Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng hưởng ứng Tháng Công nhân và An toàn vệ sinh lao động

Thứ tư, 10/05/2023 17:38
(ĐCSVN) - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), các đơn vị, doanh nghiệp trong Tổng cục đã thực hiện có nề nếp các hoạt động Tháng Công nhân hằng năm và đạt được hiệu quả thiết thực.

Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Tổng cục đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua các giải pháp và việc làm cụ thể để nâng cao đời sống cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn các cấp trong Tổng cục đã tích cực triển khai phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc; tổ chức thăm quan, nghỉ mát, khám sức khỏe; thăm hỏi, tặng quà, tặng Nhà “Mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội” cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao trong công nhân lao động.

Lễ phát động Tháng công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động 2023 tại Công đoàn cơ sở Z115 (Ảnh: Tổng cục CNQP) 

Thực tế, sản xuất CNQP có tính đa dạng về công nghệ và loại hình sản xuất, liên quan đến nhiều ngành kỹ thuật và nhiều lĩnh vực sản xuất có yếu tố nguy hiểm như (cháy, nổ, va đập, rơi đổ, ngã, sập; điện giật; nhiệt độ cao, ngạt khí…); các yếu tố có hại như (hóa chất độc; tiếng ồn, bụi; bức xạ, phóng xạ...) và các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn lao động, cháy nổ và ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, việc bảo đảm an toàn trong sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn Tổng cục, là sự sống còn của các đơn vị, là trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cấp, của từng cán bộ, công nhân viên, người lao động, đối với tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Xuất phát từ lý do đó, Đảng ủy Tổng cục đã ra Nghị quyết số 195 về lãnh đạo công tác bảo bảo đảm an toàn trong sản xuất. Năm 2021, Tổng cục đã tổ chức kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 195-NQ/ĐU và ban hành Kết luận số 366 việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 195-NQ/ĐU ngày 08/7/2016. Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như nhận thức về vai trò, nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong sản xuất đã được nâng lên. Đã xây dựng được cơ bản hệ thống các quy định, quy tắc về bảo đảm an toàn trong sản xuất ngành CNQP; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác giám sát, kiểm tra an toàn tại cơ quan Tổng cục và đơn vị đã được củng cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức có hiệu quả các đợt rà soát toàn bộ các công trình, thiết bị, phương tiện bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ (PCCN); thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn như: Xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn, PCCN; kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; các quy trình kiểm tra, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; huấn luyện kỹ thuật an toàn, PCCN... So với giai đoạn trước, số vụ việc và thiệt hại do mất an toàn trong sản xuất gây ra giảm đáng kể, không có vụ việc mất an toàn đặc biệt nghiêm trọng, số vụ tai nạn lao động chết người giảm 50%; số người chết giảm 86,5%.

Tổng cục cũng đã tổ chức xây dựng và ban hành quy định an toàn sản xuất, trong đó đã nghiên cứu, tính toán và đưa ra các quy định an toàn riêng của ngành sản xuất CNQP. Đã triển khai nhiều đợt tổng rà soát nhằm phát hiện các tồn tại về an toàn, PCCN và bảo vệ môi trường; qua đợt tổng rà soát năm 2022, các đơn vị đã phát hiện ra 279 tồn tại. Tính đến tháng 9/2022, các đơn vị đã chủ động khắc phục xong 81 tồn tại, đang tiếp tục khắc phục 150 tồn tại; còn 48 tồn tại chưa khắc phục, đang xây dựng kế hoạch khắc phục trong thời gian tiếp theo, hầu hết các tồn tại chưa khắc phục xong là các tồn tại đòi hỏi kinh phí lớn, cần có sự hỗ trợ của cấp trên, như: di dời một số khu vực sản xuất, sửa chữa đạn dược, vật liệu nổ và kho cất chứa; nâng cấp một số dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu để nâng cao khả năng đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

 Ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị (Ảnh: Tổng cục CNQP)

Theo Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Tổng cục CNQP, để tiếp tục phát huy kết quả tích cực và khắc phục tồn tại trong hoạt động bảo đảm an toàn lao động, cần tập trung chú ý triển khai theo tinh thần nghiêm túc, với nguyên tắc “không bảo đảm an toàn thì không sản xuất”, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đơn vị trong công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động để nâng cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành các nội quy, quy trình, quy định, quy tắc và các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ). Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ để hiểu rõ và thực hiện nghiêm Quy định an toàn sản xuất trong Tổng cục CNQP đã được Thủ trưởng Tổng cục ban hành lại năm 2021; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy định quản lý vệ sinh công nghiệp và phương tiện bảo vệ cá nhân do Tổng cục ban hành năm 2018, tích cực triển khai giải pháp 5S, Kaizen.

Thứ hai, tùy theo điều kiện cụ thể của đơn vị để xây dựng chương trình hành động sát thực tiễn, trên cơ đánh giá nguy cơ rủi ro về AT-VSLĐ, phân tích, nhận diện nguy cơ và tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, nhằm chủ động phòng, ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động. Hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về AT-VSLĐ trong từng công đoạn sản xuất, đồng thời khuyến khích người lao động tham gia đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng bảo đảm an toàn để việc chấp hành quy tắc an toàn thành ý thức tự giác của người lao động, coi đó là yêu cầu bắt buộc và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quản lý về an toàn; các nội quy, quy trình, quy định, quy tắc về AT-VSLĐ-PCCN. Đồng thời, chủ động đề xuất kiện toàn cơ quan và cán bộ làm công tác AT-VSLĐ của đơn vị bảo đảm đúng quy định. Trong trường hợp chưa có biên chế chính thức, cần giao nhiệm vụ cụ thể bằng văn bản cho tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, nắm quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu, cơ mật.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, tổ chức khắc phục các tồn tại về an toàn và bảo vệ môi trường theo Kế hoạch 1648/KH-CNQP ngày 04/3/2022 về triển khai thực hiện Kết luận số 366-KL/ĐU ngày 30/12/2021 của Đảng ủy Tổng cục CNQP về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 195-NQ/ĐU về “Lãnh đạo công tác bảo đảm an toàn trong sản xuất” và Báo cáo số 8341/BC-QLCN ngày 26/9/2022 của Cục Quản lý Công nghệ tổng hợp Kết quả rà soát, chấn chỉnh bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN. Các tồn tại về chưa đảm bảo cự ly an toàn thì có biện pháp trước mắt là giảm trữ lượng đạn dược, vật liệu nổ. Khi giảm hết cỡ mà vẫn không bảo đảm thì phải xây thêm tường chắn nổ, ụ chắn nổ. Khi tiếp xúc, làm việc với hóa chất, vật liệu nổ phải thực hiện nghiêm quy trình, quy định về bảo đảm an toàn. Thử nghiệm vũ khí, đạn hỏa lực, thuốc phóng, thuốc nổ phải điểm hỏa gián tiếp. Từng đơn vị, từng bộ phận, từng người lao động phải thường xuyên tự rà soát, phát hiện các nguy cơ mất an toàn, khắc phục các tồn tại và tự giác tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, trước hết là bảo vệ chính mình.

Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động (Ảnh: Tổng cục CNQP) 

Thứ năm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phương án đảm bảo an toàn, PCCN sát với thực tế; thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn đáp ứng được yêu cầu đề ra, thực hiện đúng phương châm “chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần, quân y tại chỗ; tăng cường sự phối hợp với lực lượng công an, quân đội và địa phương nơi đóng quân để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra”. Đồng thời, phải chủ động bảo đảm đầy đủ phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; mua sắm, cấp phát trang bị bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động đủ số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định. Thực hiện đầy đủ các chế độ phụ cấp, bồi dưỡng độc hại, thời gian nghỉ, thời gian làm việc, khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động theo đúng quy định.

Thứ sáu, tăng cường công tác đầu tư, đổi mới công nghệ, tự động hóa các công đoạn sản xuất nguy hiểm, độc hại, áp dụng công nghệ mới, khả năng an toàn cao hơn. Tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ nghiên cứu KHCN về công tác bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy tắc, quy định bảo đảm an toàn. Kết hợp kiểm tra, giám sát với việc huy động trí tuệ tập thể của người lao động để xây dựng thành phong trào thi đua sâu rộng. Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác bảo đảm an toàn.

Thứ bảy, công đoàn cơ sở đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”, kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, bức xúc.

Thứ tám, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, cho ĐVCĐ, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, mắc bệnh nghề nghiệp...

Thứ chín, phối hợp tổ chức các hội thi tay nghề, hội thi thợ giỏi, các cuộc thi đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… cho ĐVCĐ, NLĐ. Tôn vinh, biểu dương ĐVCĐ, NLĐ tiêu biểu trong các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Đáng chú ý, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng cũng nhấn mạnh, Đảng ủy, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Tổng cục cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với các cơ quan chuyên môn các đơn vị tích cực chủ động thực hiện tốt các quyền và trách nhiệm của mình đối với công tác AT-VSLĐ; góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng Tổng cục CNQP ngày càng phát triển bền vững, đồng thời góp phần vào việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân của các đơn vị.

Mới đây, Nhà máy Z115 đã tổ chức Lễ phát động Tháng công nhân 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức” và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Đây cũng là đơn vị làm trước để rút kinh nghiệm chung trong toàn Tổng cục. Theo đồng chí Phan Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ Z115, đơn vị sẽ triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động Tháng Công nhân năm 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức” tại Công đoàn cơ sở; tập trung vào tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 5”; diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”; ủng hộ chương trình “Mái ấm Công đoàn, nghĩa tình đồng đội”, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo...; tổ chức tốt hội thi thợ giỏi. Đẩy mạnh thực hiện tốt giai đoạn 2 của Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” trong Công đoàn Nhà máy; tổ chức chương trình “Mỗi công đoàn cơ sở, một lơi ích đoàn viên”; “Ngày hội văn hóa thể thao công nhân”, “Ngày hội chăm sóc sức khỏe… Song song, tập trung hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” theo hướng chủ động gắn với tình hình thực tế của nhà máy; đẩy mạnh phong trào “Xanh, Sạch, Đẹp, bảo đảm An toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” nhằm cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Với phương châm “Đoàn kết - Chủ động - Sáng tạo - Đổi mới”, công đoàn cơ sở Z115 sẽ tích cực hưởng ứng với quyết tâm cao nhất, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ; góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./. 

 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực