Chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc thời kỳ hậu khủng hoảng

Chủ nhật, 23/05/2010 21:41

(ĐCSVN) - Trong quá trình diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù tăng trưởng của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, nhưng quốc gia này lại chịu ảnh hưởng rất ít từ cuộc suy thoái này, đồng thời phục hồi nhanh chóng khi cuộc khủng hoảng qua đi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ gặp phải không ít thách thức trong quá trình phát triển kinh tế.

 

 Kinh tế Hàn Quốc là nền kinh tế năng động.
 (Ảnh tư liệu)

Trước hết, Hàn Quốc khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc cả về chi phí và quy mô sản xuất hàng hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng đòi hỏi nhiều tài nguyên. Thứ hai, về lâu dài, Hàn Quốc không thể chỉ dựa vào sản xuất bởi vì đầu tư vào các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu lao động giảm và tỷ lệ thất nghiệp trong nước gia tăng. Thứ ba, Hàn Quốc phải đối mặt với thách thức nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn.

Trong bối cảnh như vậy, một số chuyên gia cảnh báo, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể giảm xuống còn 3%. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực cơ bản là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải cách ngành dịch vụ và phát triển khu vực thì Hàn Quốc có thể sẽ duy trì mức tăng trưởng trung bình 4% hoặc cao hơn.

Nếu muốn tạo ra nhiều việc làm mới và tiếp tục nâng cao mức sống của người dân trong thời gian tới, thì Hàn Quốc phải ngừng phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất và cần chú trọng hơn vào phát triển các ngành dịch vụ. Như vậy, phát triển các ngành dịch vụ được coi là chìa khóa cho tăng trưởng, việc làm và sự thịnh vượng của Hàn Quốc trong tương lai.

Hàn Quốc đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất và khơi gợi tiềm năng phát triển các ngành dịch vụ của Hàn Quốc như tạo sự đồng thuận trong giới lãnh đạo chính trị và giới doanh nghiệp nhằm thực hiện những thay đổi trong ngành dịch vụ; nới lỏng những quy định gây cản trở cho sự phát triển của dịch vụ; khẳng định vai trò lãnh đạo của các nhà hoạch định chính sách trong chính phủ và giới doanh nghiệp đối với cuộc cải cách.

Hiện Hàn Quốc khó có thể thực hiện được mục tiêu trở thành một trong bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt là với sự cạnh tranh của Nhật Bản và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia BRIC. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể đạt được nếu Hàn Quốc thực hiện theo các đề xuất sau:

Một là, chọn lựa các công nghệ có thể giúp Hàn Quốc đứng trong tốp nước đi đầu thế giới như công nghệ thông tin, công nghệ nano, khoa học đời sống, cơ khí, năng lượng và môi trường, máy móc hiện đại và dược phẩm. Đây sẽ là chìa khóa đưa nền kinh tế Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

Hai là, thắt chặt các thị trường vốn. Các thị trường tài chính của Hàn Quốc có mô hình tương tự như của Mỹ, trong đó tập trung chủ yếu vào tự do hóa nhằm giúp nền kinh tế tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và vốn nước ngoài.

Ba là, thúc đẩy can dự vào Trung Quốc. Đã đến lúc Hàn Quốc xây dựng các mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc hơn là coi Trung Quốc như một đối tác có vị thế kém hơn mình. Sự gần gũi về mặt địa lý và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở Trung Quốc là cơ hội tốt để Hàn Quốc mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Bốn là, biến Bắc Triều Tiên thành một tài sản về kinh tế. Với ưu thế về vốn và công nghệ, Hàn Quốc có thể tăng cường đầu tư vào Bắc Triều Tiên để tận dụng ưu thế lao động giá rẻ ở quốc gia này. Nếu hợp tác với nhau, hai quốc gia này có thể tạo nên một sức mạnh kinh tế trên toàn bán đảo. Thực tế, sự can dự sâu rộng này có thể giúp Bắc Triều Tiên tăng cường sức mạnh của đảng cầm quyền trong khi nâng cao mức sống của người dân.

Năm là, đưa ra các sáng kiến thúc đẩy sự phát triển các thể chế kinh tế và chính trị liên châu Á. Sự e ngại của các cường quốc đối với vai trò lãnh đạo khu vực là cơ hội để Hàn quốc khẳng định vai trò tương lai của mình. Hơn nữa, việc thúc đẩy các thể chế kinh tế và chính trị liên châu Á sẽ giúp Hàn Quốc tránh được những tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột giữa các cường quốc, đồng thời duy trì được các cơ hội kinh tế trong tương lai, đặc biệt là cơ hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cường quốc láng giềng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực