lĩnh “thép” đủ bình tĩnh đối mặt với những hiểm nguy rình rập khi tình hình an ninh bất ổn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sự khắc nghiệt của khí hậu, thiếu thốn điều kiện vệ sinh, ăn ở và các nhu yếu phẩm. Ngọc chia sẻ: “Cha mẹ, các anh chị em đồng nghiệp luôn thấu hiểu và là hậu phương, điểm tựa vững chắc để tôi có thêm tự tin, tiếp tục rèn luyện thêm kỹ năng trong các hoạt động chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ do cấp trên giao phó”.

Còn Thượng úy, QNCN Huỳnh Văn Khánh đã nhiều năm công tác ở Bệnh xá Sư đoàn 315 và Bệnh viện Quân y 17, có cha là cựu chiến binh Huỳnh Văn An từng tham gia chiến trường K từ 1984 đến 1987. Giao hai con còn nhỏ cho người vợ trẻ đang làm việc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (thành phố Đà Nẵng) quán xuyến, anh vẫn quả quyết: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn quyết tâm phải khắc phục bằng được mọi trở ngại, phấn đấu xứng danh sứ giả của hòa bình, nói lên khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có quá nhiều đau thương mất mát trong quá khứ để hiểu được tận cùng cái giá của bình yên”./.

Bài, ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực