Sau nhiều lần trì hoãn, Washington đã công bố chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, với tên gọi Báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân (NPR).
Tuy có những điểm mới so với chính sách hạt nhân của chính quyền tiền nhiệm đưa ra năm 2001, nhưng sự thiếu nhất quán và không có những thay đổi quan trọng cho thấy NPR không thể hiện được quan điểm và tuyên bố của Tổng thống B.Obama. Quan điểm đó là "chấm dứt tư duy thời Chiến tranh lạnh" và "hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân".
Với mục tiêu ngăn chặn khủng bố và phổ biến vũ khí hạt nhân, giảm vai trò của vũ khí hạt nhân, NPR đưa ra những phương hướng chính sách hạt nhân của Mỹ trong mười năm tới. Phương hướng đó gồm các nội dung lớn như: Mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân; cơ cấu các lực lượng hạt nhân; vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia và vai trò của hệ thống phòng thủ tên lửa. NPR từng được chờ đợi trình làng từ tháng 12-2009, bị hoãn tới tháng 2-2010, rồi tới ngày 1-3-2010; và đến ngày 6-3 vừa qua mới chính thức được công bố. NPR được xem là học thuyết hạt nhân mới của Mỹ, học thuyết đầu tiên từ năm 2001 và thứ ba sau Chiến tranh lạnh.
Những "điểm sáng" trong chiến lược hạt nhân của chính quyền Obama có thể dễ nhận ra. Ðó là, Washington lần đầu cam kết một cách rõ ràng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân, nếu các quốc gia đó tôn trọng Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Ðiểm mới này trái ngược chính sách của chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống G.Bush là đe dọa trả đũa hạt nhân trong trường hợp xảy ra tiến công sinh học hay hóa học nhằm vào Mỹ, thậm chí với cả những nước không có vũ khí hạt nhân. Mỹ cam kết chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử trong "những hoàn cảnh thật sự cần thiết" nhằm bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia và các đồng minh. NPR coi chủ nghĩa khủng bố hạt nhân là mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm nhất, hơn cả các nước có vũ khí nguyên tử. Washington sẽ không phát triển các đầu đạn hạt nhân mới, mà củng cố quốc phòng bằng cách tập trung nâng cấp hệ thống vũ khí quy ước, nghĩa là từ bỏ mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm là sản xuất bom hạt nhân có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ngầm (như các cơ sở hạt nhân của Iran). Chính quyền Obama cũng cam kết không tiến hành bất cứ cuộc thử hạt nhân nào nữa và tiếp tục vận động QH Mỹ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT), sau khi Thượng viện bác bỏ từ thập niên 1990, do lo ngại các quốc gia bị Mỹ liệt vào "trục ma quỷ" có thể lợi dụng hiệp ước này.
Nếu chỉ xem xét những điểm mới nói trên trong NPR, có thể cho rằng, Mỹ đã quyết định "giảm tốc" phát triển vũ khí hạt nhân, tiến tới cắt giảm đáng kể kho vũ khí; và rằng giới chức Nhà trắng đang thay đổi cách nhìn về loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này, nhằm hướng tới "một thế giới phi hạt nhân". Tuy nhiên, NPR đã cho thấy sự thiếu nhất quán trong các quan điểm của Washington về chính sách hạt nhân. Washington tuyên bố không sử dụng vũ khí nguyên tử chống các nước phi hạt nhân, nhưng lại đặt điều kiện các quốc gia này tôn trọng NPT. Nghĩa là, các nước nằm ngoài "chuẩn" (vi phạm hoặc rút khỏi NPT, như Iran và CHDCND Triều Tiên) sẽ không được hưởng "đặc quyền" này. Học thuyết cam kết không phát triển đầu đạn hạt nhân mới, nhưng tuyên bố gia hạn sử dụng các thành phần hạt nhân hiện có. NPR cam kết cắt giảm hạt nhân, nhưng khẳng định sẽ "nâng cấp" và "hiện đại hóa" kho vũ khí, nghĩa là không từ bỏ nghiên cứu và phát triển vũ khí nguyên tử. Tuyên bố giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia, nhưng lại tăng cường khả năng tác chiến của vũ khí thông thường. Tổng thống Obama cho biết, chính quyền đang tiến hành những bước đi dứt khoát và cụ thể để giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân, trong khi vẫn duy trì những ưu tiên cho quân đội, ngăn chặn hành động gây chiến và bảo đảm an ninh quốc gia.
Ðiều mà dư luận ủng hộ giải giáp hạt nhân trên thế giới hy vọng là Mỹ từ bỏ quyền răn đe hạt nhân và tiến công phủ đầu, đã không được đề cập rõ ràng trong NPR. Học thuyết hạt nhân của chính quyền Obama dù mới, thì cũng không đi xa đến mức từ bỏ quyền tiến công hạt nhân trong trường hợp an ninh bị đe dọa nghiêm trọng; và còn tuyên bố sẽ duy trì một lực lượng răn đe hùng mạnh và hiệu quả. Trả lời phỏng vấn Thời báo New York, ông Obama khẳng định, vẫn "bảo lưu tất cả những công cụ cần thiết để bảo đảm an ninh cho người dân Mỹ". Ngoài ra, học thuyết hạt nhân mới của Mỹ nhắc lại cam kết bảo vệ các đồng minh trước các cuộc tiến công hạt nhân. Ðiều này cho thấy, Washington đang tìm cách mở rộng "chiếc ô hạt nhân" thông qua hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Việc Washington công bố chiến lược hạt nhân mới diễn ra trước thềm một loạt các hoạt động quan trọng liên quan vấn đề hạt nhân. Ngày 8-4, Tổng thống Obama và Tổng thống Nga D.Medvedev ký hiệp ước START mới, tại Prague, cam kết giảm một phần ba kho vũ khí của mỗi nước trong mười năm tới. Ngày 12 và 13-4, ông Obama chủ trì Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân ở Washington, với hơn 40 lãnh đạo các nước tham dự. Hội nghị cấp cao đánh giá NPT sẽ được tổ chức tháng 5 tới, tại New York. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh chính sách của Tổng thống Obama và khẳng định chính sách này sẽ tạo động lực cho hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân sắp tới. Thủ tướng Nhật Bản Y.Hatoyama đánh giá đây là bước đi đầu tiên của Mỹ tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thủ tướng New Zealand cũng cho rằng, ông Obama đã thực hiện cam kết giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chính sách an ninh của Mỹ...
Tờ Thời báo New York nhận định, chiến lược hạt nhân của Tổng thống Obama là bước đi khôn ngoan, trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi rõ rệt, không còn đơn cực và đã hình thành những trung tâm sức mạnh mới, trong khi xung đột và khủng bố ngày càng nguy hiểm hơn nhiều so với các mối đe dọa truyền thống. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chiến lược hạt nhân mới của ông Obama không phải là bước đột phá, thực chất chỉ mang tính chất sàng lọc, rõ ràng hơn so với chính sách tiền nhiệm, nhưng vẫn chưa thật sự theo hướng tích cực.