Báo Độc lập (Nga): Chiến lược của Nga ở lục địa Âu-Á thế kỷ XXI

Thứ sáu, 12/03/2010 16:29
(ĐCSVN) - Báo Độc lập (Nga) ngày 3/3 đăng bài “Chiến lược của Nga ở lục địa Âu-Á trong thế kỷ XXI” của Sergey Mikhailovich Rogov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canađa trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam lược đăng để bạn đọc tham khảo.

Cơ cấu kinh tế, chính trị và quân sự của hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay đang thay đổi cơ bản. Tình hình này đòi hỏi Nga phải có sự đánh giá sáng suốt vị trí của mình trong hệ thống đa cực mới.

Thế giới đang toàn cầu hóa của thế kỷ XXI dựa trên “ba con cá voi”. Châu Âu chiếm gần 20% GDP thế giới, Bắc Mỹ khoảng 25%, châu Á chiếm 35% và đang tiếp tục tăng với nhịp độ cao. Đối với thế giới đa cực trong thế kỷ XXI, cần phải có hệ thống an ninh toàn cầu mới, phản ánh sự phân bố lực lượng mới trên diễn đàn quốc tế. Đối với Nga, những lợi ích quan trọng sống còn gắn liền với châu Âu và châu Á, cho nên chiến lược Âu-Á có ý nghĩa đặc biệt. Chiến lược như vậy cần phải khắc phục sự xa lánh của Nga với các quá trình liên kết ở châu Âu và khu vực Đông Á, biến Nga thành mắt xích quan trọng trong không gian Âu-Á.

Một mặt, chiến lược này cần ngăn chặn sự phân chia của thế giới hiện nay, gắn hai trong ba trung tâm kinh tế lớn nhất trên thế giới. Chính hiện nay cả châu Âu, Đông Á đang duy trì quan hệ kinh tế - tài chính hết sức chặt chẽ với Mỹ, nhưng tác động tới nhau ở mức độ không lớn. Chiến lược Âu-Á cần phải đảm bảo vững chắc của chính hệ thống thế giới, mà Nga sẽ là “nhịp cầu kinh tế” giữa phương Đông và phương Tây. Nga có không gian rộng lớn, có những tiềm năng to lớn về giao thông, viễn thông, năng lượng để tạo ra một con đường tơ lụa vĩ đại mới. Những đường sắt cao tốc, những đường ống dẫn khí đốt, những tuyến đường hàng không và đường biển ở phía Bắc sẽ làm cho việc vận chuyển qua Ấn Độ Dương trở lên không thể cạnh tranh.

Mặt khác, chiến lược Âu-Á cho phép Nga xây dựng được những mối quan hệ bình đẳng với các nước phương Tây và phương Đông, đang vượt Nga, hiện nay về số dân, quy mô GDP và lực lượng vũ trang. Chiến lược như vậy cần biến những nước đó trở thành những đối tác quan tâm đến sự phát triển có kết quả của Nga, mà sự phồn vinh của họ một phần không nhỏ phụ thuộc vào sự phát triển đó. Điều này thúc đẩy giảm bớt nguy cơ chiến tranh tiềm ẩn mà Nga có thể gặp phải. Chiến lược Âu-Á sẽ cho phép củng cố sự thống nhất kinh tế của Nga từ Kaliningrad đến Vladivostok.

Việc soạn thảo và thực hiện chiến lược Âu-Á của Nga đòi hỏi phải kết hợp những phương án hành động khả thi, được phân tích cẩn thận về mặt kinh tế và chính trị đối ngoại. Hiện Nga đang tham gia một loạt tổ chức và diễn đàn đa phương như: Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Cộng đồng Kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổ chức Thượng Hải (SCO),… Những tổ chức và diễn đàn này khác nhau về thành phần, chức năng và tính hiệu quả.

Khó có thể nói trước, vài chục năm nữa thiết chế của lục địa Âu-Á sẽ như thế nào. Nhưng nhu cầu về xây dựng thì rất rõ ràng. Nếu không thì ở đây có thể xảy ra hỗn loạn trên nhiều phương diện đầy những vụ thử tên lửa - hạt nhân. Đối với Nga, tách biệt về mặt chiến lược là không thể chấp nhận được. Nga cần những đối tác tin cậy ở cả châu  và châu Á, được coi là những lợi ích hợp pháp của chúng ta.

Tiếc rằng đến nay, chủ đề lục địa Âu-Á chỉ là phạm vi của những mơ tưởng địa - chính trị, được thừa nhận để chứng minh “sự đặc biệt” của Nga. Ở mức độ quốc gia, chiến lược gắn kết hướng châu Âu và châu Á là chưa có.

Tất nhiên, để bẻ gẫy được những khuynh hướng không muốn gắn kết của một số nước Liên Xô cũ sẽ không dễ dàng. Những nước láng giềng của Nga e ngại khi đề cập học thuyết đế quốc (bành trướng) mới mà một số chính khách Nga theo đuổi. Vì vậy, một việc hết sức quan trọng là xác định rõ những lợi ích khách quan của Mátxcơva, nêu ra những điều kiện thảo ra lập trường chung có thể chấp nhận được đối với Ucraina, Cadắcxtan và Bêlarút. Ngay cả Mỹ khi thành lập NAFTA, và Đức khi thành lập EU cũng phải cân nhắc nhượng bộ những nước láng giềng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực