(ĐCSVN) - Ngày 8-4, tại Praha (CH Séc)sau nhiều vòng đàm phán, Nga - Mỹ ký kết bản Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới. Sự kiện này không chỉ được coi là bước tiến mới trên con đường kiểm soát vũ khí hạt nhân hậu Chiến tranh lạnh mà còn là dấu hiệu tích cực trong quan hệ Nga - Mỹ.
|
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược được coi là dấu hiệu tích cực trong quan hệ Nga - Mỹ Ảnh : (Tư liệu) |
Hiệp ước mới quy định giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm tới. Hiện nay Mỹ được cho là đã triển khai 2.200 đầu đạn, con số của Nga là khoảng 2.600 đến 2.700. Theo quy định mới, mỗi nước chỉ được phép triển khai không quá 700 tên lửa đạn đạo hoặc máy bay ném bom chiến lược có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Cũng theo hiệp ước này, mỗi máy bay ném bom hạng nặng được tính là một đầu đạn hạt nhân, cho dù nó có khả năng mang nhiều tên lửa và đầu đạn. Chẳng hạn, một máy bay B-52 của Mỹ có thể mang tới 20 đầu đạn hạt nhân. Thêm nữa, hiệp ước chỉ quy định cắt giảm các đầu đạn đã triển khai chứ không tính tới hỏa lực cất trữ trong kho. Về mặt lý thuyết, các đầu đạn đã triển khai có thể được đưa vào kho rồi tái triển khai khi cần. Như vậy, trên thực tế mỗi nước vẫn có thể triển khai nhiều đầu đạn hơn con số 1.550.
Kiểm soát sự chạy đua về vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ vốn là một vấn đề trọng tâm của những năm Chiến tranh Lạnh. Và thỏa thuận này đã được mong chờ từ lâu, bởi Hiệp ước cắt giãm vũ khí tiến công chiến lược (START I) ký năm 1991 đã hết hạn cuối năm ngoái. Nó là một dấu hiệu cho thấy sự cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ sau nhiều năm lạnh giá; và là một bước đi nữa tiến đến tham vọng xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân mà Tổng thống Obama đặt ra.
Hiệp ước này được hai cường quốc Nga - Mỹ coi là biện pháp xây dựng lòng tin, đặt cơ sở cho những thỏa thuận cắt giảm thêm nữa trong tương lai. Nó cũng đánh dấu một sự thay đổi có lợi cho cả hai cường quốc hạt nhân. Hiệp ước mới chứng tỏ với thế giới rằng Nga và Mỹ không hề thờ ơ với các cam kết theo Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu tại buổi ký kết: "Khi Mỹ và Nga không hợp tác được trong những vấn đề lớn, điều đó không tốt cho quan hệ hai nước và cũng không có lợi cho sự phát triển toàn cầu". "Cùng với nhau, chúng ta sẽ chứng tỏ lợi ích của sự hợp tác. Hôm nay là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình chống phổ biến và đảm bảo an ninh hạt nhân, và đặc biệt trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nga".
Quan điểm của Nga
Tổng thống Medvedev đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới mà Nga và Mỹ vừa ký kết tại Praha, Cộng hòa Séc. Theo ông Medvedev, Nga là một quốc gia hiện đại và không muốn Chiến tranh Lạnh phủ bóng đen lên mối quan hệ với Mỹ cũng như các quốc gia khác
Ông bày tỏ hy vọng sẽ không xuất hiện tình huống buộc Mátxcơva phải rút khỏi hiệp ước này, do việc Washington tăng cường triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) đe doạ an ninh quốc gia của Nga. Theo ông, Nga và Mỹ đã phải tiến hành các cuộc thảo luận kéo dài và khó khăn về mối liên quan giữa vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược.
Tổng thống Nga nêu rõ điều này không có nghĩa là nếu Mỹ có bất kỳ động thái nào nhằm tăng cường NMD, START mới sẽ lập tức mất hiệu lực. Tuy nhiên, nếu Nga thấy rằng NMD của Mỹ là mối đe dọa đối với Nga, khi đó Mátxcơva có thể đưa ra vấn đề chấm dứt trước thời hạn hiệu lực của START mới. Tổng thống Medvedev cũng đề nghị Mỹ cùng với Nga thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung.
Ngày 12/4 trước khi lên đường đi Washington (Mỹ) tham gia Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh hạt nhân, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tuyên bố Mátxcơva "sẽ làm tất cả những gì có thể" để Chiến tranh Lạnh không tái diễn./.