Bán tàu lưỡng dụng Mistral cho Nga: Pháp khẳng định chính sách riêng

Thứ ba, 16/02/2010 23:36

Cả nước Mỹ và toàn Châu Âu đang xôn xao trước thông tin Pháp đồng ý bán cho Nga một tàu đổ bộ lớp tối tân Mistral và đang xem xét đề nghị của Nga mua thêm 3 chiếc tàu loại này.

Đây sẽ là hợp đồng vũ khí lớn đầu tiên giữa Nga và một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đằng sau cái gật đầu của Pháp, không chỉ đơn thuần là động lực kinh tế mà là một con đường riêng mà Paris lựa chọn để khẳng định vai trò, vị thế của họ, thoát khỏi khuôn khổ gò bó của NATO và coi Nga thực sự là một đối tác.

Thương vụ mua bán con tàu tối tân Mistral cho Nga trước hết được thuyết phục bởi lợi ích tài chính, do đó nó được chấp nhận và ủng hộ bởi ban lãnh đạo nước Pháp cũng như đông đảo người dân nước này. Tàu Mistral trị giá khoảng 500 triệu euro và có thể tạo khoảng 1.000 việc làm trong vòng 2 năm. Như thế đủ thấy hợp đồng mua bán có thể lên tới 4 con tàu như thế này cho Nga sẽ mang lại nguồn lợi to lớn cho nước Pháp. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính như hiện nay, đây thực sự là một tin tốt lành cho nền kinh tế Pháp. Hơn thế nữa, chỉ riêng hợp đồng mua bán với Nga (nếu suôn sẻ là 4 chiếc Mistral) có thể góp phần lớn giúp nước Pháp đạt mục đích giành kỷ lục về bán vũ khí trong năm 2010, trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba trên thế giới. Năm 2009, nhờ việc bán 4 tàu ngầm cho Brazil, nước Pháp đã đạt được con số gần 8 tỷ euro doanh thu từ bán vũ khí, tăng 21% so với năm trước.


Con tàu tối tân Mistral

Song dĩ nhiên, động lực kinh tế dù to lớn tới đâu cũng không thể chi phối một quyết định mang tính “đột phá” nếu không nói là “động trời” như thế trong cách suy xét của Mỹ hay nhiều thành viên NATO bảo thủ. Cái gật đầu của nước Pháp trao cho Nga chiếc tàu lưỡng dụng tối tân, được coi là “con dao đa năng” trong hải quân Pháp, một trong những niềm tự hào của nước Pháp, có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Dám đương đầu với búa rìu từ một số nước NATO, trở thành quốc gia đầu tiên trong khối ký một hợp đồng bán vũ khí lớn cho Nga, nhất lại là để giúp củng cố sức mạnh của Hạm đội Biển Đen của Nga, Pháp muốn khẳng định hai điều: thứ nhất coi Nga là một đối tác tin cậy và thứ hai, nước Pháp có con đường riêng không thể bị áp đặt trong NATO. Pháp - một trong những thành viên sáng lập của NATO vào năm 1949, đã quyết định rút khỏi Bộ Chỉ huy quân sự - cơ quan đầu não của tổ chức này vào năm 1966 với lý do chính là không muốn chịu sự chi phối của Mỹ. 43 năm sau, tháng 3/2009, chính quyền của Tổng thống Sarkozy đã quyết định đưa nước Pháp quay trở lại Bộ Chỉ huy, song lý do cũng lại là tận dụng các thời cơ mới để khẳng định vai trò vị thế của nước Pháp, đưa NATO đi theo một hướng đi mới, thoát khỏi tư tưởng cũ thời chiến tranh lạnh. Việc chỉ 7 tháng sau đó (tháng 10/2009), Pháp cử phái đoàn do Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu tới Moscow thương thảo vụ bán tàu Mistral là bằng chứng rõ nét nhất cho hướng đi riêng của nước Pháp.

“Pháp không muốn là tù nhân của quá khứ” - tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner là tuyên bố dõng dạc của nước Pháp rằng: cần phải từ bỏ tư tưởng thời chiến tranh lạnh, cần coi nước Nga là đối tác hơn là đối thủ. Thủ tướng Pháp Francois Fillon một lần nữa khẳng định “Nước Pháp luôn coi Nga là một cường quốc quan trọng nằm trên lục địa châu Âu”. “Món quà” Mistral càng có ý nghĩa khi được Pháp trao cho Nga trong đúng năm nay - được hai nước tuyên bố là “Năm giao lưu Pháp - Nga”.

Báo chí Pháp đã chơi chữ, khi dùng chữ “làn gió” (Vent) thay cho chữ “vụ bán” (Vendre) - vốn được viết gần giống nhau trong tiếng Pháp như để nói về làn gió tư tưởng mới mà nước Pháp muốn mang tới, thông qua hợp đồng bán tàu Mistral. Tuy nhiên, nước Pháp không cô độc trên con đường kết nối với Nga. Việc theo đuôi Mỹ trong các cuộc chiến tranh đã chỉ mang lại những tổn thất to lớn về người, về của, suy giảm uy tín và lòng tin nơi dân chúng; những vụ bê bối liên quan đến Cục Tình báo Trung ương Mỹ, hay tai tiếng về Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu… Tất cả khiến các nước thành viên NATO phải suy ngẫm liệu có xứng đáng để họ đánh đổi lấy những căng thẳng với nước Nga, kiểu như khủng hoảng khí đốt hay không. Thực tế, Liên minh Châu Âu và Ban lãnh đạo NATO gần đây đã liên tục ra tuyên bố cải thiện quan hệ với Nga. Song những tuyên bố miệng vẫn là chưa đủ khi lòng tin chưa được gây dựng. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Hervé Morin đưa ra một tuyên bố như để chỉ trích chính sách vẫn còn “nghi ngờ” của NATO với Nga, rằng: “Không thể duy trì 2 cách ứng xử song song cùng một lúc. Một bên cố gắng xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và xây dựng không gian an ninh, bình ổn và hòa bình với Nga, nhưng bên kia, lại vẫn toan tính âm mưu thực hiện quan hệ thương mại với Nga như giai đoạn trước năm 1991”. Với thương vụ bán tàu Mistral cho Nga, nước Pháp đã kiên định cách ứng xử đầu tiên./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực