Cần xử lý nghiêm các hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật

Thứ bảy, 16/01/2010 16:45

 
 PV Thế Dũng bị bọn buôn lậu đánh dã man (Ảnh: Thành Lân)

(ĐCSVN) - Những ngày qua, có rất nhiều sự kiện liên quan đến báo chí được dư luận hết sức quan tâm. Đó là vụ các nhà báo Võ Minh Châu của báo Tiền Phong và phóng viên Trần Thế Dũng của báo Người Lao động bị đánh trọng thương. Mới đây, phóng viên Cẩm Châu của báo Nông thôn ngày nay bị một nhóm người quá khích “bắt giữ” trong 7 tiếng đồng hồ...

Hai sự kiện đầu tiên vẫn đang trong quá trình điều tra của cơ quan cảnh sát thì mới đây, ngày 10/1, phóng viên Cẩm Châu (báo Nông thôn ngày nay) bị bắt làm con tin ở “chảo lửa” Vân Tiên (Bình Đào, Thăng Bình, Quảng Nam) suốt 7 giờ đồng hồ. Nếu không có sự can thiệp của lực lượng chức năng thì phóng viên Cẩm Châu không biết tính mạng mình sẽ thế nào.

Theo tường thuật của phóng viên Cẩm Châu, sự việc bắt đầu từ việc khu rừng ven biển ở thôn Vân Tiên (Bình Đào) tự dưng rơi vào quy hoạch được đền bù. Những người không được cấp đất khiếu nại những người được cấp đất (từ 11 năm trước). Sáng 10/1, tôi có mặt tại khu vực những người không được cấp đất đang dựng lều giữ đất 24/24 giờ suốt 1 tháng qua.

Khi vừa đưa máy ảnh lên chụp, ngay lập tức, từ một ngôi mộ gần đó, 3 người phụ nữ xông ra và hét lên: "Ai dám đến đây đo đất, cút ngay!" Một người trong số đó bẻ cành cây xông vào tấn công phóng viên.

Trước sự hung hãn của các đối tượng này, tôi quay đầu chạy. Nhưng đã muộn, họ xốc tới kẹp chặt 2 bên cánh tay, một người ôm ngang lưng giữ chặt tôi. Lúc đó là 10h trưa. Họ hét lạc giọng để báo động cho người khác. Từ bốn phía một số kẻ quá khích xông đến, có người trên tay cầm gậy. Tôi lặp lại cho họ biết mình là ai, đến đây để làm gì. Tuy nhiên ngay sau đó thêm nhiều đàn ông, trai tráng đến. Người thì hét: "Giết nó đi!". Người khác giục: "Trói lại, bỏ xe bò chở vào tỉnh…".

May sau đó, do sự can thiệp của cơ quan công an, phóng viên Cẩm Châu đã được giải thoát sau 7 tiếng bị “cầm tù” bởi đám người quá khích đó.

Còn nhớ, các đây vài năm, Toà án Nhân dân TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử 4 bị cáo liên quan đến vụ lâm tặc hành hung nhà báo Nguyễn Hoàng Dưỡng, nguyên Trưởng Đài truyền thanh - truyền hình huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc. Cũng cách đây không lâu, phóng viên của Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam khi đi làm sự kiện tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng đã bị chủ doanh nghiệp “tạm giữ” vì đã ghi hình chưa “xin phép”. Nhìn lại các vụ việc mới thấy, việc các nhà báo bị cản trở, gây khó dễ và bị hành hung khi tác nghiệp không phải là không có, thậm chí còn thường xuyên.

Từ những sự việc trên cùng nhiều sự việc liên quan đến việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, thu thập thông tin thời gian qua cho thấy: Cuộc chiến chống đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ngày càng cam go, quyết liệt. Và báo chí, kênh thông tin tích cực tham gia chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã và đang gặp phải những lực cản không nhỏ. Trong nhiều trường hợp, lực cản ấy bắt nguồn từ những nhóm lợi ích xã hội khác nhau, các nhóm lợi ích luôn có sự xung đột và không phải họ không hiểu Luật báo chí, không phải họ không hiểu cơ chế tác nghiệp của báo chí mà cái chính là họ sợ những việc mình làm khi được báo chí công khai sẽ bất lợi. Chính vì thế, các nhà báo mới bị hành hung, bị tạm giữ, bị xua đuổi, hăm doạ…

Ngày 6/6/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 56 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, trong đó có những qui định xử phạt khá nghiêm đối với hành vi cản trở, đe doạ nhà báo tác nghiệp.

Điều 12 Nghị định 56 qui định: Ai có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, huỷ hoại phương tiện hoạt động của báo chí sẽ bị phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng. Đối với hành vi đe doạ, uy hiếp tính mạng nhà báo, sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Thời gian qua, một số phóng viên báo chí khi tác nghiệp vẫn bị các đối tượng đe doạ, hành hung, thậm chí gây thương tích nặng. Mặc dù Luật Báo chí và Nghị định 51/CP hướng dẫn thi hành Luật Báo chí qui định: Nghiêm cấm mọi hành vi đe doạ, ngăn cản báo chí tác nghiệp đúng pháp luật. Đã có những trường hợp xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhà báo đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, song vẫn còn không ít kẻ hành hung phóng viên chưa bị xử lý nghiêm mnh.

Trắng trợn hơn nữa, sau khi hành hung phóng viên Thế Dũng, những kẻ phạm pháp còn ngang nhiên chở phóng viên đến trụ sở công an với thách thức: “Để xem có làm được gì?” Quả là hết chỗ nói. Tính chất côn đồ của kẻ phạm tội bộc lộ qúa rõ khi cố tình thách thức các cơ quan công quyền.

Cho đến nay, các nhà báo, phóng viên vẫn tiếp tục bị một số kẻ xấu tấn công, đe doạ, phải chăng do chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ để răn đe cái xấu, cái tiêu cực ?

Từ sự việc các nhà báo bị hành hung, thiết nghĩ cần nâng cao hơn nữa trong quần chúng nhân dân nhận thức về công tác báo chí, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà báo để công chúng hiểu rõ hơn những mục đích cao cả mà báo chí được Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó. Người dân có nhận thức, có hiểu biết rõ hơn về Luật báo chí không những không cản trở các nhà báo tác nghiệp mà còn hỗ trợ, bảo vệ họ trong cuộc chiến đấu chống lại cái xấu, cái tiêu cực ngoài xã hội./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực