Vì trước đây, ông Trump đã từng tuyên bố “NATO đã trở nên lỗi thời”, rằng Mỹ có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ các đồng minh, nếu họ không đóng góp nhiều hơn cho NATO, nhưng giờ đây sau hơn hai tháng cầm quyền, khi triển khai chính sách đối ngoại chính quyền của Tổng thống D. Trump lại có sự thay đổi đáng kể, khiến giới nghiên cứu và dư luận hết sức quan tâm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP/TTXVN)
Từ phê phán đến ủng hộ… Trong quá trình tranh cử, ông D.Trump từng chỉ trích “NATO đã trở nên lỗi thời”. Ông Trump phàn nàn rằng, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương ứng.
Tuy nhiên, khi triển khai chính sách đối ngoại, Washington lại có sự điều chỉnh đáng kể, thể hiện ngay trong các chuyến thăm châu Âu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Ngày 18/2, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao của Washington dưới thời Tổng thống D.Trump tại Hội nghị An ninh Quốc tế diễn ra ở thành phố Munich (Đức), ông Pence nêu rõ: “Tổng thống Trump đã yêu cầu tôi truyền đạt một thông điệp khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ NATO và chúng tôi sẽ không dao động trong cam kết của mình đối với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này”.
Ông Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định, chính quyền mới vẫn coi trọng NATO, nhưng Mỹ không bám giữ vào NATO bằng mọi giá như từ trước tới nay mà đòi hỏi các thành viên phải chấp nhận trả giá đắt hơn.
Còn Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson lại khẳng định: “Các cam kết của Mỹ đối với NATO vẫn sẽ vững vàng và liên minh này vẫn là nền tảng để đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương. Chúng tôi hiểu rằng một mối đe dọa đối với một trong các thành viên của NATO thì cũng là mối đe dọa đối với cả khối và do đó chúng tôi sẽ phản ứng”. Ông Tillerson nhấn mạnh rằng: “Tổng thống ủng hộ NATO. Quốc hội Mỹ ủng hộ NATO”.
Kiên định yêu cầu đóng góp…
Theo giới quan sát, một trong những quan điểm nhất quán của Washington đối với NATO là vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng của các thành viên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mattis cho rằng: “Sẽ không có chuyện người dân Mỹ è cổ đóng thuế để Chính phủ Mỹ đóng góp phần “lớn bất thường” trong việc bảo vệ các giá trị phương Tây”, rằng: “Mỹ không thể quan tâm đến việc bảo vệ an ninh cho thế hệ con cháu của các bạn hơn chính bản thân các bạn”.
Phó Tổng thống Mỹ, ông Pence còn cảnh báo các đồng minh rằng họ phải đóng góp phần ngân sách thỏa đáng để hỗ trợ NATO, đồng thời lưu ý rằng nhiều nước thiếu “một đường lối rõ ràng và đáng tin cậy” để thực hiện việc này.
Ông Mattis nhấn mạnh, Mỹ “sẽ phải thay đổi cam kết của mình” đối với NATO nếu các nước thành viên khác không đáp ứng được đòi hỏi về nghĩa vụ đóng góp. Tương tự như vậy, ông Tillerson cũng nhấn mạnh tất cả 28 thành viên của NATO phải chi ít nhất 2% trong GDP mỗi nước cho ngân sách hoạt động quân sự.
Trong một tuyên bố trên Twitter cá nhân, ông D.Trump cho biết đã có một cuộc gặp tuyệt vời với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, ông Trump viết rằng, Đức đang nợ NATO một khoản tiền lớn, Mỹ cũng phải được trả nhiều hơn vì sự bảo vệ mà nước này đang mang tới cho Đức.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel, ông D.Trump không chỉ yêu cầu các quốc gia như Đức tăng chi tiêu quân sự mà còn yêu cầu các nước này hoàn trả cho Mỹ vì những đóng góp trước đây. Vì thực tế, ngân sách quốc phòng Đức chỉ đạt 1,2%, trong khi con số này của Mỹ là 3,6%.
Và vẫn còn những thử thách…
Ông Robert Oulds, Giám đốc tổ chức Bruges Group tại London nhận xét: Ông Trump “đang đưa ra một thử thách cho các quốc gia châu Âu khi kêu gọi họ chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng”. “Theo những gì ông Trump nói, nếu châu Âu không đáp ứng thử thách này, Mỹ sẽ tách ra khỏi NATO”.
Trước đó, Đức - một thành viên quan trọng trong NATO cho rằng: “Lời kêu gọi của Mỹ tới Đức và châu Âu chia sẻ gánh nặng là một yêu cầu chính đáng. Nếu chúng ta (tức châu Âu) muốn kiểm soát các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt như khủng bố hay đảm bảo năng lực quốc phòng của liên minh, chúng ta phải chia sẻ cùng nhau”.
Thủ tướng Đức Merkel khẳng định, Đức sẽ “làm mọi điều có thể” để đáp ứng mục tiêu đóng góp 2% GDP cho ngân sách quốc phòng NATO vào năm 2024. Còn Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lại chỉ trích ý kiến của Mỹ là “vô lý”, vì việc chi tiêu cho các vấn đề người tị nạn cũng cần phải được đem ra tính toán.
Được biết, theo quy định của NATO, các quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng, nhưng trên thực tế trong năm 2015, chỉ có 5 nước chấp hành đúng quy định này là: Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ.
Những tranh cãi nêu trên có thể coi là sự biểu hiện rõ nét nhất về rạn nứt trong nội bộ NATO. Giờ đây, với chính sách “nước Mỹ là trên hết” tất những quan điểm khác biệt trên đều trở thành món hàng mặc cả trong khối.
Trong khi vấn đề tối quan trọng là định hướng chiến lược cho tương lai, đâu là ưu tiên? “Đông tiến” hay cuộc chiến chống IS, chưa kể đến việc sẽ có rạn nứt trong quan hệ thương mại Mỹ - EU, quan hệ NATO - Nga, vấn đề nhập cư, việc mở rộng không gian ảnh hưởng của liêm minh này như thế nào… vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Như vậy, quan hệ Mỹ - NATO trong quá trình tồn tại và phát triển đã có những chuyển biến phức tạp, âm ỷ bên trong, với vị thế “thống trị” của Mỹ đã và đang mất dần đồng thời với tính độc lập hơn của các nước thành viên NATO ở châu Âu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, quan hệ lợi ích địa - chính trị Washington – Brussels đang có sự cọ sát, khiến NATO cần phải có thay đổi, nhưng về bản chất, NATO vẫn là trụ cột quân sự của Mỹ ở châu Âu, nên những thay đổi trong Liên minh này từ trước đến nay và trong tương lai vẫn chủ yếu mang tính chất điều hoà lợi ích giữa các bên mà thôi./.