Tổng thống Ô-ba-ma phát biểu trước
các
binh lính Mỹ tại căn cứ quân sự Ba-gram. |
Chuyến công du chớp nhoáng của Tổng
thống Mỹ Ô-ba-ma tới Áp-ga-ni-xtan chỉ trong 6 giờ đồng hồ xem ra là quá ít ỏi
so với một núi công việc mà Oa-sinh-tơn cần giải quyết tại đây sau 8 năm can dự
vào cuộc chiến ở quốc gia này.
Chuyến đi được giữ bí mật tới phút chót vì lý do an ninh,
thậm chí, lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan cũng chỉ được biết trước một tiếng khi chiếc
chuyên cơ "Air force 1" chở ông Ô-ba-ma hạ cánh xuống nơi Ta-li-ban
từng thống trị này. Ngay cả chương trình nghị sự cũng không được tiết lộ.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tiến trình chính trị tại
Áp-ga-ni-xtan hầu như giậm chân tại chỗ và quốc gia này vẫn là thiên đường của
bạo lực, ma túy và tham nhũng sau nỗ lực tái thiết và vãn hồi trật tự của
Oa-sinh-tơn trong 8 năm qua. Trong khi đó, những tổn hại mà Mỹ phải gánh chịu
từ cuộc chiến này đang ngày một gia tăng, trong đó không gì đắt bằng sinh mạng
các lính Mỹ. Cùng với thời điểm ông Ô-ba-ma thực hiện chuyến thăm
Áp-ga-ni-xtan, Lầu Năm Góc công bố số liệu đã có 57 lính Mỹ thiệt mạng tại quốc
gia này trong 2 tháng đầu năm 2010, tăng hơn hai lần so với cùng kì năm ngoái.
Theo số liệu mới đây của trang Web độc lập ww.icasualties.org, tổng số lính Mỹ
thiệt mạng tại Áp-ga-ni-xtan kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, đã lên tới 1.000
người, trong đó riêng năm 2009 đã có 316 lính Mỹ tử trận, tăng gấp đôi so với
năm trước đó. Trong chuyến thăm, ngoài cuộc gặp với Tổng thống Á-ga-ni-xtan
Ha-mít Ca-dai cùng nội các nhằm thúc đẩy nỗ lực chống ma túy, tham nhũng của
chính phủ, ông Ô-ba-ma còn tới căn cứ quân sự Mỹ Ba-gram ở Bắc Ca-bun để “lên
dây cót” tinh thần cho binh sĩ Mỹ.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Ha-mít Ca-da và nội các
Áp-ga-ni-xtan, ông Ô-ba-ma nói rằng ông thấy có tiến bộ trong những nỗ lực của
Áp-ga-ni-xtan nhưng ông muốn thấy nhiều tiến bộ hơn nữa. Nội các nước này cần
nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng và cải thiện chính phủ. Tuy nhiên, trở
về Mỹ sau chuyến thăm, phát biểu trên truyền hình, ông Ô-ba-ma đã thừa nhận
tiến trình ở Áp-ga-ni-xtan là “quá chậm”. Tổng thống Ô-ba-ma cũng nhân cơ hội
củng cố niềm tin với Áp-ga-ni-xtan với cam kết sẽ không “bỏ rơi” Áp-ga-ni-xtan
và nhấn mạnh tới mối quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ vẫn được duy trì.
Tới căn cứ Ba-gram, phát biểu trước các binh sĩ Mỹ, Tổng tư
lệnh Ô-ba-ma không quên nhắc lại thông điệp mà không rõ ông đã nhấn mạnh bao
nhiều lần. Đó là an ninh của Mỹ được định đoạt ở Áp-ga-ni-xtan và rằng, nhiệm
vụ của các binh sĩ Mỹ là cần thiết và quan trọng đối với an ninh của người Mỹ.
Ông Ô-ba-ma nói, cuộc sống của nhân dân Mỹ sẽ gặp nguy hiểm nếu Ta-li-ban giành
lại quyền kiểm soát Áp-ga-ni-xtan. Ông cũng thừa nhận không thể tránh được
những khó khăn trước mắt trong cuộc chiến tranh kéo dài ở Áp-ga-ni-xtan nhưng
khẳng định “Mỹ sẽ không từ bỏ cuộc chiến và sẽ thắng”.
Tổng tư lệnh Ô-ba-ma đã củng cố niềm tin chiến thắng trong
cuộc chiến chống quân nổi dậy Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan với lời hứa sẽ đảm
bảo hỗ trợ từ trong nước đối với các binh lĩnh Mỹ, cung cấp cho quân đội các
trang bị cần thiết. Song có điều, ông Ô-ba-ma không hề đề cập tới ngày rút quân
trong bài phát biểu tại Ba-gram mặc dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ bắt đầu
rút quân Mỹ khỏi nước này vào tháng 7-2011.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Ô-ba-ma đã tuyên bố sẽ triển
khai thêm hơn 30.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt
Ghết mới đây cho biết đã sẵn sàng cho đợt bổ sung quân lần thứ ba tới chiến
trường này với 10.000 bính sĩ. Hiện Mỹ và NATO đã triển khai hơn 121.000 quân
tại Áp-ga-ni-xtan, và có kế hoạch đến tháng 8 tới sẽ tăng lên đến 150.000 quân.
Kế hoạch tăng quân này của Mỹ cho thấy Oa-sinh-tơn không dễ trút bỏ gánh nặng
Áp-ga-ni-xtan trong nhiệm kỳ của ông Ô-ba-ma. Và gánh nặng sẽ còn nặng hơn nữa
bởi thực tế đã chứng minh, số lính Mỹ chết trận tại Áp-ga-ni-xtan tỉ lệ thuận
với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây.
Chuyến thăm lần đầu tiên trên cương vị tổng thống tới
Áp-ga-ni-xtan này là cơ hội để ông Ô-ba-ma khẳng định quyết tâm thực hiện lời
hứa tranh cử. Ông Ô-ba-ma bị chỉ trích gần đây đã quá tập trung vào kế hoạch
cải tổ y tế mà sao lãng việc triển khai chính sách đối ngoại, trong đó có vấn
đề Áp-ga-ni-xtan. Áp-ga-ni-xtan là một trong những nội dung trọng tâm trong
chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Ô-ba-ma. Ông từng tới
Áp-ga-ni-xtan vào năm 2008 để vận động cho chiếc ghế tổng thống.
Đây cũng là cơ hội để ông tranh thủ thêm sự ủng hộ từ phe
Cộng hòa cũng như người dân Mỹ. Bởi hiện nay mặc dù bị phe Cộng hòa phản đối
nhiều chương trình hành động, song ông Ô-ba-ma vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ
của họ cho những nỗ lực ở Áp-ga-ni-xtan. Ngoài ra, sự ủng hộ của công chúng Mỹ
đối với chính sách Áp-ga-ni-xtan của Tổng thống Ô-ba-ma ngày càng tăng lên.
Thăm dò mới nhất của AP và GfK thực hiện trong tháng 3 cho thấy có 57% ý kiến
ủng hộ cách điều hành của ông trong cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan, tăng so với 49%
hai tháng trước đó.