(ĐCSVN) – Trong những ngày đầu của năm 2010, mối quan hệ xung đột giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, Hàn Quốc xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã bước sang một hướng mới.
|
Từ lâu, chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã trở thành cái gai trong mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ (Ảnh: Ria Novosti) |
Trong một bản thông cáo chung công bố ngày 11/1, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tuyên bố, nước này sẵn sàng thảo luận nhằm hướng tới việc ký kết một Hiệp ước hoà bình thay thế bản Thoả thuận đình chiến tại một cuộc họp riêng rẽ với các bên có liên quan hay thậm chí là trong khuôn khổ các vòng đàm phán sáu bên.
Cũng trong bản thông cáo chung, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã nhấn mạnh đến một thứ tự ưu tiên đó là bản Hiệp ước hoà bình cần được ký kết trước khi tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trở thành hiện thực; đồng thời cho rằng, việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên cũng như những rào cản khác nhằm hướng tới việc xây dựng lòng tin cuối cùng sẽ dẫn tới khả năng nối lại các vòng đàm phán sáu bên.
Đáp lại tuyên bố trên của Bình Nhưỡng, Nhà Trắng khẳng định, CHDCND Triều Tiên cần quay trở lại các vòng đàm phán sáu bên nhằm hướng tới tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trước khi các vòng thảo luận về bản Hiệp ước hoà bình có thể đạt được tiến bộ trên thực tế.
Trong khi đó, ngày 12/1, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-yong nhận định, những tiến bộ trong nỗ lực giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và việc nối lại các vòng đàm phán sáu bên cần được thực hiện trước khi phía Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên có thể thảo luận về vấn đề thay đổi Thoả thuận đình chiến bằng một bản Hiệp định hoà bình lâu dài. Trước đó, ngày 11/1, hãng thông tấn Ria Novosti trích tin từ một quan chức giấu tên thuộc Bộ ngoại giao Hàn Quốc, trong đó ông đã đưa ra phản ứng “không chào đón” trước việc CHDCND Triều Tiên đã kêu gọi các cuộc đối thoại về một bản Hiệp ước hoà bình, đồng thời xem đây là một điều kiện để khởi động các vòng đàm phán sáu bên về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mâu thuẫn giữa Washington và Bình Nhưỡng xuất phát từ quan điểm “tiến trình giải trừ hạt nhân sẽ được thực hiện trước hay bản Hiệp định hoà bình sẽ được ký kết trước”. Sự khác biệt trong ưu tiên của Mỹ và CHDCND Triều Tiên thể hiện rõ lợi ích chiến lược của cả hai nước.
Thông qua việc đưa ra một động thái mới trong bản thông điệp đầu năm 2010, CHDCND Triều Tiên một lần nữa, muốn khẳng định lại lập trường rằng “nước này đang theo đuổi tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và muốn đóng góp vào hoà bình, sự ổn định tại khu vực Đông Bắc Á cũng như nỗ lực giải trừ hạt nhân trên thế giới”.
Tuy nhiên, trong khi coi sự thiếu lòng tin tưởng giữa các bên có liên quan là nguyên nhân dẫn đến những thất bại của vòng đàm phán sáu bên, CHDCND Triều Tiên đã đưa ra một phương án của riêng mình, đó là kêu gọi các bên có liên quan tiến hành thảo luận về bản Thoả thuận hoà bình và thay thế tài liệu này bằng một Hiệp ước hoà bình lâu dài trước khi tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được thực hiện.
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, bên cạnh việc CHDCND Triều Tiên đã nhấn mạnh đến việc cần thay thế bản Thoả thuận đình chiến bằng một bản Hiệp ước hoà bình, đề xuất mới của Bình Nhưỡng cũng cho thấy rằng, bán đảo này hoàn toàn nhận thức được tính cần thiết của việc nối lại các vòng đàm phán sáu bên và hoàn thành bản tuyên bố chung được đưa ra hồi tháng 9/2005.
Về phía mình, Washington đã thẳng thắn bác bỏ đề xuất mới của phía Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley nhấn mạnh: “Trong vài tháng qua, chúng tôi đã đưa ra một quan điểm rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ không trả bất kỳ một cái giá nào cho CHDCND Triều Tiên để đưa họ quay trở lại tiến trình đàm phán sáu bên”.
Trên thực tế, những tuyên bố của ông Crowley hoàn toàn thống nhất với những cam kết mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra hồi tháng 6/2009 nhân dịp tiếp xúc với người đồng nhiệm Hàn Quốc Lee Myung-bak.
Cụ thể, ông Obama đã tuyên bố “sẽ đặt dấu chấm hết cho một vòng luẩn quẩn cho phép Bình Nhưỡng khơi mào cho một cuộc khủng hoảng và sau đó các bên lại đưa ra những ưu đãi để giúp cho tình hình trở nên lắng dịu hơn”.
Giới phân tích cho rằng, thái độ phản ứng của Mỹ trước đề xuất mới nhất của CHDCND Triều Tiên cho thấy, Chính quyền ông Obama vừa tuân thủ chặt chẽ chính sách hiện thời về những vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, vừa không sẵn lòng tạo dựng một môi trường ngoại giao thuận lợi hơn đối với CHDCND Triều Tiên trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Cato tại Washington thì điều này cũng không có nghĩa rằng Mỹ không tỏ ra quan tâm đến việc liệu CHDCND Triều Tiên có quay trở lại các vòng đàm phán sáu bên hay không. Trong khi đó, lại có một số ý kiến khác cho rằng các vòng đối thoại về vấn đề giải trừ hạt nhân và cơ chế hoà bình trên bán đảo Triều Tiên cần được tổ chức tại cùng một thời điểm, đồng thời coi đây là phương án thay thế linh hoạt trước những bất đồng về thứ tự ưu tiên của cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ./.