Chuyến đi không mang nhiều hy vọng

Thứ ba, 26/01/2010 15:11

Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông kể từ khi được bổ nhiệm đã có gần 10 chuyến công du tới khu vực này. Tuy nhiên, tất cả các chuyến công du này đều thất bại khi ông không thuyết phục được các bên vào bàn đàm phán.

Trong suốt tuần này, đặc phái viên của Mỹ George Mitchell có chuyến công du tới Trung Đông nhằm thúc đẩy tiến trình hoà bình. Đây là một trong rất nhiều chuyến công du của ông Mitchell kể từ khi lên nhậm chức cách đây gần 1 năm. Các chuyến thăm trước đó, ông Mitchell đều thất bại. Do đó, chuyến thăm này không khiến dư luận khu vực quan tâm bởi họ không mấy kỳ vọng vào chuyến thăm này.

Được bổ nhiệm chức vụ đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông ngay sau khi Tổng thống Obama nhậm chức, ông Mitchell đã có gần 10 chuyến công du tới vùng đất luôn là điểm nóng trên thế giới. Nhưng tất cả các chuyến công du này đều thất bại khi ông Mitchell không thuyết phục được các bên ngồi vào bàn đàm phán.


Chuyến công du Trung Đông lần này của ông Mitchell
cũng không được kỳ vọng mang lại kết quả

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, đặc phái viên của Mỹ George Mitchell đã lần lượt tới Lebanon, Syria, Israel và Palestine. Trong cuộc gặp với lãnh đạo các nước, ông Mitchell luôn khẳng định, Mỹ nỗ lực phục hồi các cuộc đàm phán hoà bình. Tuy nhiên, ông Mitchell cũng phải thừa nhận đây là nhiệm vụ cực kỳ “khó khăn và phức tạp”.

Phát biểu trong cuộc gặp với các quan chức Israel và Lebanon cũng như Syria, ông Mitchell khẳng định “đây là công việc khó khăn nhưng ông sẽ nỗ lực thực hiện tầm nhìn của Tổng thống Obama là mang lại hoà bình toàn diện cho khu vực Trung Đông”.

Tuy nhiên, trước chuyến thăm này, báo chí Israel bình luận, ông Mitchell tới khu vực mà không mang theo sáng kiến hay đề xuất mới nào. Điều này khiến người ta hiểu rằng Mỹ vẫn chưa có giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine, và chuyến công du này cũng chỉ tương tự các chuyến công du trước của ông Mitchell.

Không phải tự nhiên báo chí Israel và khu vực bi quan về chuyến thăm này của ông Mitchell. Thứ nhất, do những thất bại của các chuyến thăm trước đó. Thứ hai, cuộc đàm phán hoà bình Israel - Palestine đã ngưng trệ hơn một năm nay. Thứ ba, ngay cả khi ông Mitchell đang ở khu vực, Israel và Palestine vẫn có những xung đột mới. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố, Israel muốn duy trì lực lượng quân đội ở biên giới phía đông (khu vực thung lũng sông Jordan) nhà nước Palestine trong tương lai sau khi đạt được thoả thuận hoà bình. Palestine ngay lập tức đã phản đối điều này. Đó là chưa kể tới vấn đề khu định cư vẫn đang là mấu chốt của cuộc đàm phán.

Tổng thống Ai Cập Husni Mubarak khẳng định, vấn đề khu định cư là cốt lõi của xung đột ở Trung Đông. Từ hơn một năm nay, vấn đề này vẫn là chủ đề chính được đề cập giữa Israel và Palestine nhưng không có một giải pháp nào được chấp thuận. Hồi tháng 10/2009, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp thuận ngừng tạm thời việc xây dựng khu định cư ở Bờ Tây trong vòng 10 tháng trừ Jerusalem. Nhưng phía Palestine liên tiếp khẳng định chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Israel ngừng toàn bộ việc xây dựng các khu định cư trên vùng đất chiếm đóng năm 1967.

EU, Liên Hợp Quốc, Nhóm Bộ Tứ, các nước A rập và đặc biệt là Mỹ đã nỗ lực hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột này nhưng vẫn không có gì tiến triển.

Bài diễn văn của Tổng thống Obama ở Cairo hồi giữa tháng 6 tưởng như mọi thứ có thể tháo gỡ dễ dàng và những hy vọng về hoà bình lại lóe lên dù vẫn còn nhiều hoài nghi. Nhiều người nói rằng “ông ấy nói rất hay nhưng chúng tôi muốn nhìn thấy ông làm”. Nhưng đã hơn 7 tháng kể từ sau bài diễn văn đó, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi khiến dư luận khu vực Trung Đông càng thêm hoài nghi về vai trò của Mỹ trong giải quyết xung đột Israel và Palestine. Nhiều người cho rằng, Mỹ không gây sức ép thực sự với Israel bởi đây là đồng minh thân cận của họ ở khu vực Trung Đông.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chuyến công du Trung Đông lần này của đặc phái viên Mitchell không được kỳ vọng. Chưa có tuyên bố chính thức nào về thành công hay thất bại về chuyến thăm này. Nhưng chuyến công du của ông Mitchell đã đi hết 4/5 chặng đường trừ Jordan nhưng vẫn chưa mở ra tia hy vọng nào. Tất cả vẫn là nỗ lực thúc đẩy.

Nếu chính quyền Mỹ vẫn chỉ nói mà không đưa ra giải pháp nào khả quan thì cuộc xung đột Israel - Palestine còn kéo dài và người dân Israel cũng như Palestine tiếp tục sống trong mòn mỏi hy vọng về hoà bình./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực