Vận dụng giữa lý luận và thực tiễn ở các nhà trường Quân đội

Thứ ba, 09/05/2023 14:27
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin vừa là nhận thức luận, vừa là phương pháp luận khoa học. Hiện nay, việc quán triệt, vận dụng sáng tạo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các nhà trường Quân đội.

Quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các nhà trường Quân đội hiện nay. Trong đó, vấn đề quan trọng là phải quán triệt và vận dụng sáng tạo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Lý luận được hiểu là sản phẩm của quá trình nhận thức ở trình độ phát triển cao, là hệ thống tri thức phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất yếu của hiện thực khách quan. Lý luận không hình thành tự phát mà xuất phát từ thực tiễn, được khái quát, đúc rút trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, phục vụ cho thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn.

Giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Lý luận chỉ trở thành khoa học khi xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm cơ sở, mục đích, động lực để phát triển, làm tiêu chuẩn để kiểm tra tính đúng đắn. Đồng thời, hoạt động thực tiễn chỉ đạt được mục đích khi được lý luận khoa học soi đường. Hồ Chí Minh khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(1).

Thực tế cho thấy, nếu nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn không được tôn trọng thì lý luận sẽ mất động lực phát triển, bị xơ cứng, giáo điều; đồng thời, thực tiễn cũng dễ rơi vào mò mẫm, mù quáng, mất phương hướng. Vì vậy, không được tách rời, tuyệt đối hóa hoặc coi nhẹ một trong hai mặt đó. Trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các nhà trường Quân đội hiện nay, phải luôn quán triệt và vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Luôn có quan điểm đúng đắn về vai trò của lý luận khoa học, không ngừng nâng cao trình độ lý luận toàn diện, nắm chắc thực chất tính cách mạng và khoa học của triết học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để đề ra chủ trương, đường lối, chính sách; thường xuyên tổng kết kinh nghiệm, bổ sung phát triển lý luận. Khi vận dụng lý luận vào thực tiễn phải linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, dập khuôn. Đấu tranh chống mọi biểu hiện của bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, bệnh máy móc, giáo điều.

Giờ học tập tại giảng đường của Học viện Chính trị. Ảnh: Trung Hà.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, những năm qua, các nhà trường Quân đội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Các nhà trường Quân đội đã đẩy mạnh xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện, từng bước thích ứng và nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tích cực triển khai mô hình “Nhà trường thông minh”, đổi mới đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được kiện toàn về cơ cấu, số lượng; nâng cao về phẩm chất, năng lực, nhất là trình độ tin học, ngoại ngữ. Hiện có 98,07% nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường quân đội có trình độ đại học, trong đó có 8,9% là tiến sĩ, 40,51% là thạc sĩ; nhiều đồng chí đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, giảng viên giỏi cấp quốc gia và cấp Bộ Quốc phòng (2). Vị thế của nhà trường Quân đội trong hệ thống giáo dục quốc dân và chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước nâng lên, đáp ứng yêu cầu cơ bản của sự nghiệp xây dựng Quân đội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục - đào tạo ở các nhà trường Quân đội còn bộc lộ những mặt bất cập như: Nội dung, chương trình đào tạo ở một số nhà trường có mặt còn chậm đổi mới, cập nhật thực tiễn, thiếu sự gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị cơ sở; việc đổi mới phương pháp giảng dạy chưa được quan tâm đúng mức; kết hợp giảng dạy lý thuyết với bồi dưỡng năng lực thực hành, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và rèn luyện bộ đội chưa được coi trọng thường xuyên. Do vậy, năng lực chuyên môn, quản lý chỉ huy, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và khả năng thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận học viên sau khi ra trường chưa đáp ứng kịp thời với đòi hỏi của thực tiễn.

Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại cũng đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác giáo dục - đào tạo trong Quân đội.

Quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, các nhà trường Quân đội cần chủ động mời cán bộ có trình độ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, kỹ thuật giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn ở đơn vị về tham gia giảng dạy, nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm

Đây là giải pháp then chốt để khắc phục sự chưa thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, cũng là yếu tố trực tiếp tác động đến nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng Quân đội trong tình hình mới theo phương châm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với công tác giáo dục, đào tạo trong quân đội, đó là: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” được xác định trong Chỉ lệnh số 971/CT-TM ngày 04-12-2020 của Tổng tham mưu trưởng về công tác quân sự, quốc phòng năm 2021.

Để tăng tính thực tiễn, các nhà trường Quân đội cần tăng cường tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, các đối tượng học viên được tham gia các buổi thảo luận, tọa đàm khoa học, các buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ có trình độ lãnh đạo, quản lý, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn ở đơn vị; đồng thời mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị cơ sở, tăng cường nghiên cứu thực tế tại các đơn vị trong toàn quân. Thực hiện tốt nội dung này cũng chính là đã coi trọng vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các nhà trường Quân đội.

Bên cạnh đó, các nhà trường Quân đội cần thường xuyên khảo sát thực tiễn ở đơn vị. Đây là giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các nhà trường Quân đội. Việc khảo sát thực tiễn nhằm thu thập thông tin phản hồi từ đơn vị về chất lượng đầu ra của các đối tượng đã qua đào tạo tại các nhà trường; làm cơ sở để nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời quy trình, nội dung, chương trình, phương pháp, công tác bảo đảm, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ở các đơn vị cơ sở. Theo đó, các nhà trường Quân đội cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện và chất lượng thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở để xác định đúng nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm để cập nhật những phát triển mới về tình hình, nhiệm vụ vào bài giảng, bài tập.

Quá trình giảng dạy, các nhà trường Quân đội cần coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo trong vận dụng những kiến thức lý luận vào lý giải và làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đã và đang diễn ra.

Đây là sự cụ thể hóa nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các nhà trường Quân đội. Ví dụ, liên quan đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước, người giảng cần nhấn mạnh đến nguyên nhân cơ bản nhất đó là do những hạn chế trong nhận thức lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và việc áp dụng một mô hình chủ nghĩa xã hội không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa khi đó đang xây dựng, thực chất là chủ nghĩa xã hội thời chiến, chủ yếu bắt nguồn từ kinh nghiệm của Liên Xô, từng thích hợp với những điều kiện đặc biệt của nước Nga Xô Viết, nhưng lại được coi là mô hình duy nhất, phổ biến cho tất cả các dân tộc khi lựa chọn con đường phát triển theo chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, sau này, ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa đều lần lượt diễn ra quá trình đổi mới, cải tổ, cải cách… dù tên gọi khác nhau, nhưng đều giống nhau ở thực chất sửa chữa những hạn chế để hướng đến mô hình phù hợp, sát thực tiễn.

Hoặc đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam hiện nay, người giảng cần vận dụng thực tiễn để khẳng định, chứng minh, tham nhũng là "căn bệnh" chung của nhiều quốc gia trên thế giới; tham nhũng không liên quan đến chế độ chính trị xã hội, không phải do đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam hiện nay đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng ta, không phải là "thanh trừng trong nội bộ" như các thế lực thù địch đang cố tình xuyên tạc, chống phá.

Đồng thời, cần khuyến khích đội ngũ nhà giáo tích cực tham gia nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; cập nhật tình hình thế giới, tình hình trong nước và các địa phương; chú trọng công tác nghiên cứu thực tế. Đội ngũ nhà giáo các nhà trường Quân đội cần thường xuyên tiếp cận đơn vị cơ sở, thâm nhập thực tế, tiếp cận các mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để từ đó nâng cao hiểu biết của mình. Từ đó, lựa chọn những vấn đề đã và đang diễn ra trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc để minh chứng cho nội dung lý luận của từng chủ đề bài giảng. Việc đưa nội dung thực tiễn vào bài giảng phải được chọn lọc, sắp xếp khoa học, phù hợp với từng chủ đề, từng đối tượng học viên đảm bảo tính thời sự, điển hình, chính xác.

Đặc biệt, cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc, ngành đào tạo; thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn; có chính sách thu hút nhân tài về các học viện, nhà trường công tác” (3). Để thực hiện được chủ trương đó, các nhà trường Quân đội cần đẩy mạnh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sư phạm… Đồng thời, bồi dưỡng khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học; thực hiện việc chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội.

Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học theo hướng tăng cường kích thích tư duy sáng tạo, phát huy khả năng tự nghiên cứu, học tập của học viên; đặt người học trước các tình huống, vấn đề thực tiễn cụ thể và sinh động; thường xuyên gợi mở những vấn đề mới, những định hướng về tư duy, kinh nghiệm đánh giá, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn/.

Tài liệu tham khảo:

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 95.

(2). Ngô Minh Tiến, “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Quân đội”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, 08/09/2022.

(3). Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Nội, 2021.

TS Đoàn Văn Tự - ThS Vũ Hoàng Sơn (Học viện Chính trị)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực