Ảnh minh họa
|
Nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, với tỷ lệ tăng trưởng đạt gần 3% trong quý I. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đứng trước những khó khăn lớn bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế trong hai năm qua.
Ðó là tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (khoảng 9,7%). Cục Dự trữ liên bang (FED) và giới phân tích dự đoán rằng, tỷ lệ này sẽ tiếp tục ở mức cao trong hai năm nữa và phải đến giữa thập niên này, thị trường việc làm mới có thể ổn định. Thâm hụt ngân sách và nợ công khổng lồ. Hoạt động của hệ thống tài chính-ngân hàng yếu kém, ba tháng qua đã có thêm 30 ngân hàng phá sản.
Nhà phân tích và dự báo kinh tế hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Martin Weiss viết bài trên tạp chí Mỹ Tiền tệ và thị trường nhận xét rằng, nền kinh tế Mỹ tiếp tục sa lầy và đang bị tụt hậu so với các nền kinh tế mới nổi. Khó khăn kinh tế và tài chính của nhiều nước châu Âu, bạn hàng quan trọng của Mỹ, tiếp tục sâu sắc. Các nước Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ðức, Anh đang phải đánh vật với tình trạng thiếu hụt tài chính, số người thất nghiệp cao. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã phải cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế mà còn ảnh hưởng đến xã hội Mỹ.
Mới đây, các nhà kinh tế Mỹ đưa ra báo cáo về tình hình kinh tế Mỹ, trong đó cảnh báo bốn nguy cơ đe dọa kinh tế và cuộc sống của người dân trong tương lai gần.
Nguy cơ thứ nhất là, mạng điện quốc gia Mỹ có thể sập bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo trước. Trong thời gian khủng hoảng kinh tế mới đây, ngành điện lực Mỹ đã giảm tới 50% chi phí bảo dưỡng mạng điện quốc gia khiến nguy cơ xảy ra sự cố mất điện có thể thường xuyên hơn với thời gian dài hơn. Mạng điện quốc gia Mỹ đã hơn 100 năm tuổi dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ bị tiến công trên không gian mạng từ các tổ chức khủng bố hoặc từ các nước thù địch thông qua các thiết bị mạch điện từ (EMP). Các chuyên gia an ninh Mỹ cảnh báo, các gián điệp mạng đã thâm nhập mạng điện quốc gia Mỹ và để lại các chương trình phần mềm có thể làm gián đoạn mạng trong thời gian dài. Mạng điện quốc gia Mỹ còn bị đe dọa từ các cơn bão từ khổng lồ từ mặt trời. Hiện tượng này đã xảy ra ở Mỹ vào các năm 1859 và 1959, phá hoại 300 trạm biến thế chủ chốt ở Mỹ chỉ trong 90 giây.
Nguy cơ thứ hai là, khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng kinh tế. Nền kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu sa vào cuộc khủng hoảng do số nợ công đã lên đến mức nguy hiểm khi phải dành lần lượt tới 7% và 11% thu nhập từ thuế để trả nợ năm 2010 và năm 2011. Thâm hụt ngân sách đã lên tới 10% tổng thu nhập nội địa (GDP), mức cao kỷ lục kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Nguy cơ thứ ba là, nhiều tiểu bang có thể bị phá sản. Các tiểu bang của Mỹ đang phải chật vật đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách bang trong năm tài chính tới, trong đó 10 bang đứng trước nguy cơ phá sản, đứng đầu là bang California và bang Illinois với mức thâm hụt ngân sách 13 tỷ USD, vượt quá 50% ngân sách của bang.
Cuối cùng là, nguy cơ các cuộc tiến công khủng bố lớn nhằm vào các thành phố quan trọng trên khắp nước Mỹ. Theo nghiên cứu của Chính phủ Mỹ, năm thành phố lớn nhất nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị tiến công khủng bố bằng các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, nhằm vào các cảng biển, cảng hàng không và các cây cầu lớn.