Một góc thủ đô Buenos Aries của Ác-hen-tin-na. |
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Cộng hòa Ác-hen-ti-na từ ngày 15 đến 17-4-2010 theo lời mời của nữ Tổng thống Cri-xti-na Phéc-năng-đét Đe Ki-snê được thực hiện trong nỗ lực của Việt Nam tăng cường quan hệ với khu vực Mỹ La-tinh, củng cố quan hệ chính trị với Ác-hen-ti-na, tạo động lực thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Nằm ở Nam Mỹ, với diện tích hơn 3,7 triệu km2, Ác-hen-ti-na ngày nay là vùng đất trù phú, nơi sinh sống của khoảng 40 triệu người, với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Ác-hen-ti-na là một trong ba nền kinh tế lớn ở Mỹ La-tinh, sau Bra-xin và Mê-hi-cô, có truyền thống sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; công nghiệp tương đối phát triển với các ngành mũi nhọn như cơ khí chế tạo máy, nguyên tử, sinh học, điện tử, tin học...
Từ đầu thập niên 1980 của thế kỷ XX, kinh tế Ác-hen-ti-na lâm vào khủng hoảng trầm trọng kéo dài trong hai thập kỷ như nhiều nước Mỹ La-tinh khác trong trào lưu tự do kinh tế mới trong toàn khu vực. Từ năm 2003, với những chính sách và biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền dân tộc và lợi ích quốc gia của Tổng thống Nê-xtô Kít-snê (phu quân của đương kim nữ Tổng thống Cri-xti-na Phéc-năng-đét Đe Ki-snê), kinh tế Ác-hen-ti-na bắt đầu quá trình hồi phục. Trong giai đoạn 2003-2008 tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 8 đến 9%. Sau khi Tổng thống Cri-xti-na Phéc-năng-đét nhậm chức (12-2007), Ác-hen-ti-na chủ trương tiếp tục coi trọng và ưu tiên phát triển công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, quan tâm lớn tới nông nghiệp và thúc đẩy kinh tế đối ngoại. Năm 2009, chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP giảm mạnh, chỉ đạt gần 1%, nhưng dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục 45 tỷ USD; kim ngạch thương mại đạt khoảng 100 tỷ USD.
Cách đây gần 37 năm, vào ngày 25-10-1973, Việt Nam và Ác-hen-ti-na lập quan hệ ngoại giao. Bất chấp khoảng cách địa lý, mối quan hệ song phương chưa bao giờ gián đoạn và phát triển tích cực trong những năm gần đây. Năm 1997, Tổng thống Các-lốt Mê-nêm đã thăm Việt Nam; năm 2004 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thăm Ác-hen-ti-na và năm 2006 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Ác-hen-ti-na. Hai bên đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác làm cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương và hiện đang duy trì cơ chế Ủy ban hợp tác liên chính phủ.
Trao đổi thương mại song phương liên tục gia tăng. Năm 2005 đạt 294 triệu USD, tăng 6 lần so với 2001, năm 2007 đạt 316 triệu USD, 2008 đạt hơn 400 triệu USD và năm 2009 đạt khoảng 634 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Ác-hen-ti-na chủ yếu hàng dệt may, giày dép, cao su, điện tử, nồi hơi, thiết bị dụng cụ cơ khí, đồ gỗ, phụ tùng xe đạp và xe máy, va-li và túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ; nhập khẩu từ Ác-hen-ti-na dầu thực vật, đậu nành, nguyên phụ liệu thuốc lá, tân dược, hóa chất, chất dẻo, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, máy móc, ô tô, linh kiện ô tô, sữa và sản phẩm sữa, gỗ, thức ăn gia súc... Năm 2009, Việt Nam đã trở thành nhà nhập khẩu đậu tương lớn thứ hai của Ác-hen-ti-na (350 triệu USD). Ác-hen-ti-na hiện có dự án sản xuất các sản phẩm sinh học (phân bón, thuốc diệt côn trùng, thuốc kích thích rau quả). Tập đoàn Công nghiệp luyện kim IMPSA của Ác-hen-ti-na và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đang triển khai ba dự án khai thác phong điện và thủy điện tại Việt Nam với số vốn tương đương 1,4 tỷ USD. Hai bên hiện còn có quan hệ trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật; trao đổi và giao lưu giữa các trường đại học, trao đổi các đoàn nghiên cứu khoa học...
Dù liên tục phát triển nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian qua vẫn không làm hài lòng cả hai phía, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của mỗi nước. Ác-hen-ti-na mong muốn Việt Nam trở thành cửa ngõ để hàng hóa của Ác-hen-ti-na có thể thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Ngược lại, Ác-hen-ti-na sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Ác-hen-ti-na và thông qua Ác-hen-ti-na các sản phẩm của Việt Nam có thể đi vào thị trường Nam Mỹ. Gần đây, hai bên cam kết triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy, phát triển, đa dạng hóa trao đổi thương mại.
Sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ác-hen-ti-na trong những năm qua chứng tỏ hai bên thực sự quan tâm tới nhau, đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước. Đó là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, những cuộc gặp gỡ cấp cao Việt Nam – Ác-hen-ti-na nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ác-hen-ti-na sẽ tạo ra động lực mới nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vì hòa bình và phát triển.