Ai quản “thần đèn” ?

Thứ hai, 09/08/2010 21:59

Nguyên nhân vụ sập nhà 3 tầng trong lúc đang thi công nâng móng ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 2-8-2010 đã được làm rõ. “Thần đèn” Bùi Tốn, chủ thầu công trình, sau khi nhận thầu đã giao lại cho người đội trưởng thi công đảm nhiệm, còn mình thì sang Cam-pu-chia… làm ăn. Vắng “Thần đèn” nên những công nhân thi công đã thao tác sai kỹ thuật, khiến công trình đổ sập, gây hậu quả nghiêm trọng.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: vnexpress.net

Sự cố xảy ra khiến chính quyền, cơ quan chức năng địa phương lúng túng. Chủ nhà đã xin phép được sửa chữa, nâng nhà. Chủ thầu có cơ sở pháp lý hành nghề với tư cách là chủ một doanh nghiệp chuyên sửa chữa, nâng cấp, di dời công trình, nhà cửa. Kết cục là nhà sập. Thế là "sập nhà mới ra… lỗ hổng" !

Đó là lỗ hổng trong công tác quản lý đối với loại ngành nghề đặc thù này. Cơ chế hoạt động của "Thần đèn" như thế nào? Cơ quan nào giám sát năng lực chuyên môn của “Thần đèn”? Trình độ “Thần đèn” đến đâu thì được phép hành nghề? Liệu có phải chỉ mới di dời thành công vài ba cái nhà là đã thành “Thần đèn”...?

Quá nhiều những vấn đề đang đặt ra. Hàng loạt những điều bất thường đang tồn tại trong một lĩnh vực lâu nay vẫn được coi là bình thường, thậm chí được tôn vinh là phi thường.

Nói thế không phải là phủ nhận những công lao đóng góp to lớn của đội ngũ “Thần đèn” trong việc di dời công trình, nhất là nhà cửa, trụ sở. Họ đã giúp nhiều công trình tránh được việc phải đập phá, dỡ bỏ, tiết kiệm tài sản Nhà nước và nhân dân, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động... Nhưng cũng chính vì sự bùng nổ các dịch vụ này nên hiện nay đã loạn “Thần đèn”. Nhiều người sau một thời gian làm công nhân, phụ việc cho chủ, học được mấy ngón nghề sơ đẳng đã vội tách ra làm ăn riêng, thành những “Thần đèn” hạng 2, hạng 3, thậm chí hạng 4, hạng 5.

Loạn “Thần đèn” nên cách thức hoạt động, chất lượng công trình do họ thực hiện đang hoàn toàn bị thả nổi.

Sự cố sập nhà nói trên là một lời cảnh báo nghiêm khắc về những hệ lụy đau lòng do thiếu quản lý, giám sát đội ngũ “Thần đèn” hiện nay. Đã đến lúc hoạt động của lĩnh vực đặc thù này cần được quy chuẩn bằng những chế tài, quy định pháp lý rõ ràng, nhất là xác định cơ chế quản lý, cấp phép hoạt động, thẩm định năng lực chuyên môn. Trong lúc chờ đợi sự chuẩn hóa ở tầm vĩ mô, các địa phương cần vào cuộc rốt ráo, kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các tổ chức, nhóm người hành nghề di dời nhà cửa để chấn chỉnh kịp thời những sai sót, ngăn chặn những sự cố đáng tiếc.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực