Bao giờ hết nhầm?
Thứ sáu, 26/02/2010 18:13 (GMT+7)
Nạn nhân các vụ không kích nhầm của NATO đang phải điều trị tại bệnh viện. |
Dư luận Áp-ga-ni-xtan đang rất căm phẫn trước việc lực lượng NATO tại nước này ném bom “nhầm” vào đoàn xe hộ tống tại quận Gu-ran (Gujran), tỉnh Đây-cun-đi (Daykundi), làm ít nhất 33 thường dân thiệt mạng.
Điều đáng nói đây là vụ không kích “nhầm” thứ ba của NATO ở Áp-ga-ni-xtan nhằm vào dân thường trong vòng một tuần qua và vụ ném bom “nhầm” thứ “n” mà lực lượng này gây ra kể từ khi Mỹ và liên quân tiến hành cuộc chiến chống Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan năm 2001. Hội đồng Bộ trưởng Áp-ga-ni-xtan cho rằng, vụ không kích nhầm trên là "không thể biện hộ".
Thực tế, chuyện thả bom “nhầm” của NATO chẳng có gì là lạ bởi nó diễn ra với tần suất ngày một dày thêm. Còn nhớ, năm 1999, khi Mỹ và NATO tấn công Nam Tư, máy bay của họ cũng bắn “nhầm” vào đoàn người dân di tản làm chết và bị thương hàng trăm người… Trong cuộc chiến I-rắc cũng vậy.
Mỹ và NATO luôn tự hào có các loại vũ khí... thông minh và các đạo quân thiện chiến với trình độ khoa học công nghệ cao. Nhiều loại máy bay, vũ khí hiện đại có "khả năng nhận thức tình hình" trên chiến trường đã được tung tới Áp-ga-ni-xtan. Mới đây, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã đề nghị Quốc hội thông qua ngân sách quốc phòng 768,2 tỉ USD, tăng 2,2% so với năm tài khóa 2010, là mức cao kỉ lục từ trước tới nay… Thế nên, việc bao biện là “nhầm” như trên là không thể chấp nhận được.
Nhiều quan chức và chỉ huy quân đội Mỹ và phương Tây cho rằng, trong chiến tranh, việc “bắn nhầm vào dân thường là khó tránh khỏi”, thậm chí “thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót”. Nhưng trớ trêu ở chỗ, trong khi Mỹ và phương Tây thường rao giảng về dân chủ, nhân quyền thì những vụ “bắn nhầm” của họ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Như vậy là sẽ chẳng bao giờ sẽ hết bắn nhầm và sẽ còn nhiều thường dân bị cướp nhầm mạng sống.