|
Người dân Yemen tranh nhau mua lương thực |
Hội nghị quốc tế về Yemen vừa diễn ra ở Luân Ðôn (Anh) với sự tham dự của các bộ trưởng từ hơn 20 nước phương Tây và vùng Vịnh, đã cam kết sát cánh cùng Yemen chống lực lượng Hồi giáo cực đoan và ngăn chặn mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Với hiện thực diễn ra ở Yemen, "cuộc chiến chống khủng bố" trên mặt trận mới này sẽ rất phức tạp.
Yemen rơi vào xung đột và bạo lực kéo dài trên cả hai miền đất nước. Chính quyền Yemen vừa phải chống lực lượng nổi dậy Huthi ở phía bắc, vừa đối mặt lực lượng ly khai ở miền nam. Năm 2004, các cuộc xung đột với quân nổi dậy Huthi nổ ra khi lực lượng người sắc tộc Zaidi thiểu số theo dòng Shiite ở vùng núi phía bắc này đòi khôi phục chế độ cai trị của giới giáo sĩ Zaidi đã bị lật đổ năm 1962. Cuộc xung đột làm khoảng 200 nghìn người mất nhà ở. Ðến tháng 6-2007, hai bên đã ký hiệp định ngừng bắn, song đến tháng 7-2008 xung đột bùng nổ trở lại và ngày càng gia tăng kể từ khi chính phủ mở các chiến dịch truy quét quân nổi dậy từ tháng 7-2009 . Trong khi đó, ở tỉnh Dale ở miền nam Yemen, làn sóng phản đối chính phủ, đòi ly khai ngày càng gia tăng. Sau khi thống nhất hai miền nam-bắc vào năm 1990, người dân miền nam Yemen bất mãn với chính sách của chính quyền T.Ư, cho rằng bị phân biệt đối xử và nguồn lợi tài nguyên rơi vào tay người miền bắc. Trải qua nhiều năm nội chiến, sự chia rẽ dân tộc sâu sắc, nền kinh tế Yemen kém phát triển nhất thế giới A-rập. Mặc dù nằm ở khu vực giàu dầu mỏ, nhưng việc khai thác bị đình trệ, cơ sở hạ tầng yếu kém, chỉ 42% dân số có điện và 26% dân số có nước sạch, tỷ lệ thất nghiệp cao khoảng 34%. 60% trong tổng số 24 triệu dân Yemen sống trong cảnh đói nghèo. Bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội kéo dài khiến Yemen gặp khó khăn trong đối phó các phần tử nổi dậy và trở thành địa bàn hoạt động "lý tưởng" cho lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Yemen có vị trí địa-chính trị rất quan trọng. Nằm ở nam bán đảo A-rập, phía bắc Yemen giáp A-rập Xê-út, phía đông giáp Oman, phía tây có biển Ðỏ và phía nam nhìn ra vịnh Aden, tuyến đường biển quốc tế nhộn nhịp. Với diện tích gần 530 nghìn km2, Yemen là quốc gia rộng lớn, có nhiều núi, địa hình hiểm trở, là "nơi trú ẩn an toàn" cho lực lượng khủng bố. Yemen là quê hương của trùm khủng bố O.Bin Laden, được nhận định là có nhiều điểm tương đồng với Afghanistan và Pakistan. Từ hơn một năm nay, các cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu tỏ ra lo ngại trước xu hướng nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan đã đến Yemen. Al Qaeda là mối đe dọa trực tiếp đối với nước láng giềng A-rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và có chung 1.500 km đường biên giới với Yemen. Tháng 11-2009, A-rập Xê-út mở chiến dịch truy đuổi các phần tử nổi dậy của Yemen sau khi lực lượng này xâm nhập lãnh thổ A-rập Xê-út. Bị tiến công mạnh ở Afghanistan, Pakistan và A-rập Xê-út, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã đổ về Yemen và lên kế hoạch tiến công trả đũa các lợi ích của Mỹ và phương Tây không chỉ trên đất Yemen mà còn ở bên ngoài biên giới nước này. Theo tin tức tình báo của Mỹ và phương Tây, kể từ tháng 1-2009, hai chi nhánh của Al Qaeda ở A-rập Xê-út và Yemen đã sáp nhập với nhau để mở các khóa đào tạo tiến công khủng bố. Các tay súng ở Yemen liên kết với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Somalia, Afghanistan, Pakistan để thành lập một lực lượng gây mất ổn định từ châu Á tới châu Phi. Phong trào nổi dậy Al Shabaab ở Somalia tuyên bố sẵn sàng gửi quân tiếp viện tới Yemen nếu Mỹ tiến hành cuộc chiến tại đây.
Hội nghị các nhà tài trợ ở Luân Ðôn nhất trí hỗ trợ Yemen về an ninh và kinh tế nhằm giúp chính phủ nước này đối mặt các thách thức, tiến hành cải cách kinh tế, xã hội, chống đói nghèo, ngăn chặn lực lượng Hồi giáo cực đoan. Theo đó, cộng đồng quốc tế tăng cường trợ giúp Chính phủ Yemen xây dựng cơ sơ pháp luật, lập pháp, tăng cường an ninh hàng không và biên giới nhằm giúp nước này chống khủng bố. Hội nghị cũng đưa ra cam kết tôn trọng chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của Yemen. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton cho rằng, thế giới phải nỗ lực nhiều hơn để giúp người dân Yemen, quốc gia nghèo nhất thế giới A-rập chống các phần tử cực đoan. Theo Thủ tướng Yemen A.M.Mujawar, nước này cần tới 40 tỷ USD tài trợ. Ðể hiện thực hóa các cam kết, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng thông báo A-rập Xê-út sẽ đăng cai tổ chức hội nghị các nhà tài trợ cho Yemen vào ngày 22 và 23-2 tới.
Chính quyền Mỹ đang xem xét việc tăng cường trợ giúp Yemen trong việc trấn áp Al Qaeda.Tờ Bưu điện Washington cho biết, Tổng thống Mỹ B.Obama đã thông qua các chiến dịch tình báo và quân sự bí mật chung giữa Mỹ và quân đội Yemen. Các cố vấn Mỹ đã hỗ trợ việc lên kế hoạch, phát triển chiến thuật và cung cấp vũ khí. Ngoài ra, Mỹ cũng chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với các lực lượng Yemen, bao gồm việc giám sát bằng điện tử, video, bản đồ địa hình ba chiều và việc phân tích về mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Trước đó, giới chức Mỹ cho biết, chính quyền Obama có kế hoạch tăng gấp hai lần viện trợ quân sự cho Yemen để đối phó Al Qaeda thông qua một chương trình viện trợ kinh tế giúp ngăn chặn các hoạt động lôi kéo, chiêu mộ tân binh của mạng lưới khủng bố quốc tế này. Cùng với hợp tác quân sự, trong đó có việc giúp Yemen huấn luyện quân đội và hỗ trợ lực lượng chống khủng bố, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Văn phòng Phát triển quốc tế Mỹ để đưa ra một gói tái thiết và phát triển tập trung vào tầng lớp thanh niên ở vùng nông thôn và bộ lạc với hy vọng việc phát triển kinh tế dài hạn sẽ giúp chấm dứt sự lôi kéo thanh niên Yemen gia nhập Al Qaeda.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù được sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, song Yemen đứng trước thách thức hết sức khó khăn khi không chỉ giải quyết những yếu kém về kinh tế, xã hội trong nước mà còn phải ngăn chặn Al Qaeda đang mở rộng chân rết trên khắp bán đảo A-rập, trong khi với sự liên kết của các nhánh Al Qaeda ở Somalia, A-rập Xê-út và Yemen.