(ĐCSVN) – Ngày 22/2, Iran đã công bố kế hoạch xây dựng hai cơ sở làm giàu uranium mới tại các khu vực sâu trong núi nhằm đảm bảo khỏi nguy cơ bị tấn công. Động thái này của Tehran được dư luận ví là một thách thức mới đối với các cường quốc phương Tây trước nỗ lực ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran với lo ngại rằng nước Cộng hoà Hồi giáo này đang bí mật theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự.
|
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong một chuyến thăm cơ sở hạt nhân Natanz (Ảnh:AP) |
Hãng tin AP trích lời ông Ali Akbar Salehi, phó Tổng thống kiêm người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran tiết lộ về khả năng nước này sẽ xây thêm hai nhà máy tinh chế uranium mới, bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, ông Salehi cũng cho biết thêm rằng những cơ sở hạt nhân nói trên sẽ được xây dựng trong vùng núi kiên cố để chống lại các âm mưu tấn công từ bên ngoài. Theo quan chức này, các nhà máy sẽ sử dụng những cỗ máy ly tâm làm giàu uranium hoàn toàn mới và tiên tiến. Đây là những nhà máy đầu tiên trong số 10 cơ sở làm giàu uranium với quy mô công nghiệp trong kế hoạch được Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad công bố tháng 11 năm ngoái.
Cũng theo nhận định của ông Salehi thì quyết định này của Iran có thể sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” trước lo ngại của các cường quốc phương Tây rằng việc phát triển công nghệ làm giàu uranium sẽ cho phép Tehran tăng cường quy mô của chương trình hạt nhân mà nước này đang theo đuổi.
Trong khi đó, ngày 22/2 hãng thông tấn ISNA cũng trích lời của ông Salehi trong đó nhấn mạnh đến khả năng Iran sẽ bắt đầu công việc xây dựng hai cơ sở làm giàu uranium này trong năm mới theo lịch của người Iran (bắt đầu từ 21/3) theo như đúng yêu cầu của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Từ lâu, Israel vẫn coi chương trình hạt nhân của Iran là một mối đe doạ chiến lược, đồng thời vẫn khuyến cáo đến khả năng sẽ thực hiện các vụ không kích nhằm vào nước Cộng hoà Hồi giáo này nếu như những áp lực từ phía cộng đồng quốc tế là không đủ để Tehran từ bỏ các nỗ lực phát triển hạt nhân.
Trên thực tế, trong quá khứ, Israel đã từng thực hiện những vụ không kích với mục đích nhằm hạn chế những nỗ lực phát triển hạt nhân. Cụ thể, cuộc không kích do người Israel thực hiện năm 1981 đã phá huỷ một lò phản ứng đang được xây dựng dở tại Iraq. Tháng 9/2007, Israel cũng đã tấn công một địa điểm bị nghi ngờ là nơi xây dựng của một cơ sở hạt nhân tại Syria.
Trong thời gian trở lại đây, chương trình làm giàu uranium của Iran đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh cãi quốc tế. Mỹ và một số nước đồng minh phương Tây vẫn cáo buộc rằng Iran đang theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Về phần mình, Iran vẫn một mực bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm phục vụ cho các mục tiêu dân sự.
Tháng 9/2009, Iran cũng tiết lộ một cơ sở hạt nhân hoàn toàn bí mật với thế giới trước đó, được đặt tại vùng núi hẻo lánh gần thành phố linh thiêng Qom. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh lo ngại rằng Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí hủy diệt, đồng thời, đang tìm cách gây sức ép để Liên hợp quốc gia tăng cấm vận Tehran vì vấn đề này.
Theo ông Salehi thì hai cơ sở làm giàu uranium mới của Iran sẽ có quy mô nhỏ hơn, tuy nhiên năng lực sản xuất của các cơ sở này lại tương đương với cơ sở Natanz. Cụ thể, hai cơ sở làm giàu uranium mới này sẽ được lắp đặt thêm nhiều máy ly tâm tiên tiến hơn, vì thế, đòi hỏi ít không gian hơn để cho ra một số lượng uranium tương tự như sức sản xuất của cơ sở Natanz.
Tính cho tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 8.600 máy ly tâm được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz, tuy nhiên, chỉ có 3.800 máy ly tâm trong số này đang được kích hoạt. Theo số liệu tính toán của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì con số máy ly tâm cuối cùng mà Iran có kế hoạch lắp đặt tại cơ sở Natanz lên tới 54.000 chiếc.
Đầu tháng 2/2010, Iran công bố cho ra mẻ uranium đầu tiên được làm giàu ở cấp độ 20% và điều này đã càng khiến Mỹ cùng một số nước đồng minh bỏ ra nhiều nỗ lực hơn để hối thúc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran./.