Sau nhiều tháng đàm phán cam go, hôm
nay (8-4), tại thủ đô Praha (CH Séc) Tổng thống Nga Đmitri Métvêđép và Tổng
thống Mỹ Barắc Ôbama sẽ ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới
(START mới) thay thế Hiệp ước START I - đã hết hiệu lực ngày 5-12-2009.
Đây không chỉ là một bước đi quan trọng trong nỗ lực
"tái khởi động" mối quan hệ Nga - Mỹ mà còn cho thấy hai cường quốc
hạt nhân hàng đầu thế giới đã sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn.
Với hiệp ước lịch sử này, hai tổng thống Đ.Métvêđép và
B.Ôbama đã thể hiện rõ quyết tâm cùng chôn vùi nỗi ám ảnh Chiến tranh lạnh.
Quan trọng hơn, với START mới, ông chủ Điện Cremli và ông chủ Nhà Trắng đã đặt
nền móng mới cho mối quan hệ xuyên Đại Dương dựa trên sự bình đẳng, hiệu quả,
phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước cũng như thế giới. Do đó, không chỉ
Nga, Mỹ xem START mới là một sự kiện đáng nhớ mà nhiều nước đã lên tiếng hoan
nghênh bước đột phá lịch sử này.
Từ trước tới nay, quan hệ Nga - Mỹ vẫn được coi là mối quan
hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới dựa trên sức mạnh chính trị,
tiềm lực quân sự của hai nước và tầm ảnh hưởng của mối quan hệ này đến các vấn
đề quốc tế. Ngoài ra, khi quan hệ Mỹ - Nga được "cài đặt lại" thì
quan hệ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga, vốn được coi là
một trong những yếu tố quyết định tới hòa bình thế giới, đương nhiên sẽ được
cải thiện.
Ngay từ khi thành lập cách đây hơn nửa thế kỷ, NATO đã được
coi là "bức tường" để hạn chế ảnh hưởng sức mạnh của Liên Xô ở châu
Âu và sau đó là công cụ ngăn chặn và thu hẹp ảnh hưởng của Nga trong không gian
hậu Xôviết. Kế hoạch "Đông tiến" của NATO liên tục được thúc đẩy
những năm gần đây đã khoét rộng thêm hố sâu bất đồng trong quan hệ giữa Mỹ và
Nga. Bởi vì, sau khi Tổ chức Hiệp ước Vácxava (thành lập năm 1955) giải thể thì
NATO không còn đối thủ để "tác chiến". Thế nhưng, NATO - một tổ chức
chỉ có 16 nước trong thời kỳ Chiến tranh lạnh - ngày nay đã mở rộng thành liên
minh gồm 28 nước; trong đó có không ít quốc gia một thời là đồng minh của Liên
Xô trước đây.
Về cơ bản, hiện NATO vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến
lược toàn cầu của Mỹ. Mọi "động thái" đối ngoại ở Brúcxen đều tùy
thuộc vào "hàn thử biểu" ở Oasinhtơn. Vì thế, khi Nhà Trắng "cài
đặt lại" quan hệ Mỹ - Nga theo hướng tích cực thì không có lý do gì quan
hệ NATO - Nga lại đi theo chiều hướng tiêu cực. Rõ ràng, START mới không chỉ
củng cố lợi ích chung Nga - Mỹ mà còn tác động không nhỏ tới an ninh và sự
thịnh vượng chung của thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà Nhà Trắng và Điện Cremli lại chọn
Praha là nơi diễn ra lễ ký kết Hiệp ước START mới. Tại kinh đô pha lê này, cách
đây một năm (tháng 4-2009), Tổng thống Mỹ B.Ôbama đã có bài phát biểu cam kết
thúc đẩy hợp tác quốc tế hướng tới một thế giới phi hạt nhân với hy vọng
"đặt dấu chấm hết đối với tư duy của thời Chiến tranh lạnh" trong
chính sách toàn cầu của Mỹ. START mới được ký sẽ tạo hình ảnh mới được thế giới
chờ đợi cho cả hai cường quốc nguyên tử ở Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân
sắp tới tại Oasinhtơn (ngày 12 và 13- 4) và Hội nghị Đánh giá Hiệp ước không
phổ biến vũ khí hạt nhân tại Niu Yóoc vào tháng 5 tới.
Trên một bình diện khác, ngay lập tức START mới đã trở thành
tín sứ ''dẫn đường cho cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân'', như Tổng thống
B.Ôbama vừa tuyên bố với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 26-3. Điều này không
có nghĩa là các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ phải lập tức "noi
gương" Nga và Mỹ. Song việc 2 cường quốc đồng ý cắt giảm tới 1/3 số vũ khí
tấn công chiến lược sẽ là áp lực không nhỏ lên những quốc gia nuôi tham vọng
trở thành cường quốc hạt nhân.
Khi quyết định đẩy tới các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí
hạt nhân trong năm qua, thế giới đã tin rằng quan hệ Nga - Mỹ sẽ sang một trang
mới tươi sáng hơn. Hiệp ước START mới được hai nước ký kết tuy không phải là
"lá bùa" toàn năng giúp khai thông nhanh chóng, hoàn toàn những bế
tắc còn tồn giữa hai siêu cường, nhưng nó vừa bắt đầu cho một hành trình mới
của quan hệ Nga - Mỹ với nhiều hy vọng.