Kinh tế thế giới tuy chưa thoát khỏi suy thoái nhưng ở một số nơi đã lác đác xuất hiện những dấu hiệu lạc quan. Điều đáng nói là những tín hiệu tuy ít ỏi nhưng hết sức quan trọng này lại không đến từ những nền kinh tế mạnh như Mỹ, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu, mà xuất hiện ở một số nền kinh tế mới nổi đang được gọi là “những điểm sáng”. Từ những chuyển động mang tính lịch sử này trên bản đồ kinh tế, bản đồ chính trị thế giới rồi đây cũng sẽ được vẽ lại và những vùng được tô đậm gam màu sức mạnh đang dịch chuyển dần từ Tây sang Đông.
Từ góc độ kinh tế
Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế hiện nay, không quá khó để nhận thấy rằng bản đồ kinh tế thế giới đang có biến động. Mới chỉ hơn một năm trước, “giấc mơ Mỹ” đã tan tành khi bong bóng bất động sản nổ tung. Lòng tham của nhà đầu tư, cũng là lòng tham của các nhà môi giới và sự vô trách nhiệm của các ngân hàng mặc dù họ biết rằng rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, là căn nguyên làm sụp đổ thị trường tín dụng nhà đất Mỹ, thổi tung bức màn bao phủ hào nhoáng về một nền kinh tế tư bản tự do. Có thể tóm gọn về quá trình hình thành bong bóng trên thị trường địa ốc Mỹ như thế này: cả ngân hàng và nhà đầu tư đều tối mắt chạy theo lợi nhuận. Một bên cho vay ồ ạt và một bên đi vay cũng ồ ạt. Thị trường khi đó hoàn toàn bị chi phối bởi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không có bàn tay điều tiết của nhà nước ở cấp vĩ mô. Kết cục là khi bong bóng trên thị trường địa ốc Mỹ nổ tung, giá rớt thảm hại, thị trường đóng băng, nhà đầu tư không còn khả năng thanh toán và với ngân hàng thì nợ xấu chồng chất. Từ đó, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu lan ra, đánh sập cả những ngân hàng lâu năm và danh tiếng bậc nhất nước Mỹ, kéo theo nhiều ngân hàng lớn ở một số nước khác.
Thực trạng đau đớn này đã nhấn chìm nền kinh tế Mỹ vào suy thoái sâu, đến giờ vẫn chưa gượng dậy được khi thất nghiệp tràn lan. Trong khi đó, các bạn hàng lớn của Mỹ như Trung Quốc, Ấn Độ đã nhanh chóng lại sức chỉ sau một thời gian ngắn lao đao. Với Trung Quốc, giờ đây giới chuyên môn nhận ra rằng nước này không chỉ trụ vững mà còn vươn lên mạnh mẽ, biến cuộc khủng hoảng tài chính thành cơ hội để phát triển. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ đạt tăng trưởng 8,5% trong năm 2009, xuất khẩu đã phục hồi bằng mức của đầu năm 2008 và dự trữ ngoại tệ đã đạt kỷ lục 2.300 tỉ USD. Gói kích cầu của Trung Quốc nay đã bước sang giai đoạn tiếp theo là xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong khi nhiều nước phản ứng theo cách tự vệ trước cuộc khủng hoảng, thì Trung Quốc lại sử dụng cuộc khủng hoảng một cách chủ động. Khác với hầu hết các quốc gia phương Tây đều không được chuẩn bị tốt, Trung Quốc bước vào cuộc khủng hoảng với một tư thế hoàn toàn khác. Nước này có thặng dư ngân sách, và đã nâng lãi suất để giảm bớt sức nóng tăng trưởng. Vì vậy, khi khủng hoảng nổ ra, Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp để kích thích tăng trưởng. Giới chuyên gia nhận thấy ở Mỹ, trong khi hầu hết chi tiêu của chính phủ đều nhắm vào người tiêu dùng dưới dạng trợ cấp, lương hay phúc lợi y tế... thì biện pháp kích thích của Trung Quốc nhằm vào đầu tư cho tăng trưởng tương lai là xây dựng kết cấu hạ tầng và công nghệ mới.
Sau những gì mà các nền kinh tế mới nổi ở châu Á thể hiện trong năm qua, bản thân Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Đô-mi-ních Xtrau-xơ-Can (Dominique Strauss-Kahn) cũng đã phải thốt lên rằng, châu Á cần đóng vai trò hàng đầu trong định hướng nền kinh tế thế giới đi vào con đường phát triển mới bền vững hơn trên quy mô toàn cầu. Vai trò này không chỉ tương xứng với sức nặng kinh tế của châu Á mà còn hết sức cần thiết vì châu Á là một bộ phận quan trọng của một giải pháp kinh tế tổng thể cho toàn cầu. Ông Đ. Xtrau-xơ-Can còn nhấn mạnh rằng, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang giúp cả châu lục vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính và đang dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế. Nay là thời điểm châu Á sử dụng tiếng nói mạnh mẽ của mình góp phần định hình bức tranh kinh tế thế giới sau khủng hoảng. Từ thực tế này, IMF đang tìm kiếm các phương thức mới để tăng cường sự hiện diện của châu Á trong tổ chức tài chính quốc tế lớn này.
Đến góc độ chính trị
Trong 10 năm qua, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tiếp với tốc độ chưa từng thấy thì hầu hết các nhà phân tích phương Tây bàn luận rằng đến khi nào thì nó sụp đổ. Giờ đây, khi Trung Quốc vươn lên trong khủng hoảng thì tất cả những gì mà họ có thể bàn là khi nào Trung Quốc sẽ dừng lại.
Đã đến lúc phương Tây phải thích nghi dần với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Thế mới có hàng loạt cuộc thăm viếng của giới lãnh đạo cấp cao nhất của các cường quốc phương Tây, mà đáng chú ý là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ vào tháng 11 vừa qua. Bình luận về chuyến thăm này, tờ Thời báo tài chính (Anh) cho rằng, vượt qua mọi sự phô trương dành cho nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của Mỹ trong một thập niên qua, chuyến thăm Trung Quốc của ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã nêu bật một thực trạng của thế giới ngày nay là quyền lực đang chuyển từ Tây sang Đông. Không một sự khéo léo nào có thể che đậy một thực tế rằng sự hiện diện của ông B.Ô-ba-ma tại Trung Quốc là minh chứng cho bước chuyển hướng của một trọng điểm thế giới trong những năm qua.
Chỉ cách đây 10 năm, Tổng thống Mỹ khi đó là Bin Clin-tơn đã thuyết phục Quốc hội Mỹ rằng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ thúc đẩy “các lực lượng dân chủ” tại Trung Quốc. Ngày nay, không ai ở Oa-sinh-tơn đưa ra nhận định như vậy nữa. Bước phát triển của Trung Quốc đã khiến quan điểm cho rằng “tự do hóa kinh tế chắc chắn dẫn đến tự do hóa chính trị” vấp phải sự phản đối. Quan trọng hơn, Mỹ không còn phồn thịnh như trước để có thể đóng vai một người “rao giảng”. Bắc Kinh nay đã là “chủ nợ” và Oa-sinh-tơn là “con nợ” lớn nhất, mà thông thường “chủ nợ” mới là người ra yêu sách.
Quan sát thế giới một năm sau khủng hoảng, dễ dàng nhận thấy bước chuyển trong các mối quan hệ quyền lực từ một thế giới có xu hướng đơn cực sang một thế giới sôi động với sự đan xen các mối quan hệ đã trở nên rõ ràng hơn trong nhiều lĩnh vực khác. Mỹ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề phi nhạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hay sự giúp đỡ của Nga trong vấn đề hạt nhân của I-ran, cần cả Trung Quốc và Ấn Độ để tránh cho các cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu liên tiếp thất bại... Hơn nữa, châu Á còn là nơi chứa đựng nhiều lợi ích chiến lược và lâu dài của Mỹ. Oa-sinh-tơn có thể bị gạt ra rìa ở châu Á nếu không tích cực gây dựng một trật tự chính trị và kinh tế mới tại khu vực. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang lên kế hoạch tiến tới hiệp định tự do thương mại ba bên. Nếu các công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc được miễn thuế khi vào thị trường Trung Quốc, thì các công ty của Mỹ lại bị áp thuế tương đối cao, và đương nhiên Mỹ sẽ thất thu khi ba quốc gia châu Á này giảm thuế cho các bạn hàng ở Đông Nam Á.
ASEAN - lực hấp dẫn mới
Trung tuần tháng 11, các tin về ASEAN nổi bật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiệp hội gồm 10 quốc gia thành viên này đã trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại của nhiều nước lớn. Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với ASEAN bấy lâu nay, cuộc khủng hoảng kinh tế dường như đã buộc các cường quốc phương Tây phải nhìn nhận lại vị thế của tổ chức này. Trên “bàn cờ châu Á” của Nhà Trắng, ASEAN giờ đây đã chiếm một vị trí chiến lược. Lần đầu tiên, hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ được tổ chức, đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ Mỹ - ASEAN và mở ra triển vọng cho một chính sách ngoại giao năng động của Mỹ tại Đông Nam Á.
Dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ, Mỹ đã xao nhãng khu vực này và chỉ tập trung nỗ lực vào Trung Đông. Ông G.Bu-sơ tuy đã nhiều lần gặp gỡ 7 nhà lãnh đạo ASEAN, nhưng các cuộc tiếp xúc này chỉ nằm trong khuôn khổ Diễn đàn APEC nên 3 nước Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma không tham dự vì không phải là thành viên APEC. Nhưng tại Xin-ga-po vừa qua, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN đều có mặt và hội đàm với Tổng thống B. Ô-ba-ma, thời gian họp được nâng lên thành 90 phút thay vì chỉ 40 phút dự kiến ban đầu. Cũng trong mục tiêu nâng quan hệ đối tác với ASEAN lên tầm cao mới, ông B.Ô-ba-ma chính thức mời toàn bộ các nhà lãnh đạo ASEAN thăm Mỹ vào năm 2010.
ASEAN nắm trong tay tuyến vận tải đường biển “bận rộn” nhất thế giới: Eo biển Ma-lắc-ca. ASEAN cũng là nhóm quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhất thế giới, với tổng giá trị kim ngạch thương mại tương đương gần 100% GDP của cả khối (hiện ở mức 1.300 tỉ USD). Với thị trường rộng lớn gồm 650 triệu dân, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ. Nhưng do ưu thế về địa lý, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh kim ngạch thương mại với 10 nước ASEAN và từ năm 1997, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN đã vượt kim ngạch mậu dịch Nhật Bản - ASEAN. Phải chăng chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma mới giật mình nhận ra điều đó? Cải thiện quan hệ với Hiệp hội có thể là nền tảng của chiến lược “Mỹ quay trở lại châu Á” vì tại Nhật Bản - nước từng được ví là “tàu sân bay không thể bị đánh chìm của Mỹ”, chính quyền mới đã công khai bộc lộ quan điểm muốn xem xét lại toàn bộ chính sách quốc phòng, tất nhiên bao gồm cả mối quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ. Sau khi đã ký Hiệp ước hợp tác và hữu nghị (TAC) với ASEAN đầu năm 2009, Mỹ đang nghiên cứu dự án thành lập Khu vực tự do thương mại giữa Mỹ và ASEAN nhằm bắt kịp Trung Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Hàn Quốc - những nước đã hoàn tất Hiệp định Tự do thương mại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Hiện nay, Mỹ chiếm hơn 20% lượng xuất khẩu hàng hóa từ châu Á, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 6% và chắc chắn đây không phải là cuộc cạnh tranh “bằng vai phải lứa”. Mặc dù tin rằng thị trường Mỹ vẫn là lớn nhất, nhưng trong “thời đại châu Á” này, Mỹ sẽ phải chủ động tham gia sân chơi chứ không khoanh tay đứng nhìn. Từ những phân tích trên, có thể dự báo rằng trong tương lai, châu Á sẽ là khu vực có nhiều chuyển biến mới và ASEAN sẽ nổi lên như một điểm nhấn hấp dẫn các cường quốc không chỉ trong khu vực mà trên thế giới.
Sẽ chỉ là một trong nhiều cường quốc
Còn nhớ vào cuối thế kỷ XIX, nước Anh đã điều chỉnh chính sách đối với một nước Mỹ đang nổi lên, dẫn đến sự dịch chuyển quyền lực từ Tây Bán cầu sang Mỹ. Việc điều chỉnh của Anh đối với sự trỗi dậy của Mỹ dựa trên mối quan hệ tư tưởng chặt chẽ. Các nhà lãnh đạo Anh khi đó đã coi Mỹ là một đồng minh chiến lược trong một “thế giới nguy hiểm”. Vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, không ít các nước lớn đang lẳng lặng xem xét điều chỉnh chính sách đối ngoại - kinh tế - quốc phòng của mình trước sự trỗi dậy đầy ấn tượng của các nền kinh tế mới nổi, từ đó đưa đến sự dịch chuyển cán cân sức mạnh từ Tây sang Đông. Nhưng đối với chính quyền Mỹ, việc thông báo "chúng tôi đã trở lại châu Á " sau những tháng năm lãng quên khu vực này của Chính quyền G.Bu-sơ, thì đây chưa hẳn sẽ là một sự khởi đầu tốt đẹp.
Trong phúc trình "Các xu hướng toàn cầu 2025" của Hội đồng Tình báo quốc gia (NIC) đưa ra cuối năm 2008, vị thế của Mỹ được tiên đoán sẽ dần lung lay bên cạnh ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc, Ấn Độ (và có thể cả Nga) trong vòng 15 năm tới. Phúc trình được xuất bản khi suy thoái kinh tế bắt đầu, nghĩa là trước khi khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, mà đã tiên đoán về sự suy giảm quyền lực của Mỹ sẽ diễn tiến từ từ trong thời gian 15 năm tới. Nhưng sau đó, khủng hoảng kinh tế và các biến cố đi kèm đã buộc các tác giả của bản phúc trình phải xem xét lại thời gian biểu đó. Do những mất mát kinh tế quá lớn của Mỹ trong năm qua và sự hồi phục kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc, tốc độ dịch chuyển quyền lực toàn cầu dự báo trong phúc trình đã tăng tốc. Và trên thực tế, tình huống dự báo mãi cho đến năm 2025 đang diễn ra ngay trước mắt.
Thực vậy, nhiều dự báo trong phúc trình các xu hướng toàn cầu 2025 đã thực sự xảy ra. Bra-xin, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc (gọi tắt là BRIC) đã khẳng định vai trò của họ trong đời sống kinh tế toàn cầu ngay trong hiện tại chứ không chờ đến tận hai thập niên tới. Cùng lúc, vị trí “áp đảo” mà Mỹ nắm giữ trước đây, với sự hỗ trợ của các cường quốc công nghiệp phương Tây là Nhóm G7 - cũng đã bị xói mòn một cách nhanh chóng. Trong quá khứ, nhiều cường quốc thường hướng về Mỹ để định hướng trong nhiều vấn đề quốc tế trọng đại. Ngày nay, họ không còn mấy quan tâm đến khuyến cáo của Oa-sinh-tơn, mà thay vào đó, đã tự tạo cho mình một mạng lưới chính sách độc lập riêng.
Sau bão sẽ là gì? Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đang đẩy cán cân sức mạnh kinh tế dịch chuyển từ Tây sang Đông. Hay nói cách khác, cục diện kinh tế - chính trị thế giới đang thay đổi theo hướng cân bằng hơn. Nhìn vào cơ cấu GDP của nền kinh tế thế giới cũng thấy được những biểu hiện thay đổi đó. Những năm gần đây, trong khi Mỹ mải mê với những hình thức đầu cơ mạo hiểm và Liên minh châu Âu “ngủ quên” trên vinh quang, thì Nhóm BRIC đã kịp dịch chuyển “các đường biên giới mềm”. Họ đang được ví như những động lực mới, thậm chí là cứu tinh cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Việc G20 vừa quyết định chuyển 5% quyền bỏ phiếu trong IMF cho các nền kinh tế mới nổi là việc làm tất yếu. Cũng không có gì lạ, đó là sự phát triển tất yếu của một thế giới khi mà các mối quan hệ kinh tế - tài chính đan xen nhau, khiến các nền kinh tế trở nên phụ thuộc lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đang dần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước phát triển và đang phát triển, dẫn đến những điều chỉnh mang tính kết cấu trong quan hệ Bắc - Nam. Khái niệm “nước nhỏ” bị buộc phải tham gia trò chơi của “nước lớn” theo luật lệ của họ đang dần bị xóa nhòa. Hy vọng, những thay đổi hiện nay và sau này sẽ giúp tạo dựng một thế giới cân bằng hơn./.