Chính sách Nam Á của Mỹ có gì mới?

Thứ ba, 27/07/2010 17:05

Nhận thức khu vực Nam Á tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, Mỹ đang tìm cách sớm ổn định tình hình và từng bước rút quân khỏi Afghanistan để tránh bị sa lầy; đồng thời tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Pakistan để chia sẻ trách nhiệm tại khu vực.

Ổn định và cân bằng quyền lực tại Trung Đông và Nam Á

 
 Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng
Ấn Độ Manmohan Singh. Ảnh: Getty
Chính phủ Mỹ hiện đang xem xét lợi ích của mình tại Trung Đông và Nam Á, tìm cách duy trì tình hình ổn định ở mức độ cao nhất, cân bằng quyền lực trong số các cường quốc khu vực để ngăn chặn sự bành trướng sức mạnh ra bên ngoài các nước này.

Các chiến dịch quân sự liên tiếp đã tiêu diệt khả năng mở rộng các cuộc tấn công ra ngoài khu vực của Al Qaeda. Tuy không còn đe doạ vượt ra ngoài nơi ẩn náu ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan, nhưng lực lượng Al-Qaeda vẫn còn rất nguy hiểm.

Tăng cường nhưng thận trọng trong quan hệ với Pakistan

Cuối năm 2009, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận khoản viện trợ 7,5 tỷ USD từ Quỹ viện trợ phi quân sự cho Pakistan trong 5 năm tới. Đầu năm 2010, Tổng thống Obama tìm cách tăng số tiền viện trợ cho Pakistan để thúc đẩy ổn định kinh tế và chính trị trong các khu vực có tầm quan trọng chiến lược mà Mỹ có lợi ích an ninh đặc biệt. Tổng thống Obama còn đề nghị khoản viện trợ 3,1 tỷ USD trong năm 2010 để giúp Pakistan đánh bại Al Qaeda.

Tháng 2/2010, Đại sứ Mỹ tại Pakistan A. Patterson cho rằng, tăng cường quan hệ quân sự của Mỹ với Pakistan là ưu tiên hàng đầu. Mỹ và Pakistan có mối quan hệ hợp tác hiệu quả để phục vụ lợi ích của hai nước.

Theo kế hoạch, 4 máy bay chiến đầu F-16 mới và 50 quân nhân Mỹ đã đến Pakistan vào tháng 6/2010. Hiện có khoảng 200 binh lính Mỹ tham gia trợ giúp an ninh tại Pakistan bao gồm huấn luyện tác chiến đặc biệt và tham mưu cố vấn. CIA đã gửi thêm nhân viên và thiết bị kỹ thuật thu thập tin tức tình báo đến Pakistan để thành lập trung tâm xử lý tin tức tình báo quân sự chung.

Đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ- Ấn

Tiến triển của quan hệ Mỹ - Ấn là một trong những phát triển đáng kể nhất trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Ngay từ đầu, Chính quyền Obama đã tập trung hết sức để xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ này, bắt đầu bằng chuyến thăm New Dehli của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và chuyến thăm Washington cấp nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ Singh. Gần đây nhất, Thủ tướng Manmohan Singh khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An toàn Hạt nhân đã hội đàm với Thủ tướng Obama.

Quan hệ Mỹ - Ấn đã phát triển theo đúng quỹ đạo. Hợp tác quốc phòng hai nước được tăng cường và mở rộng tạo điều kiện hỗ trợ vai trò an ninh quốc tế rộng lớn của Ấn Độ. Thị phần của Mỹ trong việc hiện đại hóa quốc phòng của Ấn Độ rất thực tế và ngày càng gia tăng. Thương mại quốc phòng hai nước đã tăng vọt kể từ hai bên ký thỏa thuận khung năm 2005.

Hiện nay, hai công ty Mỹ nằm trong số các đối thủ cạnh tranh hàng đầu để bán 126 máy bay chiến đấu hiện đại trị giá 10 tỷ USD cho Không quân Ấn Độ. Đây là gói thầu quốc phòng lớn nhất thế giới. Hai bên đã hoàn thành nhiều thỏa thuận cơ bản quan trọng như thỏa thuận cung cấp hậu cần cơ bản để mở rộng cánh cửa cho sự hợp tác song phương lớn hơn.

Khuyến khích Ấn Độ - Pakistan đàm phán giải quyết bất đồng

Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton cho biết, Washington không có ý định làm trung gian hoà giải giữa Ấn Độ và Pakistan mà chỉ có thể khuyến khích hai nước giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua đàm phán. Ngày 24/3/2010, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pakistan S. M. Quereshi sau vòng đối thoại chiến lược, bà H.Clinton cho biết, giải pháp cho vấn đề quan hệ Ấn Độ-Pakistan được cộng đồng quốc tế quan tâm. Điều quan trọng là Mỹ có quan hệ tích cực với cả Ấn Độ và Pakistan, và tất nhiên, Mỹ khuyến khích hai bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Chiến lược không để Mỹ bị sa lầy ở Afghanistan

Một trong những mục tiêu của chiến lược Afghanistan - Pakistan của Washington là tránh rơi vào tình trạng sa lầy ở khu vực và ngăn chặn ở 4 cấp độ xung đột gồm: Afghanistan, Pakistan, khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan và quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Các nhà phân tích khu vực đánh giá, chiến lược Afghanistan - Pakistan là hành động mở đầu cho việc rút khỏi Afghanistan của Mỹ, trong đó nhấn mạnh vào 7 nhóm giải pháp như: Rút lực lượng, tăng quân, tái thiết Afghanistan, xây dựng thể chế an ninh quốc gia của Afghanistan, chuyển giao quyền lực cho Chính phủ Afghanistan, giải quyết vấn đề Taliban, ngăn chặn nguồn tài trợ của khủng bố và nổi dậy.

Tăng cường vai trò của Ấn Độ ở Afghanistan

Ấn Độ có thể đóng vai trò tích cực trong đào tạo và xây dựng khả năng cho lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan, tiếp tục chương trình trợ giúp tại Afghanistan. Trong chiến lược ngoại giao được chỉnh sửa, Ấn Độ có thể phối hợp với các cường quốc thành lập một nhóm khu vực gồm Mỹ, Nga, EU, Ấn Độ, Iran, các nước cộng hoà Trung Á và Trung Quốc. Ấn Độ có thể đóng vai trò đầu tàu để tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đối với LHQ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Nam và Trung Á, R. Blake cho biết, Mỹ rất hoan nghênh những việc mà Ấn Độ đã trợ giúp cho Afghanistan và mong muốn Ấn Độ sẽ tiếp tục các hành động như vậy. Vai trò của Ấn Độ là một phần rất quan trọng đối với nỗ lực giúp đỡ ổn định Afghanistan của cộng đồng quốc tế.

Như vậy, chính sách của Mỹ xuất phát từ nhận định rằng khu vực Nam Á tiềm ẩn mối đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của mình bởi lực lượng Taliban và Al Qaeda. Do vậy, Mỹ chủ trương sớm ổn định tình hình khu vực, vô hiệu hoá lực lượng nổi dậy và khủng bố, từng bước rút quân khỏi Afghanistan để tránh bị sa lầy. Tập trung thực hiện chiến lược Afghanistan - Pakistan, tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Pakistan để hai nước này chia sẻ trách nhiệm với Mỹ tại khu vực./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực